Tổng thống Iran khẳng định sẽ không lùi bước trong vấn đề hạt nhân
Trong một phản ứng trước báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về các hoạt động hạt nhân của Iran, Tổng thống nước này Mamút Amađinêgiát (Mahmoud Ahmadinejad) ngày 9/11 khẳng định nước này sẽ không lùi bước trên con đường hạt nhân của mình.Trước đó, báo cáo ngày 8/11 của IAEA bày tỏ "những quan ngại sâu sắc" về các hoạt động hạt nhân của Têhêran, đồng thời khẳng định IAEA có thông tin "đáng tin cậy" rằng Iran có thể đã nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân. Phát biểu tại thành phố Sa Ê Co (Shahr-e-Kord, miền Trung Iran), ông Amađinêgiát đã bác bỏ bản báo cáo trên, cho rằng văn bản này "thiên vị, không chuyên nghiệp và có động cơ chính trị". Ông cũng khẳng định: "Iran không cần bom hạt nhân, và sẽ không lùi dù chỉ một bước nhỏ trên con đường đã chọn". Cùng ngày, kênh truyền hình Press TV dẫn lời Ngoại trưởng Iran Ali Ácba Xalêhi (Ali-Akbar Salehi) cho biết không có bằng chứng xác đáng nào để kết luận về sự chệch hướng của chương trình hạt nhân của Iran. Trong khi đó,...
Trong một phản ứng trước báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về các hoạt động hạt nhân của Iran, Tổng thống nước này Mamút Amađinêgiát (Mahmoud Ahmadinejad) ngày 9/11 khẳng định nước này sẽ không lùi bước trên con đường hạt nhân của mình.
Trước đó, báo cáo ngày 8/11 của IAEA bày tỏ “những quan ngại sâu sắc” về các hoạt động hạt nhân của Têhêran, đồng thời khẳng định IAEA có thông tin “đáng tin cậy” rằng Iran có thể đã nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân. Phát biểu tại thành phố Sa Ê Co (Shahr-e-Kord, miền Trung Iran), ông Amađinêgiát đã bác bỏ bản báo cáo trên, cho rằng văn bản này “thiên vị, không chuyên nghiệp và có động cơ chính trị”. Ông cũng khẳng định: “Iran không cần bom hạt nhân, và sẽ không lùi dù chỉ một bước nhỏ trên con đường đã chọn”.
Cùng ngày, kênh truyền hình Press TV dẫn lời Ngoại trưởng Iran Ali Ácba Xalêhi (Ali-Akbar Salehi) cho biết không có bằng chứng xác đáng nào để kết luận về sự chệch hướng của chương trình hạt nhân của Iran. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại của Quốc hội Iran (Majlis), ông Alaêđin Bôrugiécđi (Alaeddin Boroujerdi) cho rằng báo cáo của IAEA là “vô nghĩa” đối với Iran.
Trong một diễn biến liên quan, Phó Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, Chuẩn tướng Maxút Giadayêri (Masoud Jazayeri) cảnh báo rằng mọi cuộc tấn công từ phía Ixraen nhằm vào quốc gia Hồi giáo đều sẽ dẫn tới sự “hủy diệt” của nhà nước Do Thái. Trả lời phỏng vấn trên kênh Al-Alam phát bằng tiếng Arập của Iran, ông Giadayêri nhấn mạnh: “phản ứng của chúng tôi sẽ không bị giới hạn ở Trung Đông”. Ông cũng cho biết Iran có kế hoạch sẵn sàng đáp trả trong trường hợp bị tấn công.
Trong khi đó, cùng ngày 9/11, Pháp tuyên bố nước này muốn triệu tập các thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ sau khi IAEA công bố báo cáo nói Iran đã bắt tay phát triển thiết kế một quả bom nguyên tử.
Trả lời phỏng vấn của Đài RFI, Ngoại trưởng Pháp Alanh Giuýppê (Alain Juppe) nói: “Cần triệu tập một cuộc họp của HĐBA LHQ. Chúng ta không thể chấp nhận điều này vì đó là mối đe dọa”. Bộ Ngoại giao Pháp cùng ngày cũng ra tuyên bố kêu gọi quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có nếu Iran tiếp tục bất chấp luật pháp quốc tế liên quan chương trình hạt nhân của nước này.
Liên minh châu Âu (EU) cũng cho rằng báo cáo của IAEA càng làm trầm trọng thêm mối quan ngại hiện nay về bản chất chương trình hạt nhân của Têhêran.
Trong động thái liên quan, cùng ngày 9/11, một số chuyên gia Nga cho rằng báo cáo của IAEA vừa được công bố sẽ không ảnh hưởng đến cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran, cũng như quan hệ của Iran với Ixraen, Mỹ và các nước khác trên thế giới.
Chuyên gia Xécgây Đêmiđencô (Sergei Demidenko) thuộc Viện Phân tích và đánh giá chiến lược Nga cho rằng “cuộc đàm phán với nhóm G5 1 cũng như quan hệ của Iran với Ixraen và Mỹ vẫn sẽ phát triển như trước đây, nghĩa là sẽ xuất hiện những căng thẳng tạm thời, những tuyên bố cứng rắn từ cả hai phía, nhưng sẽ không diễn ra điều gì bất thường”. Theo ông Đêmiđencô, “Iran chưa thể sản xuất được bom hạt nhân và cũng không sản xuất để làm gì. Chiến tranh sẽ không xảy ra vì rất tốn kém, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và sẽ không mang lại hiệu quả gì”.
Giáo sư Vlađimia Xadin (Vladimir Sazin) thuộc Viện Phương Đông học – Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận xét sẽ không diễn ra những thay đổi căn bản nào do cả hai bên (Iran và nhóm G5 1) đều không phản đối việc nối lại tiến trình đàm phán vốn bị gián đoạn từ năm 2009, trong khi báo cáo của IAEA cũng không có thông tin gì mới và cụ thể./.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()