Tổng kết Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”
LSO-Chiều 25/11/2016, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” (Đề án 258). Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn |
Đề án 258 được triển khai từ năm 2010, sau hơn 5 năm thực hiện, thể chế và hệ thống giám định tư pháp nước ta cơ bản được hoàn thiện. Hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập, hoạt động giám định chuyên trách trong 3 lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự tiếp tục được củng cố, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về giám định tư pháp. Các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở các lĩnh vực tài chính, thuế, ngân hàng, xây dựng, thông tin và truyền thông… được các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh rà soát, lập và công bố 179 tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng, đáp ứng các yêu cầu giám định tư pháp phục vụ việc giải quyết các vụ án nói chung, án tham nhũng, kinh tế nói riêng. Đến nay, tổng số giám định viên tư pháp ở tất cả các lĩnh vực trên cả nước là hơn 6.100 người. Trung bình mỗi năm, toàn quốc thực hiện giám định hơn 150 nghìn vụ việc…
Đối với Lạng Sơn, công tác tổ chức, triển khai, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Đề án 258 được UBND tỉnh thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Hiện nay, tỉnh có 4 tổ chức giám định, trong đó có 1 tổ chức giám định pháp y, 1 tổ chức giám định kỹ thuật hình sự và 2 tổ chức giám định theo vụ việc trong lĩnh vực xây dựng; đáp ứng yêu cầu giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh giám định tư pháp được trên 6.700 vụ việc các loại.
Tại hội nghị, đại biểu tại các điểm cầu đã thảo luận tập trung vào một số vấn đề như: củng cố, kiện toàn tổ chức đội ngũ người giám định tư pháp; việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định; chi trả, chi phí giám định và trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương, địa phương đối với công tác giám định. Đồng thời, đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt đề án trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giám định tư pháp; hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động giám định tư pháp; các bộ, ngành liên quan phối hợp tháo gỡ những vướng mắc về giám định tư pháp trong các vụ án tham nhũng. Bộ Tư pháp xây dựng báo cáo trình Chính phủ xem xét quyết định việc tiếp tục thực hiện Đề án 258 gắn với chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Nhân dịp này, Bộ Tư pháp tặng bằng khen cho 38 tập thể, 36 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 258.
MINH THẢO
Ý kiến ()