Tổng kết và Bàn giao Đối tác hỗ trợ ngành lâm nghiệp FSSP
Sáng 15/12, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội nghị Tổng kết và Bàn giao Đối tác hỗ trợ ngành lâm nghiệp (FSSP).
Được thành lập từ năm 2001 với sự kiện Chính phủ Việt Nam và 19 đối tác quốc tế ký thỏa thuận hợp tác thành lập Chương trình hỗ trợ ngành Lâm nghiệp và Đối tác (FSSP&P) – tiền thân của FSSP, nhằm tiếp tục hỗ trợ ngành lâm nghiệp Việt Nam trên cơ sở thống nhất về chính sách, chiến lược phát triển, ưu tiên đầu tư; cùng cam kết quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học, cam kết đóng góp và sử dụng hiệu quả nguồn lực của chương trình. Qua quá trình hoạt động từ 2001 – 2015, Đối tác hỗ trợ ngành lâm nghiệp đã có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành lâm nghiệp Việt Nam. Cụ thể, trong giai đoạn 2001-2005, FSSP&P đã hỗ trợ xây dựng cẩm nang ngành lâm nghiệp, hệ thống theo dõi giám sát; hỗ trợ ngành sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện. Đồng thời, huy động nguồn lực tài chính, hình thành Quỹ ủy thác ngành lâm nghiệp (TFF) vào tháng 6/2004.
Giai đoạn 2006-2010, FSSP&P đổi tên thành FSSP thực hiện mục tiêu hỗ trợ Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020; kêu gọi, thu hút hỗ trợ của đối tác (tài chính và kỹ thuật) để thực hiện chiến lược. Thời kỳ này cam kết ODA cho ngành lâm nghiệp đạt cao nhất, gần 300 triệu USD, 18% ngân sách ngành lâm nghiệp và nhiều đối tác nhất. Giai đoạn 2011-2015, FSSP đóng vai trò quan trọng trong việc kêu gọi, hỗ trợ và đầu tư, xây dựng Đề án huy động và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho ngành lâm nghiệp giai đoạn 2013-2020; xây dựng các dự án ODA mới giai đoạn 2011-2015, hỗ trợ xây dựng đề án tái cơ cấu ngành và các kế hoạch hành động, hỗ trợ hoàn thiện thể chế về định hướng chính sách lâm nghiệp 2011-2015,…Thông qua đó, thu hút nguồn lực, nâng cao năng lực và thể chế cho ngành lâm nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, FSSP vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Trong đó, mức độ cam kết của các thành viên FSSP còn chưa đồng đều, cẩm nang ngành lâm nghiệp không được cập nhật như ý định ban đầu; chưa hài hòa được các ưu tiên, mối quan tâm của đối tác FSSP với ngành lâm nghiệp và giữa các thành viên của FSSP. Đồng thời, vẫn còn thiếu các chuyên gia quốc tế và Việt Nam có kinh nghiệm và nhiệt huyết tư vấn cho ngành về các vấn đề chiến lược.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, FSSP cần được chuyển giao sang hình thức mới để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. Đặc biệt để giải quyết các vấn đề mới nổi như biến đổi khí hậu, xu hướng hội nhập quốc tế. Nhiều thể chế hợp tác tài chính mới đã ra đời thay cho hợp tác truyền thông, ngành lâm nghiệp cần có phương thức hợp tác mới phù hợp hơn. Theo đó, những chức năng của FSSP sẽ được thể chế hóa trong chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Tổng cục Lâm nghiệp.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi, với việc chuyển sang hình thức mới, FSSP sẽ bước sang giai đoạn chuyển giao theo hướng tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, hướng tới thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Tập trung thực hiện cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, cam kết về bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ rừng bền vững. Đồng thời hướng tới thực hiện hiệu quả công tác hợp tác trong lĩnh vực công nghệ mới, thông qua đó giúp hệ thống, tổ chức lại ngành lâm nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()