Tổng thống Mỹ B. Obama đã không thuyết phục được châu Âu trừng phạt Nga
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dành cả tuần công du châu Âu để thuyết phục các nhà lãnh đạo khu vực này áp dụng lệnh trừng phạt Nga liên quan tới vấn đề sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, những nỗ lực của ông Obama xem ra đã không được đền đáp khi ông không nhận được lời bảo đảm từ Brussels về các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow, mặc dù nhiều nước EU khẳng định vẫn thống nhất quan điểm với Washington.
Lời kêu gọi trừng phạt Nga của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không được các |
Trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu hồi tuần trước, Tổng thống Obama đã tới Amtersdam, Haag, Brussels, Vatican, Rome và Ả rập Xê út với một trọng tâm thảo luận chính là cuộc khủng hoảng Ukraine và lôi kéo sự ủng hộ của các nước đồng minh châu Âu trong việc siết chặt lệnh trừng phạt chống lại Moscow. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã tỏ ra rất khéo léo trong đàm phán. Một mặt, họ vẫn tỏ rõ cam kết ủng hộ Mỹ trên lời nói, nhưng trên thực tế họ lại không tỏ ra sẵn sàng để áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt quyết liệt nào. Có lẽ “món quà ngọt ngào” nhất mà các nước châu Âu dành tặng ông Obama cho tới nay, vẫn là việc loại trừ Nga khỏi nhóm các nền kinh tế phát triển trên thế giới (G8) – vốn được xem là một hành động mang tính chất biểu trưng, quan trọng đối với nước Mỹ.
Các đại diện Liên minh châu Âu (EU) đã lắng nghe chăm chú những lời kêu gọi quyết liệt của ông Obama trong những hành động trừng phạt Nga. Thậm chí một số nước đã tỏ ý đồng thuận trước ý kiến của nhà lãnh đạo Mỹ, song lại tỏ ra do dự trong việc hành động và từ chối áp đặt lệnh trừng phạt Nga. Có lẽ, các nước hàng đầu của EU không hiểu tại sao họ lại phải cắt đứt liên hệ với đối tác thương mại lớn nhất bên ngoài EU chỉ để ủng hộ một bộ máy lãnh đạo do Washington dựng lên ở Kiev. Theo số liệu thống kê, hiện có tới hơn 300.000 công ăn việc làm trong nền kinh tế đầu tàu của châu Âu là Đức – đang phụ thuộc vào các mối quan hệ kinh tế với Nga.
Nhiều chuyên gia phân tích của Nga cho rằng, những “lời qua tiếng lại” mà Mỹ đưa ra về việc trừng phạt Moscow trong nhiều ngày trở lại đây chẳng qua chỉ là một phần trong cuộc chiến tranh thông tin chống lại Nga. Điều đó cho thấy Washington đang cảm thấy “hoang mang” trong vấn đề Ukraine. Thậm chí Giám đốc Viện Quốc tế các quốc gia mới nhất (DIINS) Alexey Martynov còn khẳng định rằng xét về mặt thực tế, cả Mỹ lẫn châu Âu sẽ không áp dụng biện pháp trừng phạt chống lại Nga. “Hiện không phải là thời điểm tốt nhất để phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Nga. Thực tế 20 năm qua cho thấy, phương Tây đã theo đuổi những nỗ lực mạnh mẽ để đưa nước Nga trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu. Cho nên giờ đây, đối với phương Tây, cố gắng trừng phạt Nga cũng chính là trừng phạt các công ty của phương Tây đang làm việc chặt chẽ với Nga”. Theo quan điểm của ông Martynov, chiến thuật của các nước phương Tây giờ còn được chuyển hướng sang ngoại giao, song chung quy lại vẫn nhằm phục vụ cho một mục tiêu chính đó là “phương Tây không thể chấp nhận một nước Nga theo đuổi chính sách độc lập và làm những gì vốn được Nga cho là thích hợp và công bằng”.
