Tổng thống Mỹ dự kiến đề xuất gói ngân sách quốc phòng cao kỷ lục
Ngày 17-2, hãng tin Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến đề nghị Quốc hội Mỹ phê duyệt dự trù ngân sách quốc phòng cao kỷ lục, lên đến hơn 770 tỷ USD cho năm tài khóa 2023, trong bối cảnh Lầu Năm Góc thúc đẩy quá trình hiện đại hóa quân đội.
Các cuộc thảo luận về dự trù ngân sách đang diễn ra giữa Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cùng Văn phòng Quản trị và Ngân sách Nhà Trắng (OMB) đã đạt được nhất trí sơ bộ về gói ngân sách quốc phòng dự kiến hơn 770 tỷ USD cho năm tài khóa tiếp theo, bắt đầu từ ngày 1-10 tới.
Con số dự kiến nêu trên còn cao hơn cả những đề xuất ngân sách quốc phòng từng được đệ trình dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, các nguồn tin cũng cho biết con số được chốt trong dự trù ngân sách cuối cùng sau vài tháng tới có thể còn được điều chỉnh so với hiện tại. Hai trong số các nguồn tin tiết lộ khoảng 773 tỷ USD sẽ được cung cấp cho Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, các khoản chi dành cho các cơ quan khác nhằm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển quốc phòng cũng sẽ tiếp tục được cấp ngân sách. Do đó, tổng số ngân sách dự kiến chi cho quốc phòng có khả năng sẽ được đẩy lên hơn 800 tỷ USD.
Tổng thống Joe Biden đã đề xuất ngân sách quốc phòng trị giá 753 tỷ USD trong tài khóa 2022.Ảnh: Anadolu Agency |
Ngân sách quốc phòng chủ yếu gồm các khoản đầu tư cho xe tăng và máy bay phản lực tàng hình F-35, đồng thời trả tiền bảo trì và tiền lương. Ngoài ra, ngân sách cũng chi cho chương trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, phát triển và thử nghiệm thêm vũ khí siêu thanh và các hệ thống “thế hệ tiếp theo” khác. Được biết, một trong những ưu tiên hàng đầu của gói ngân sách mới là đóng tàu, đẩy mạnh phát triển các loại vũ khí không gian, hệ thống cảnh báo tên lửa và hiện đại hóa “bộ ba” hạt nhân gồm tàu ngầm tên lửa đạn đạo, máy bay ném bom và tên lửa đất đối không. Ngân sách dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho các nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Mỹ như Lockheed Martin, Northrop Grumman và General Dynamics.
Một trong những nguồn tin khác nhận định nỗ lực hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ rất tốn kém, trong bối cảnh Lầu Năm Góc có kế hoạch tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển vũ khí để chống lại bất kỳ cuộc chiến tranh tiềm tàng nào trong tương lai.
Để cắt giảm chi phí, Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch loại bỏ các loại vũ khí lỗi thời và đắt đỏ như các tàu tác chiến gần bờ Littoral, máy bay cung cấp hỗ trợ trên không cho bộ binh A-10… Theo Sputnik, vào năm 2022, Không quân Mỹ dự kiến sẽ loại biên khoảng 160 phương tiện chiến đấu. Lầu Năm Góc kỳ vọng số tiền tiết kiệm được từ việc vận hành số lượng máy bay chiến đấu ít hơn sẽ được Không quân Mỹ sử dụng để phát triển các mẫu máy bay hiện đại hơn.
Trong bối cảnh dịch bệnh khiến nền kinh tế chịu ảnh hưởng đáng kể, Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về chi tiêu quân sự trên thế giới. Năm 2021, Quốc hội Mỹ đã ký một khoản chi không tưởng lên tới gần 778 tỷ USD chi tiêu cho Lầu Năm Góc trong năm tài khóa 2022. Số tiền trên cao hơn mốc 25 tỷ USD mà Lầu Năm Góc đã yêu cầu.
Khi đó đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng cho Lầu Năm Góc của Tổng thống Joe Biden. Một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho rằng cần tăng ngân sách quốc phòng để bảo đảm an toàn cho Mỹ và các đồng minh và đề xuất ngân sách “hạn chế” của ông Biden đồng nghĩa với việc cắt giảm các chương trình quan trọng. Trong khi đó, phía Đảng Dân chủ lại có ý kiến rằng, đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng cho Lầu Năm Góc của ông Biden là đáng thất vọng và không nên đổ tiền vào các dự án gây lãng phí.
Ý kiến ()