Tổng kết Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 – 2021
– Sáng 28/9, tại thành phố Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 – 2021, góp ý dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 – 2030 và Mít tinh Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dự và chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có lãnh đạo Sở NN&PTNN, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Theo báo cáo tại hội nghị, giai đoạn 2017 – 2021, tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm vắc xin phòng dại đạt 49%, tăng 10,7% so với giai đoạn 2012 – 2016. Cả nước có 35 tỉnh, thành phố tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm bệnh dại với trên 2.068 mẫu, trong đó có 227 mẫu dương tính với vi rút dại. Về tình hình bệnh dại ở người, trong giai đoạn này, toàn quốc có 378 người tử vong vì bệnh dại tại 52 tỉnh, thành, giảm 15% so với giai đoạn 2012 – 2016.
Trong giai đoạn 2017 – 2021, về cơ bản tất cả các nội dung và giải pháp trong Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại đã được các cơ quan trung ương và địa phương tổ chức triển khai kịp thời, các mục tiêu cơ bản đáp ứng yêu cầu và đạt được kết quả nổi bật như: không xuất hiện ổ dịch bệnh dại nghiêm trọng ở động vật; năng lực giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch được tăng cường; giảm 68 người tử vong vì bệnh dại; tăng 21% số người bị chó cắn tự giác đi điều trị dự phòng; giảm 30% số tỉnh có nguy cơ cao về bệnh dại, tăng 20% số mẫu xét nghiệm chủ động trên người, động vật…
Tại tỉnh Lạng Sơn, từ năm 2017 đến nay, đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh duy trì khoảng 120 – 170 nghìn con (trong đó, số lượng mèo chiếm 5 – 6%). Trong giai đoạn này, tỉnh xuất hiện 38 ổ bệnh dại trên đàn chó. Khi phát hiện các ổ bệnh, các cơ quan chuyên môn khoanh vùng, ngăn chặn kịp thời nên chỉ xảy ra rải rác, không bùng phát thành dịch lớn; tỉnh đã bố trí 1,5 tỷ đồng để tiêm phòng bệnh dại chó, mèo. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, phân tán, tập quán chăn nuôi chó thả rông, tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó hiện vẫn ở mức thấp, trung bình hằnh năm đạt 22 – 27% so với tổng đàn.
Đối với tình hình bệnh dại trên người, toàn tỉnh có trên 23.400 người tiêm phòng huyết thanh phòng dại. Riêng từ năm 2017 đến năm 2019 có 4 trường hợp tử vong vì bệnh dại.
Tại hội nghị, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam đã trình bày tham luận chiến lược phòng, chống bệnh dại trên thế giới và bài học kinh nghiệm trong phòng, chống bệnh dại; đại diện Bộ NN&PTNT trình bày dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 – 2030. Bên cạnh đó, các địa phương thảo luận, làm rõ một số nội dung liên quan như: kết quả phòng, chống bệnh dại; điều trị người bị phơi nhiễm do chó, mèo cắn; mô hình phòng chống bệnh dại… và góp ý vào dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 – 2030.
Cũng tại hội nghị, Bộ NN&PTNT tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại (28/9).
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến ghi nhận những kết quả đạt được và tiếp thu ý kiến đóng góp của các địa phương về dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 – 2030. Đồng chí nhấn mạnh: Thời gian tới, các địa phương cần chủ động phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh dại và cách phòng, chống tiến tới khống chế, loại trừ bệnh dại; chú trọng quản lý đàn vật nuôi, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi đạt trên 85%.
Ý kiến ()