Tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2018
LSO- Sáng nay (21/9), tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến 3 cấp với các địa phương tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2018.
Lãnh đạo tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh và huyện dự họp trực tuyến
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TD ĐKXD ĐSVH) tỉnh; các thành viên Ban chỉ đạo của tỉnh…
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo trung ương, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở, trong giai đoạn 2000-2018, phong trào TD ĐKXD ĐSVH đã tạo được nhiều chuyển biến đáng khích lệ và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt của đời sống xã hội. Điển hình là phong trào người tốt việc tốt đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, cách làm hay như: quân đội đã tham gia giúp đỡ 2.968 xã, xây dựng 5.200 nhà cho người nghèo; khám chữa bệnh cho 1.340.054 triệu lượt người, cấp thuốc miễn phí trị giá 102.595 triệu đồng; hiến máu tình nguyện được 132.700 đơn vị máu; tham gia 4.773.318 ngày công khắc phục hậu quả thiên tai, huy động 19.328 lượt phương tiện giúp dân di dời tới nơi an toàn, phòng tránh thiên tai cho 587.234 lượt người. Cả nước đã có trên 1.200.000 gương “Người tốt, việc tốt”. Tính đến nay, có trên 12 triệu người tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng và sinh hoạt câu lạc bộ. Phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại có trên 17 triệu lượt người luyện tập thể thao thường xuyên. Đối với hệ thống thiết chế văn hóa, hiện nay, toàn quốc có 69 thiết chế văn hóa cấp tỉnh, 647/713 quận, huyện có trung tâm văn hóa – thể thao hoặc nhà văn hóa cấp huyện; 6.997/10.878 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa – thể thao; có 73.748/109.727 thôn bản, buôn, làng có nhà văn hóa – thiết chế thể thao. Thông qua phong trào XD ĐSVH, các danh hiệu bình xét về tiêu chí văn hóa qua các năm tăng đáng kể. Năm 2000, cả nước có 17.651 làng (thôn, tổ dân phố) được công nhận danh hiệu văn hóa; đến năm 2015, có 70.982 làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. Từ năm 2011 đến năm 2016, có 2.161 xã được công nhận “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; đến năm 2018 cả nước đã có 2.691 “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hiệu quả của phong trào TD ĐKXD ĐSVH trong giai đoạn 2000-2018; đồng thời chỉ ra một số hạn chế như: một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm sâu sắc đến phong trào; vẫn còn coi trọng hình thức, số lượng, chưa chú trọng chất lượng. Công tác phối hợp chỉ đạo phong trào thiếu chặt chẽ, chưa quan tâm huy động nguồn lực đầu tư cho phong trào…
Thủ tướng chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tiếp theo; đó là: cần triển khai toàn diện, đổi mới và nâng cao hiệu lực hiệu quả phong trào; tiếp tục tuyên tuyền về phong trào TD ĐKXD ĐSVH; xây dựng mô hình “Người tốt, việc tốt” và nhân rộng điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực; thực hiện nghiêm túc công bằng về bình xét các tiêu chí danh hiệu văn hóa trong cộng đồng dân cư. Cùng đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp xây dựng phong trào. Cấp ủy, chính quyền và các ngành dành nguồn lực cho phát triển phong trào TD ĐKXD ĐSVH.
Ý kiến ()