Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành công thương
- Chiều 23/12, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành công thương. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự và chỉ đạo hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; lãnh đạo Sở Công Thương; lãnh đạo Cục QLTT tỉnh.
Năm 2024, với nỗ lực và quyết tâm cao của ngành công thương toàn quốc, một số chỉ tiêu của ngành đã vượt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu cả nước đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15% so với năm 2023 và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao; cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô; sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng 8,4%; thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc với tốc độ 9% so với năm 2023; thương mại điện tử vượt mốc doanh thu 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam.
Cùng đó, công tác xúc tiến thương mại đổi mới mạnh mẽ, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới; công tác quản lý cụm công nghiệp và khuyến công quốc gia được triển khai đồng bộ, hiệu quả; các hoạt động phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, kết nối giao thương tại các địa phương được đẩy mạnh, góp phần phát triển công nghiệp và thương mại tại các địa phương;…
Đối với tỉnh Lạng Sơn, năm 2024, kinh tế cửa khẩu có bước phát triển tích cực, hoạt động xuất nhập khẩu duy trì ổn định và tăng trưởng. Tính đến 29/11, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của tất cả các loại hình qua địa bàn tỉnh đạt gần 61 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023; dự ước tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mở tờ khai tại Hải quan Lạng Sơn năm 2024 đạt gần 5,7 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm 2023.
Thương mại nội địa trên địa bàn tỉnh phát triển đúng định hướng, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cơ bản ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt khoảng 37,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023; công tác quản lý thị trường tiếp tục được duy trì, tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh ổn định, không để xẩy ra các vi phạm lớn, không để hình thành đường dây, tụ điểm kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 0,59% so với năm 2023;...
Trong chương trình hội nghị, các đạo biểu đã trao đổi, làm rõ thêm những kết quả đạt được của ngành công thương năm 2024 và những hạn chế ảnh hưởng đến kết quả thực hiện một số chỉ tiêu; đề xuất các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn biểu dương những kết quả mà ngành công thương đã đạt được trong năm 2024.
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn yêu cầu: Nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương năm 2025 là phải xác định và tập trung triển khai xây dựng thể chế, chính sách; tiếp tục rà soát, thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục triển khai các giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Cùng đó, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng; tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế;…
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Toàn ngành công thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình cung – cầu về hàng hóa trong thời điểm cuối năm và giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng, phòng vệ thương mại...
Ý kiến ()