Tổng mức bán lẻ tăng mạnh nhất trong vòng 6 tháng qua
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam trong tháng 7 ước đạt 271,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng mạnh nhất từ tháng 1/2015.
Ảnh minh họa (Nguồn: V.T) |
Cụ thể, tính từ đầu năm đến hết tháng 7, tổng mức bán lẻ ước đạt 1.845,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2014. Loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ tăng 8,3%.
Trong 7 tháng, tổng mức bán lẻ của khu vực kinh tế nhà nước đạt 205,3 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 1.579,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 61,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8%.
Xét theo ngành hàng, tổng mức bán lẻ của khu vực kinh doanh bán lẻ hàng hóa ước đạt đạt 1.400,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 215,9 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2%; dịch vụ khác đạt 212,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8%; du lịch lữ hành đạt 16,5 nghìn tỷ đồng, giảm 5,1%.
Những con số trên cho thấy tiêu dùng của khu vực tư nhân tại Việt Nam đang mạnh lên sau khi xuống mức thấp vào tháng 4.
Cũng theo các chỉ số thống kê, nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân (tăng 0,86%), thì tổng mức bán lẻ 7 tháng đầu năm nay đã tăng gần 9%, cao nhất so với tốc độ tăng bình quân của cùng kỳ trong 4 năm trước đây. Đà cao lên của tổng mức bán lẻ trong 7 tháng đầu năm, cộng với các yếu tố tác động trong thời gian tới cũng là tín hiệu khả quan để cả năm tốc độ tăng tổng mức bán lẻ (đã loại giá) có thể vượt qua mốc 9,5%, cao gấp rưỡi tốc độ tăng bình quân năm của thời kỳ 2011-2014.
Bên cạnh đó, loại hình kinh tế đã có sự chuyển dịch đáng quan tâm. Tổng mức bán lẻ khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng mức bán lẻ (85,6%) và tăng khá. Khu vực nhà nước chiếm 11,1% tổng mức bán lẻ và tăng cao nhất (14,1%).
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tuy còn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng mức bán lẻ (3,3%), nhưng có tốc độ khá và có xu hướng tiếp tục tăng cao hơn trong thời gian tới, khi Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại tự do FTA thế hệ mới…
Cơ cấu theo ngành thương mại, dịch vụ đã có sự chuyển dịch nhất định. Ngành bán lẻ hàng hoá (thương nghiệp thuần túy) quyết định tốc độ tăng chung do tăng cao nhất (10,6%) và chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng mức bán lẻ (75,9%).
Việc tăng lên của tổng mức bán lẻ còn có tác động về ba mặt. Một mặt, góp phần cải thiện đời sống của người tiêu dùng. Mặt khác, góp phần giảm lượng sản phẩm, hàng hoá tồn kho, tăng tiêu thụ và tăng trưởng sản xuất – kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. Mặt nữa, là tăng tính thị trường của người tiêu dùng, của các chủ thể trên thị trường, cũng như của cả nền kinh tế. Do vậy, ngoài việc đẩy mạnh đầu tư, tăng xuất khẩu, cần tăng thu nhập có khả năng thanh toán để tăng tiêu thụ trong nước nhằm tăng tổng cầu, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()