Bà Natalia Kalinina – một chuyên gia phân tích thuộc Viện Kinh tế thế giới và các mối quan hệ quốc tế cũng cho rằng, sẽ rất khó có khả năng châu Âu châm ngòi cho một cuộc chiến kinh tế chống lại Nga. “Ngày nay, nền kinh tế thế giới có mối quan hệ tương quan với nhau. Vì thế, chỉ cần một quyết định sai lầm cũng có thể phá hủy cả hệ thống. Đó là lý do tại sao các cuộc nói chuyện về trừng phạt lại không kết thúc bằng những hành động trừng phạt. Trên thực tế, Mỹ đang cố gắng gây sức ép lên EU, tuy nhiên EU sẽ tiếp tục duy trì các mối quan hệ kinh tế với Nga”, bà Kalinina nói.
Trong nhiều ngày trở lại đây, thật không khó để người ta bắt gặp những dòng chữ chỉ trích Nga trên các phương tiện truyền thông châu Âu. Tuy nhiên, có vẻ như ý kiến của dư luận đang dần thay đổi. Tuần trước, tờ The Independent của Anh đã đăng bài viết của ông Tony Brenton – cựu Đại sứ Anh tại Nga. Ông Brenton vốn được biết đến như một người “không theo chủ trương ủng hộ Nga” cũng đã kêu gọi các nước thừa nhận sự hội nhập của Crimea vào Liên bang Nga.
Trong bài viết này, ông Brenton đã nêu những lý do vừa thực tế vừa giả định để Nga không ủng hộ những chủ trương của phương Tây: từ kế hoạch hướng Đông của NATO, ủng hộ những phần tử ly khai tại Chechen, ủng hộ cựu Tổng thống Grudia Mikheil Saakashvili và chính quyền mới của Ukraine…Qua đó, ông Brenton đề xuất các bên không nên tiếp tục đe dọa trừng phạt hay cô lập Nga mà cần phải nối lại đối thoại để giải quyết bất đồng.
Về phía ông Vilen Ivanov – Hội viên Hội đồng Viện hàn lâm Khoa học Nga đã chia sẻ quan điểm của cựu Đại sứ Anh tại Moscow khi tuyên bố “Nga luôn sẵn sàng cho các cuộc đối thoại tương tự…Thực tế rằng Nga không đáp trả các lệnh trừng phạt ngân hàng từ phía Mỹ đã cho thấy một minh chứng về ý định này…Việc Nga không áp dụng các biện pháp trừng phạt trả đũa đã thể hiện rõ một lối hành động khôn ngoan bởi rõ ràng, những động thái này không giúp cải thiện các quan hệ quốc tế. Điều đó cũng giúp khẳng định một điều rằng Nga luôn cân nhắc việc trừng phạt một cách nghiêm túc”.
Bên cạnh đó, ông Ivanov cũng khuyến cáo, các bên sẽ không thể tìm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine nếu như không cân nhắc đến lợi ích và các mối quan tâm của Nga. “Tốt hơn hết là lần này, Mỹ cần lắng nghe ý kiến của ông Brenton cho dù rất hiếm khi Washington lưu tâm đến những tuyên bố tương tự từ một đối tác tận tụy nhất ở châu Âu”, ông Ivanov nói.
Chuyên gia trên cho rằng, ngay cả khi phương Tây đã tỏ ra hợp lực trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt “thứ yếu” lên Moscow, song các nước này sẽ khó có thể làm điều tương tự đối với các biện pháp trừng phạt quan trọng – gây tác động mạnh đến nền kinh tế Nga. “Moscow đã tỏ rõ thiện chí và sẵn sàng khởi động các vòng đối thoại thông qua việc không áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa chống lại Mỹ và châu Âu. Các nhà lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là Thủ tướng Anh, cần tiến hành thảo luận với các nhà lãnh đạo Nga. Các quan chức phương Tây cần cân nhắc kỹ những mối quan ngại thực sự của Nga về thực tế rằng, phương Tây đang có ý đồ muốn thâu tóm Ukraine”, ông Ivanov nói.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()