Tổng kết 5 năm thi hành Luật Luật sư
Ngày 14/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm (2007-2011) thi hành Luật Luật sư. Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính nêu rõ: Sau gần 5 năm triển khai thi hành, Luật Luật sư thực sự đã đi vào cuộc sống và đạt nhiều kết quả tốt. Hoạt động nghề nghiệp của luật sư không những đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ công lý, quyền,lợi ích hợp pháp của công dân mà còn là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Để phát huy những thành quả đã đạt được, nâng cao hơn nữa hiệu quả thi hành Luật Luật sư, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị này nhằm tập trung vào việc tổng kết, đánh giá kết quả 5 năm thi hành Luật Luật sư, qua đó tìm ra các nguyên nhân và thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư cho phù hợp với thực tiễn phát triển kinh...
Ngày 14/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm (2007-2011) thi hành Luật Luật sư.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính nêu rõ: Sau gần 5 năm triển khai thi hành, Luật Luật sư thực sự đã đi vào cuộc sống và đạt nhiều kết quả tốt. Hoạt động nghề nghiệp của luật sư không những đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ công lý, quyền,lợi ích hợp pháp của công dân mà còn là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Để phát huy những thành quả đã đạt được, nâng cao hơn nữa hiệu quả thi hành Luật Luật sư, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị này nhằm tập trung vào việc tổng kết, đánh giá kết quả 5 năm thi hành Luật Luật sư, qua đó tìm ra các nguyên nhân và thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư cho phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội và thực tiễn phát triển của nghề luật sư Việt nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Theo Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến: Sau 5 năm thi hành Luật Luật sư, đội ngũ luật sư ở nước ta đã và đang phát triển nhanh về số lượng. Đến tháng 10/2011, cả nước đã thành lập 62 Đoàn luật sư/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với hơn 7.072 luật sư và gần 3.500 người tập sự hành nghề luật sư hoạt động trong 2.831 tổ chức hành nghề luật sư.
Cùng với sự phát triển về số lượng, chất lượng của đội ngũ luật sư đã và đang từng bước được nâng lên. Thi hành Pháp lệnh Luật sư và Luật Luật sư, đội ngũ luật sư có trình độ cử nhân luật trở lên được nâng từ 59% (năm 1989) lên trên 98% (năm 2010); số luật sư đã qua đào tạo nghề luật sư chiếm hơn 75% tổng số luật sư của cả nước.
Cả nước đã phát triển được gần 1.600 tổ chức hành nghề luật sư, đưa số lượng tổ chức hành nghề luật sư trên toàn quốc từ 1.300 năm 2006 lên 2.831 tổ chức hành nghề luật sư năm 2011 (tăng 217,8%), trong đó có 2.052 văn phòng luật sư, 779 công ty luật và 104 luật sư đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân.
Hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư cho cá nhân, tổ chức đã tăng cả về số lượng và nâng cao một bước về chất lượng. Theo báo cáo của 59 Đoàn luật sư, trong 5 năm, đội ngũ luật sư đã tham gia 64.173 vụ án hình sự, 48.548 vụ việc về dân sự, hôn nhân, gia đình, 5.256 vụ việc về kinh tế, thương mại… đóng góp tích cực cho công tác tư pháp nói chung, hoạt động xét xử nói riêng và còn hỗ trợ phát triển các quan hệ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thi hành Luật Luật sư, hành nghề của luật sư nước ngoài, tổ chức hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực trong việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần hình thành và phát triển thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam…
Điểm nổi bật về vai trò tự quản của tổ chức xã hội-nghề nghiệp của luật sư sau 5 năm thi hành đó là sự hoàn thiện về tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư từ Trung ương đến cấp tỉnh với tổ chức luật sư toàn quốc là Liên đoàn luật sư.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cũng nêu lên những mặt yếu kém, tồn tại. Đó là, số lượng luật sư hiện có so với dân số còn rất thấp và có sự phát triển mất cân đối lớn giữa khu vực thành thị và khu vực miền núi, trung du; chất lượng của đội ngũ luật sư còn nhiều hạn chế, yếu kém; một số luật sư chưa thực sự quan tâm và có ý thức trách nhiệm trong việc tuân thủ thực hiện các quy định của Luật; việc tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp và kỷ luật hành nghề của luật sư vẫn chưa được nhận thức đầy đủ, chưa trở thành ý thức tự giác đối với mỗi cá nhân luật sư trong hành nghề và cuộc sống; hoạt động hành nghề của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư chưa mang tính chuyên nghiệp; hoạt động quản lý, điều hành của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư còn kém hiệu quả…
Tại Hội nghị, các luật sư đã thảo luận một số định hướng xây dựng Dự án Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung, tập trung vào những vấn đề bất cập, vướng mắc gây khó khăn cho công tác quản lý và tập sự cũng như các trở ngại trong hoạt động tham gia tố tụng, đào tạo của luật sư hiện nay..
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()