Tổng kết thi hành Luật Công chứng
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
– Sáng 14/1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết thi hành Luật Công chứng (LCC) năm 2014, kết nối với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh, Hội Công chứng viên tỉnh, đại diện một số tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh.
LCC (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, LCC đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả cụ thể.
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến hết năm 2019, cả nước có 2.782 công chứng viên, tăng 2.157 người so với năm 2006 (khi LCC đầu tiên ra đời); có 1.151 tổ chức hành nghề công chứng, tăng 526 tổ chức so với năm 2006.
Trong 5 năm thi hành LCC, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được hơn 27 triệu việc; chứng thực chữ ký giấy tờ, tài liệu, chứng thực bản sao từ bản chính được gần 52 triệu việc. Tổng số phí công chứng thu được khoảng gần 8,5 nghìn tỷ đồng; phí chứng thực thu được gần 346 tỷ đồng. Tổng số thù lao công chứng thu được gần 1,4 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách Nhà nước khoảng gần 1,7 nghìn tỷ đồng…
Tại tỉnh Lạng Sơn, từ khi thực hiện LCC, công tác công chứng trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định; các yêu cầu về công chứng hợp đồng, giao dịch của người dân đã được các tổ chức hành nghề công chứng tiếp nhận và giải quyết đúng thời hạn, trình tự, thủ tục quy định. Đến nay, toàn tỉnh có 13 công chứng viên, 6 tổ chức hành nghề công chứng.
Trong 5 năm thi hành LCC, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết được hơn 137 nghìn việc công chứng, chứng thực. Tổng số phí công chứng, chứng thực thu được hơn 28 tỷ đồng. Thù lao công chứng, chứng thực thu được hơn 2 tỷ đồng; nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu trung ương và địa phương đã tham luận, phát biểu ý kiến về các vấn đề như: công tác quản lý Nhà nước về công chứng; vai trò của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên trong tổ chức và hoạt động công chứng; kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực công chứng; vướng mắc, khó khăn trong thi hành LCC. Đồng thời, đề xuất các giải pháp, kiến nghị sửa đổi LCC phù hợp với thực tiễn, nâng cao chất lượng công tác công chứng…
Phát biểu kết luận, đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác thi hành LCC thời gian qua.
Đồng chí đề nghị: Thời gian tới, Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện thể chế, pháp luật về công chứng và liên quan đến công chứng.
Các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề công chứng, phát triển có kiểm soát tổ chức hành nghề công chứng; xây dựng đội ngũ công chứng viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực công chứng; đẩy mạnh xây dựng cơ chế cung cấp, chia sẻ thông tin trong công chứng.
Đồng thời, tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về hoạt động công chứng, phát huy vai trò tự quản của hội công chứng viên; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng.
Ý kiến ()