Tổng thống Iran bắt đầu thăm chính thức Việt Nam
Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran Hassan Rouhani bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 5-7/10, theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Cùng đi với Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong chuyến thăm Việt Nam có: Bộ trưởng Ngoại giao Mohammad Javad Zarif, Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Mohammad Nahavandian; Bộ trưởng Công nghiệp, Mỏ và Thương mại Mohammad Reza Nematzadeh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mahmoud Hojjati, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Valiollah Seif, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách châu Á-Thái Bình Dương Ebrahim Rahim Pour, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Iran tại Việt Nam Saleh Adibi…
Tổng thống Hassan Rouhani sinh ngày 12/11/1948 tại Iran.
Ông là Tiến sĩ Luật Hiến pháp, Đại học Glasgow Caledonian (Anh); Thạc sĩ Luật Triết học, Đại học Glasgow Caledonian (Anh); Cử nhân Luật Tư pháp, Đại học Tehran (Iran).
Từ tháng 8/2013, ông Hassan Rouhani là Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Việt Nam và Iran chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 4/8/1973, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển tích cực.
Năm 1991, Iran mở Đại sứ quán tại Hà Nội và năm 1997, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Tehran. Tháng 9/2009, Hội hữu nghị Việt Nam-Iran được thành lập nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hóa.
Nhiều chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước và các chuyến thăm của lãnh đạo các bộ, ban, ngành đã được thực hiện nhằm trao đổi, thảo luận, tìm các biện pháp thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Về quan hệ kinh tế, với khoảng hơn 80 triệu dân, Iran là thị trường lớn tại khu vực Trung Đông, trong khi Việt Nam là cửa ngõ vào thị trường ASEAN. Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang thị trường Iran là thủy sản, gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mây tre đan, cao su, các sản phẩm cao su, các sản phẩm chất dẻo, linh kiện, máy móc, linh kiện điện tử, dệt may và một số sản phẩm khác.
Trong khi đó, hàng hóa Iran xuất vào thị trường Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu, các sản phẩm hóa dầu, kim loại thường, lúa mỳ, nguyên liệu dệt may-da giày…
Đến nay, Việt Nam và Iran đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận quan trọng, như: Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại Công nghiệp và Khoáng sản Iran; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thủy sản giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Iran năm 2009; Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa năm 2013; Bản ghi nhớ về hợp tác công nghệ, nghiên cứu và giáo dục năm 2014; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Iran năm 2016; Thỏa thuận hợp tác và tương trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan năm 2014; Hiệp định về thương mại, lãnh sự và lập Ủy ban hỗn hợp năm 1994; Hiệp định hợp tác văn hoá năm 1995; Hiệp định vận tải hàng không năm 2001; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần năm 2014…
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, nông nghiệp…
Hai bên cũng sẽ trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm./.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()