Tổng quan đối thoại quốc phòng Việt Nam với các nước
Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng với 65 nước, trong đó có 31 nước đã thiết lập cơ quan tùy viên. Việt Nam cũng đã thiết lập kênh đối thoại quốc phòng cấp thứ trưởng với 11 nước (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Australia, Pháp, Malaysia, Indonesia) và đã tiến hành 31 phiên đối thoại.
– Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng với 65 nước, trong đó có 31 nước đã thiết lập cơ quan tùy viên. Việt Nam cũng đã thiết lập kênh đối thoại quốc phòng cấp thứ trưởng với 11 nước (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Australia, Pháp, Malaysia, Indonesia) và đã tiến hành 31 phiên đối thoại.
Trong đó Việt Nam – Ấn Độ có số lần đối thoại cao nhất là 8 phiên, 4 nước khác mới thiết lập kênh đối thoại quốc phòng lần đầu tiên. Qua đối thoại quốc phòng với các nước đã tăng cường hiểu biết lẫn nhau, và đã đạt được những đồng thuận trên nhiều lĩnh vực quan trọng.
Từ hiểu biết lẫn nhau…
Thông qua đối thoại quốc phòng Việt Nam với các nước, tuy nội dung thảo luận, kết quả cụ thể với từng nước có khác nhau, sự biểu đạt về lòng tin, niềm tin, sự tin cậy lẫn nhau…nhưng có thể khái quát rằng “lòng tin chiến lược” với các nước đều có bước phát triển mới.
Khi nói về “lòng tin chiến lược” một số nước còn nhấn mạnh tuy được bắt đầu từ lãnh đạo cấp cao của các quốc gia, nhưng quan trọng và cơ bản nhất là phải bắt đầu từ những người dân của mỗi nước. Có cuộc đối thoại, các bên đã nhấn mạnh rằng phải tạo dựng niềm tin lẫn nhau “Không có lòng tin chính trị thì không thể hợp tác phát triển, cũng không thể giải quyết bất đồng”.
Có những phiên đối thoại các bên còn đạt được sự nhất trí coi xây dựng “lòng tin chiến lược” là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Và giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trên phải trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của mỗi quốc gia, bình đẳng giữa các nước không kể là nước lớn hay nước nhỏ.
… Đến đồng thuận về cơ chế và chính sách
Qua đối thoại quốc phòng Việt Nam với các nước, các bên đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục hợp tác trên các diễn đàn khu vực và quốc tế như: Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM ), Cấp cao Đông Á (EAS), Sáng kiến hạ nguồn sông Mekong (LMI)… nhằm góp phần xây dựng cấu trúc an ninh khu vực vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Đánh giá về tình hình an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các bên tham gia đối thoại tuy có cách tiếp cận khác nhau, nhưng về cơ bản đều thống nhất rằng đã có nhiều điểm tích cực, song cũng tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, căng thẳng, nhất là vấn đề tranh chấp đảo, vấn đề hạt nhân và nguy cơ xung đột vũ trang; vấn đề an ninh hàng hải, an ninh phi truyền thống, an ninh mạng… tranh chấp lãnh thổ và chống cướp biển trong khu vực.
Các bên đối thoại cũng ghi nhận đang có sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trong khu vực, nhưng cũng thống nhất cao về quan điểm rằng, mọi thách thức về an ninh đều phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và cách tốt nhất để ngăn chặn xung đột là tăng cường đối thoại giữa các nước.
Các bên đối thoại cũng chia sẻ quan điểm về các chủ đề trong các cuộc hội thảo quốc tế: sáng kiến hòa bình và hợp tác khu vực Đông Bắc Á và An ninh toàn diện ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và vai trò của các nước châu Á – Thái Bình Dương; vai trò của quân sự trong quản trị an ninh mạng; định hướng phát triển các nguyên tắc quốc tế về an ninh mạng; và xây dựng kế hoạch quốc phòng trong thời kỳ ngân sách bị hạn chế…
Những hiệu quả bước đầu của hợp tác
Thông qua đối thoại các bên đều thống nhất đẩy mạnh giao lưu, trao đổi đoàn các cấp làm việc và thăm viếng lẫn nhau, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo, công nghiệp quốc phòng, quân y, an ninh mạng và nghiên cứu khoa học quân sự; hợp tác hải quân, biên phòng, phòng không – không quân, các viện nghiên cứu chiến lược quốc phòng – quân sự, thiết lập đường dây nóng giữa hai bên, cụ thể hóa các thỏa thuận cấp cao và quân đội các bên đã xác định, vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Về quan hệ hợp tác song phương, Việt Nam và các bên đã nhất trí phát triển và làm sâu sắc thêm, đồng thời xác định một số nội dung trọng điểm như: Thông qua đối thoại các bên đã thỏa thuận mở rộng các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là hợp tác hải quân và cảnh sát biển. Mỹ là quốc gia rất nhiệt tình hợp tác với cảnh sát biển Việt Nam; Trung Quốc nhấn mạnh thông qua đường dây nóng giữa tư lệnh hải quân, Bộ Quốc phòng hai nước và đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về tình hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai nước.
Về hợp tác công nghiệp quốc phòng và chuyển giao công nghệ quân sự, các bên đối thoại đã đạt được những đồng thuận quan trọng. Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận mua sản phẩm quân sự và chuyển giao công nghệ – quân sự với các nước như: Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp… Nhiều loại vũ khí mới, hiện đại đã dần dần được trang bị cho quân đội Việt Nam.
Một trong những điểm nhấn về hợp tác công nghiệp quốc phòng là qua đối thoại Việt Nam – Nga hai bên đã thỏa thuận chuyển giao công nghệ quân sự và liên doanh sản xuất vũ khí hiện đại tại Việt Nam. Qua đối thoại Việt Nam – Hàn Quốc, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực như đào tạo cán bộ quốc phòng, công nghiệp quốc phòng… Trong đó nổi bật nhất là lĩnh vực công nghệ quốc phòng mũi nhọn.
Thông qua đối thoại quốc phòng, các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Australia, Hàn Quốc… đã thỏa thuận giúp huấn luyện và chia sẻ kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Bản Thỏa thuận hợp tác biên giới giữa Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam – Trung Quốc gồm 2 phần, 9 điều, trong đó, tập trung vào 4 nội dung chủ yếu và 6 giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của quân đội hai nước cũng được ghi nhận là kết quả tích cực.
Như vậy, thông qua đối thoại quốc phòng Việt Nam với các nước, với những kết quả đã đạt được và những thỏa thuận về định hướng cho tương lai, các bên đều cho rằng đây là kênh làm việc có hiệu quả để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng – an ninh. Có quốc gia còn nhấn mạnh đây là một trong những trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược giữa các bên, hướng tới hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()