Tổng thống Moldova tuyên bố chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị
Ngày 15/6, Tổng thống Moldova Igor Dodon tuyên bố cuộc khủng hoảng chính trị và hiến pháp kéo dài nhiều tuần qua tại nước này đã chấm dứt, sau khi Tòa án Hiến pháp hủy bỏ một số phán quyết gần đây.
Thủ tướng được chỉ định của Moldova Maia Sandu trong cuộc họp báo tại trụ sở Quốc hội ở Chisinau ngày 10/6/2019.
Ngày 15/6, Tổng thống Moldova Igor Dodon tuyên bố cuộc khủng hoảng chính trị và hiến pháp kéo dài nhiều tuần qua tại nước này đã chấm dứt, sau khi Tòa án Hiến pháp hủy bỏ một số phán quyết gần đây, trong đó có phán quyết giải tán Quốc hội và không công nhận chính phủ của Thủ tướng Maia Sandu.
Trong nội dung đăng tải trên mạng xã hội, ông Dodon bày tỏ hoan nghênh quyết định của tòa khi xem xét lại những phán quyết đưa ra từ ngày 7-9/6 vừa qua, đồng thời nhấn mạnh Moldova đã vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị và hiến pháp.
Moldova chìm vào bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử quốc hội tổ chức hồi cuối tháng 2 vừa qua, khi không có chính đảng nào giành đa số ghế để lập chính phủ.
Sau nhiều tháng thương lượng, ngày 8/6, đảng Xã hội chủ nghĩa Moldova, với đường lối ủng hộ quan hệ chặt chẽ với Nga, và Liên minh đối lập cánh hữu ASUM ủng hộ Liên minh châu Âu (EU), đã nhất trí thành lập chính phủ liên hiệp và được Quốc hội Moldova thông qua.
Động thái này được cho sẽ mở đường giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị . Tuy nhiên, đảng Dân chủ, lực lượng lớn thứ hai trong Quốc hội Moldova và là đảng cầm quyền trước đó, cho rằng chính phủ đã được thành lập sau thời hạn chót hậu bầu cử và vì thế là bất hợp pháp.
Theo đó, đảng này đề nghị Tòa án Hiến pháp đình chỉ chức vụ của Tổng thống Igor Dodon .
Tòa án Hiến pháp đã chấp thuận yêu cẩu này và ngày 9/6 đã đình chỉ chức vụ của Tổng thống Dodon đồng thời chỉ định ông Pavel Filip làm Tổng thống lâm thời. Sau đó, ông Pavel Filip đã ký sắc lệnh giải tán Quốc hội và ấn định tổ chức bầu cử sớm vào ngày 6/9 tới.
Tuy nhiên, Quốc hội Moldova đã thông qua tuyên bố coi chính phủ do ông Filip đứng đầu là “vi hiến,” cho rằng đảng Dân chủ đã có hành động “tiếm quyền” và yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét vấn đề này.
Ngày 15/6, Tòa án Hiến pháp đã tuyên bố hủy bỏ một số phán quyết gần đây, trong đó có phán quyết giải tán Quốc hội và không công nhận chính phủ của bà Sandu.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Vladimir Cebotari cho biết đảng của ông “từ bỏ quyền lực” nhằm tránh nguy cơ dẫn đến bạo lực.
Cùng ngày, đảng Dân chủ thông báo thủ lĩnh của đảng này, ông Vladimir Plahotniuc đã tạm thời rời khỏi Moldova.
Cùng ngày, phát biểu sau cuộc họp đầu tiên với chính phủ liên hiệp, Thủ tướng Maia Sandu khẳng định những ưu tiên của chính phủ mới là quan hệ chặt chẽ hơn với EU và xử lý những người đã lạm dụng quyền lực.
Thủ tướng Sandu cáo buộc Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Vladimir Cebotari và các cộng sự của ông này là “tội phạm và tham nhũng.”
Bà Sandu nhấn mạnh “những phần tử cầm đầu các nhóm mafia tiếm quyền và khủng bố người dân Moldova trong nhiều năm nay đã trốn khỏi đất nước.”
Bà khẳng định tất cả những người phải chịu trách nhiệm, trong đó có ông Plahotniuc, sẽ bị đưa trở lại Moldova và phải giải trình về tất cả những hành vi lạm dụng quyền lực của họ.
Bà Sandu cho rằng nỗ lực của Moldova gia nhập EU đã bế tắc do chậm cải cách. Thủ tướng Sandu cam kết chính phủ mởi sẽ có các bước đi cụ thể, tiến triển trong cải thiện quan hệ giữa Moldova với EU. Bà thông báo sẽ sớm đón một phái đoàn từ Brussels tới thăm Chisinau.
Bên cạnh đó, Moldova cũng để ngỏ khả năng tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại với Nga. Mặc dù Tòa án Hiến pháp Moldova đã hủy bỏ các quyết định chống lại nội các của bà Sandu và Quốc hội, nhưng Thủ tướng Sandu đã yêu cầu các Thẩm phán của tòa án này từ chức.
Trên tài khoản mạng xã hội, Thủ tướng Sandu cáo buộc các thẩm phán đã “làm xấu thể chế mà họ đại diện trên cả phương diện quốc gia và quốc tế.”
Bà Sandu nhấn mạnh: “Tòa án Hiến pháp phải hành động phù hợp với các điều khoản và tinh thần của Hiến pháp, không dựa vào quyết định và hành xử của các nhân tố chính trị trong nước”./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()