Tổng thống I-ran tuyên bố sẵn sàng đàm phán về vấn đề hạt nhân
Mỹ đối phó nguy cơ khủng bố tại Y-ê-men
Mỹ đối phó nguy cơ khủng bố tại Y-ê-men
* Theo Roi-tơ và Tân Hoa xã, phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi nhậm chức ngày 4-8, tân Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni tuyên bố, ông đã quyết định sẵn sàng bước vào bàn đàm phán nhằm giải quyết chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này một cách “thật sự và nghiêm túc”. Tân Tổng thống Ru-ha-ni khẳng định, I-ran sẽ không từ bỏ các quyền của mình, nhất là quyền sử dụng năng lượng hạt nhân với mục đích hòa bình theo quy định của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và luật quốc tế. Theo ông, việc Mỹ đề nghị thi hành các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với I-ran chứng tỏ sự thiếu hiểu biết và đánh giá không đúng về tình hình ở nước này. Nhà lãnh đạo mới của I-ran cho rằng, đối thoại và không áp đặt trừng phạt là phương thức duy nhất để tiếp xúc với I-ran dựa trên cơ sở bình đẳng, xây dựng niềm tin, tôn trọng lẫn nhau và giảm thù địch. I-ran sẽ không đàm phán dưới sự đe dọa của các biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc hành động quân sự. Nga lập tức ủng hộ đề nghị của Tổng thống Ru-ha-ni về việc khởi động ngay cuộc đàm phán quốc tế liên quan chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran, đồng thời chỉ trích Mỹ thúc đẩy thi hành các biện pháp trừng phạt đối với I-ran. Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu vẫn kêu gọi tăng cường sức ép đối với I-ran.
* Theo Roi-tơ, ít nhất 18 người chết và 56 người bị thương trong vụ đánh bom xe ở khu ngoại ô Gia-ra-ma-na của Thủ đô Ða-mát, Xy-ri, vừa qua. Ðây là vụ mới nhất trong hàng loạt vụ nổ tại khu vực có đa số người Cơ Ðốc giáo và người Ðru-dơ, hai sắc tộc thiểu số ở Xy-ri, sinh sống. Người dân địa phương cho biết, Gia-ra-ma-na hiện do các lực lượng trung thành với Tổng thống Xy-ri A.Át-xát kiểm soát. Cả hai cộng đồng thiểu số nêu trên tại Xy-ri hầu hết giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột bùng phát từ tháng 3-2011 tại nước này. Tuy nhiên, nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan nghi họ trung thành với chính quyền Tổng thống Át-xát. Hiện, chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm gây vụ tiến công trên.
* Hãng Roi-tơ dẫn kết quả một cuộc thăm dò dư luận của Viện Dân chủ I-xra-en và Trường đại học Ten A-víp công bố mới đây cho thấy, đa số người dân I-xra-en không kỳ vọng nhiều vào các cuộc đàm phán hòa bình với người Pa-le-xtin vừa được nối lại. Có tới 65,6% trong số 602 người tham gia khảo sát cho biết, họ không mong chờ một thỏa thuận giữa I-xra-en và Pa-le-xtin có thể được ký trong vòng một năm; 55,5% phản đối I-xra-en nhất trí về các đường biên giới năm 1967, ngay cả khi hai bên tiến hành đổi đất với một số khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và Ðông Giê-ru-xa-lem; khoảng 67% phản đối quyền quay trở lại của người tị nạn Pa-le-xtin cũng như bồi thường tài chính cho người tị nạn.
* Cùng ngày, một máy bay không người lái của Mỹ bắn phá tỉnh Sa-boa, miền nam Y-ê-men, tiêu diệt ít nhất sáu tay súng nghi thuộc An Kê-đa. Theo Roi-tơ, đây là vụ tiến công thứ năm dưới hình thức này, được thực hiện trong chưa đầy hai tuần qua và diễn ra chỉ một ngày sau khi các sứ quán Mỹ và Anh tại Y-ê-men đồng loạt rút một số nhân viên ngoại giao vì lo ngại vấn đề an ninh. Quyết định sơ tán toàn bộ công dân Mỹ ra khỏi Y-ê-men được đưa ra sau khi tình báo Mỹ chặn thu được một cuộc đàm thoại giữa hai thành viên chóp bu của tổ chức khủng bố quốc tế An Kê-đa, trong đó nói về các kế hoạch tiến công khủng bố. Ðây cũng là nguyên nhân khiến Bộ Ngoại giao Mỹ đóng cửa khoảng 25 đại sứ quán và các cơ sở ngoại giao ở nước ngoài, phần lớn tại khu vực Trung Ðông – Bắc Phi.
Theo Nhandan
Ý kiến ()