Tổng quan tình hình kinh tế 10 tháng năm 2012
Ảnh minh họa (nguồn: H.A) – Kết thúc 10 tháng năm 2012, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn song tình hình kinh tế trong nước vẫn được đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực. Các giải pháp về kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy được hiệu quả cao.Trước bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, ngay từ đầu năm 2012, các bộ, ngành địa phương trên cả nước đã cố gắng nỗ lực để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Nhờ sự nỗ lực vượt bậc, cùng với các giải pháp phù hợp, kinh tế 10 tháng năm 2012 đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Về sản xuất nông nghiệp, 10 tháng qua, nông nghiệp tiếp tục có sự phát triển ổn định, hiện các địa phương đang tập trung chủ yếu vào thu hoạch lúa hè thu, thu đông. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến trung tuần tháng 10/2012, các địa phương phía Bắc đã thu hoạch được 699,1 nghìn ha lúa mùa, chiếm 59% diện...
– Kết thúc 10 tháng năm 2012, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn song tình hình kinh tế trong nước vẫn được đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực. Các giải pháp về kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy được hiệu quả cao.
Trước bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, ngay từ đầu năm 2012, các bộ, ngành địa phương trên cả nước đã cố gắng nỗ lực để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Nhờ sự nỗ lực vượt bậc, cùng với các giải pháp phù hợp, kinh tế 10 tháng năm 2012 đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực.
Về sản xuất nông nghiệp, 10 tháng qua, nông nghiệp tiếp tục có sự phát triển ổn định, hiện các địa phương đang tập trung chủ yếu vào thu hoạch lúa hè thu, thu đông. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến trung tuần tháng 10/2012, các địa phương phía Bắc đã thu hoạch được 699,1 nghìn ha lúa mùa, chiếm 59% diện tích gieo cấy và bằng 160,9% cùng kỳ năm 2011. Do thời tiết thuận lợi, lúa xuống giống đúng lịch thời vụ nên tiến độ thu hoạch lúa mùa tại các địa phương nhanh hơn cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá sơ bộ, năng suất lúa mùa các tỉnh phía Bắc năm nay tăng nhẹ từ 0,2 đến 0,4 tạ/ha so với vụ mùa năm 2011.
Tại các tỉnh phía Nam, đến ngày 15/10, các địa phương phía Nam gieo cấy được 720,6 nghìn ha lúa mùa, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá lúa tăng cao đã khuyến khích nông dân mở rộng diện tích gieo cấy.
Cùng với việc gieo cấy và thu hoạch lúa mùa, hiện cả nước cũng đã thu hoạch được 2212,6 nghìn ha lúa hè thu và thu đông, chiếm 83% diện tích gieo trồng và bằng 103,1% cùng kỳ năm trước. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1887 nghìn ha lúa hè thu và thu đông, trong đó lúa hè thu đã thu hoạch xong với 1655 nghìn ha, năng suất đạt 52,8 tạ/ha, tăng 0,3tạ/ha, sản lượng lúa hè thu toàn vùng đạt gần 9 triệu tấn, tăng 2,5%…
Về sản xuất công nghiệp, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tháng 10/2012 tăng 5,8% so với tháng 9/2012 và là mức tăng khá so với 4,6% của tháng 9/2012. Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,9%, đóng góp 0,8% vào mức tăng chung toàn ngành; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,8%, đóng góp 2,7%; sản xuất phân phối điện, khí đốt tăng 12,8%, đóng góp 0,9%; cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 8,7%, đóng góp 0,1%..
Một trong những chuyển biến rõ nét và cũng là thành công lớn của cả nền kinh tế từ đầu năm đến nay, đó là việc tiếp tục duy trì các công cụ, chính sách nhằm kiềm chế lạm phát.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2012 đã giảm so với tốc độ tăng của tháng 9/2012. CPI tháng 10 tăng 0,85% so với tháng trước; tăng 6,02% so với tháng 12/2011 và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của các năm trước. Với mức tăng này, nhiều khả năng lạm phát trong năm 2012 sẽ chỉ ở mức 7 – 8% đúng như mục tiêu Chính phủ đã đề ra từ đầu năm.
Điều đáng nói, các giải pháp về ổn định kinh tế vĩ mô cũng tiếp tục phát huy hiệu quả. Trong bối cảnh khó khăn kim ngạch xuất khẩu của cả nước vẫn diễn biến theo chiều hướng tăng.
Cụ thể, trong tháng 10/2012, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 9,9 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng 9/2012. Tính chung mười tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 93,5 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2011, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 34,9 tỷ USD, tăng 0,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 58,6 tỷ USD, tăng 32,2%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 10/2012 đạt 10,4 tỷ USD, tăng 11,7% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 93,8 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2011, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 44,6 tỷ USD, giảm 7,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,2 tỷ USD, tăng 23,9%.
Như vậy, nhập siêu 10 tháng đầu năm khoảng 357 triệu USD, bằng 0,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cũng trong 10 tháng qua, khu vực dịch vụ có mức phát triển khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng ước đạt trên 1.917 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm 2011, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 5,34 triệu lượt khách, tăng khoảng 11,2%.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song từ đầu năm đến nay đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Cụ thể, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 9 tỷ USD, bằng 98,9% cùng kỳ năm 2011. Số vốn đăng ký tăng thêm của các dự án đã triển khai đạt trên 3,8 tỷ USD, tăng 12,3%. Với mức tăng này, có thể thấy, Việt Nam vẫn đang tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài…
Với những kết quả nổi bật trong tháng 10 tháng qua, có thể thấy, kinh tế đã và đang phục hồi mạnh mẽ. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước tiếp tục nỗ lực không ngừng, góp phần tạo nên những thành công của kinh tế cả nước trong cả năm 2012 và những năm tiếp theo.
Tuy đạt được những kết quả quan trọng song theo các chuyên gia kinh tế, không nên có sự chủ quan, đặc biệt là đối với vấn đề về lạm phát, bởi lẽ nhìn vào những năm trước, nền kinh tế vẫn diễn biến theo xu hướng lạm phát tăng mạnh về cuối năm. Do đó, hơn lúc nào hết cần thận trọng trong điều hành chính sách, có sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2012.
Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, một trong những giải pháp quan trọng từ nay đến cuối năm đó là cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị. Tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2012 thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng của năm 2012 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chủ động, linh hoạt, theo dõi, bám sát diễn biến tình hình, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra của năm 2012, tạo tiền đề phát triển cho năm 2013 và các năm tiếp theo. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giữ bằng được mục tiêu kiềm chế lạm phát của cả năm 2012 ở mức khoảng 8%. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa; thực hiện chính sách tài khóa hợp lý, hiệu quả; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh…
Mong rằng với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội, trong những tháng còn lại của năm 2012, kinh tế sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần vào hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong năm 2012. |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()