Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ năm 2017 tăng 10,86%
Đó là thông tin được công bố tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ngày 29/12, tại Hà Nội.
Báo cáo về tình hình thị trường hàng hóa trong năm 2017, ông Nguyễn Lộc An – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – Thường trực Tổ Điều hành thị trường trong nước chia sẻ, năm 2017, nền kinh tế nói chung và thị trường hàng hóa nói riêng tiếp tục có những chuyển biến khởi sắc, giá hàng hóa thế giới năm 2017 có diễn biến tăng giảm đan xen. Giá tăng chủ yếu đối với nhóm hàng năng lượng, nông sản và giảm đối với nhóm hàng kim loại (trừ kim loại quý). Thị trường chủ yếu chịu tác động của các nhân tố như kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng, tuy đà tăng chưa ổn định. Theo báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến đạt 3,6%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng năm 2016.
Cũng theo Tổ Điều hành thị trường trong nước, bằng việc điều hành linh hoạt thị trường, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ năm 2017 đã đạt 3.934.186 tỷ đồng, tăng 10,86% so với năm 2016. Trong đó các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, lưu trú ăn uống, du lịch, văn hóa phẩm giáo dục đều đạt mức tăng khá (10,16 – 11,85%) do các loại hình du lịch ngày càng phát triển; sự phối hợp của các công ty lữ hành mở ra nhiều chương trình du lịch trong và ngoài nước hấp dẫn. Bên cạnh đó, sự phục hồi của nền kinh tế là yếu tố quan trọng giúp gia tăng niềm tin và thu nhập cho dân cư. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ năm 2017 tăng 9,46% so với năm 2016 và là mức tăng khá tốt trong một số năm trở lại đây (năm 2016 chỉ tăng 8,33%). CPI bình quân cả năm chỉ tăng 3,53% so với bình quân năm 2016 (dưới mức chỉ tiêu 4% Quốc hội giao).
Theo dự báo của Tổ Điều hành thị trường trong nước, năm 2018, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của một số yếu tố như xu hướng tăng giá của nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới từ cuối năm 2017 sẽ tiếp tục sang năm 2018. Thời tiết diễn biến cực đoan hơn sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất nông nghiệp và cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Các hàng hóa dịch vụ Nhà nước quản lý giá như điện, y tế, giáo dục… tiếp tục điều chỉnh tăng theo lộ trình. Đặc biệt, mặt hàng giá thực phẩm thấp chính là thách thức lớn cho việc điều hành giá năm 2017 bởi đây là nhóm ngành hàng có tỷ trọng lớn trong CPI.
Theo đó, Tổ Điều hành thị trường trong nước kiến nghị các bộ, ngành cần tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường, chủ động và linh hoạt thực hiện các chính sách có liên quan nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến thị trường cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm đảm bảo sản xuất, đáp ứng nhu cầu xã hội, không thiếu hàng, sốt giá…
Theo dangcongsan
Ý kiến ()