Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025)
- Sáng 22/4, Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật (VHNT) tỉnh Lạng Sơn sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025).
Dự hội nghị về phía tỉnh có đồng chí Nguyễn Cảnh Toàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; đồng chí Giáp Thị Bắc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh, thành ủy, huyện ủy các huyện, thành phố và một số cơ quan, đơn vị; các văn nghệ sĩ tiêu biểu của tỉnh.

Về phía Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam có Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam.
50 năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước phát triển ổn định, tạo nền tảng cho VHNT phát triển. Từ khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc được ban hành, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Qua đó, VHNT Lạng Sơn có những bước phát triển mạnh mẽ, vừa kế thừa truyền thống, vừa đổi mới để phù hợp với xu thế hiện đại, hòa nhập với dòng chảy văn hóa chung của cả nước. Hội VHNT tỉnh (nay là Hội VHNT và Nhà báo tỉnh) hiện có 236 hội viên thuộc 6 lĩnh vực chuyên ngành VHNT.

Những năm qua, trong lĩnh vực sáng tạo, tỉnh đã tổ chức 15 cuộc thi sáng tác về văn xuôi với trên 700 tác phẩm dự thi; 62 tập truyện ngắn, ký, tiểu thuyết được xuất bản; 82 tập thơ được xuất bản; trên 500 tác phẩm mỹ thuật được trưng bày tại các kỳ triển lãm của địa phương và khu vực; trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận phê bình đã có gần 60 tác phẩm được đăng tải…

Giai đoạn 1975-2025, tỉnh có gần 70 tác phẩm, công trình VHNT tiêu biểu, xuất sắc được khen thưởng cấp quốc gia, trong khu vực và quốc tế. Tiêu biểu, trong cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã có 51 tác phẩm thuộc lĩnh vực âm nhạc - sân khấu được trao giải thưởng cấp tỉnh, cấp trung ương.

Đối với công tác xây dựng và phát triển VHNT quần chúng, toàn tỉnh hiện có trên 800 câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng tổ chức hoạt động trung bình trên 1.600 buổi/năm; Hội Bảo tồn dân ca tỉnh được thành lập năm 2010 và duy trì hoạt động hiệu quả. Hoạt động ngoại giao văn hóa giữa tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choan, Quảng Tây, Trung Quốc được quan tâm thực hiện qua nhiều hình thức.
Cùng đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển văn nghệ sĩ luôn được tỉnh quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 38 nghệ sĩ, nghệ nhân được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý. Lực lượng văn nghệ sĩ cơ bản đảm nhiệm tốt vai trò trong bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống.
Để phát triển VHNT đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, tỉnh đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới gồm: tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác VHNT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường nguồn lực xây dựng và phát triển VHNT; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT; phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực VHNT đủ điều kiện, tiêu chuẩn, uy tín, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tiếp tục củng cố tổ chức và hoạt động của Hội VHNT và Nhà báo tỉnh; phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông và các nền tảng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm VHNT; đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế để VHNT vừa giữ vững bản sắc, vừa nâng cao khả năng hội nhập, trở thành một trong những trụ cột của văn hóa đối ngoại.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, thảo luận về những thành tựu của nền VHNT Lạng Sơn ở các lĩnh vực cụ thể; vai trò của VHNT trong bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Xứ Lạng; việc giới thiệu tác giả, tác phẩm VHNT; phân tích thực trạng, khó khăn và đề xuất, kiến nghị những nội dung nhằm xây dựng và phát triển VHNT Lạng Sơn trong giai đoạn tới.

Phát biểu tại hội nghị, Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam khẳng định: Lạng Sơn là cái nôi văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc, được thừa hưởng văn hóa vùng phên dậu của Tổ quốc. 50 năm qua, VHNT Lạng Sơn đã có nhiều tác phẩm mang giá trị tư tưởng, sâu sắc về nội dung và phong phú về hình thức thể hiện, hướng tới những giá trị cốt lõi chân thiện mỹ. Đồng chí mong muốn tỉnh Lạng Sơn tiếp tục quan tâm đến đội ngũ văn nghệ sĩ, quảng bá các tác phẩm để VHNT Lạng Sơn phát triển hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương những thành tích và đóng góp của VHNT tỉnh trong thời gian qua. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng chí đề nghị các cơ quan, ban, ngành liên quan của tỉnh cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò của VHNT, xác định nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phát triển VHNT để xây dựng nền VHNT đậm đà bản sắc dân tộc, phản ánh sâu sắc đời sống và con người địa phương; quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để khơi dậy, phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội VHNT và Nhà báo tỉnh; tăng cường hợp tác, giao lưu văn hóa với các tỉnh, thành trong nước và quốc tế; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong các lĩnh vực VHNT.


Nhân dịp này, 21 cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho sự phát triển VHNT Lạng Sơn sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Ý kiến ()