Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về kinh tế tập thể
LSO-Hôm nay (14/10), tại Hà Nội diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5, khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT).
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, hợp tác xã (HTX) tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, Nghị quyết số 13 đã được triển khai thực hiện tương đối đầy đủ, từ việc học tập, quán triệt, thể chế hoá nghị quyết đến việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết đề ra, thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền trong phát triển KTTT…
Sau 15 năm triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW, lĩnh vực KTTT trong cả nước đã đạt được những kết quả nhất định. Đến hết năm 2018, cả nước có 101.405 tổ hợp tác (THT), tăng 587 THT so với năm 2003, thu hút 1.340.619 thành viên tham gia, tăng khoảng 57,3% so với năm 2003; số lao động thường xuyên trong THT khoảng 1,1 triệu lao động; doanh thu bình quân của 1 THT được 408 triệu đồng/năm.
Về HTX, hết năm 2018, toàn quốc có 22.861 HTX, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia; số lượng HTX tăng 8.513 HTX so với năm 2003. Trong giai đoạn 2003-2018, đã có 20.841 HTX thành lập mới, giải thể 11.473 HTX. Tổng số lao động làm việc trong HTX là 1.215.490 người, tăng 157.015 người so với năm 2003; doanh thu bình quân của một HTX năm 2018 được gần 4,5 tỷ đồng, tăng khoảng 4,2 lần so với năm 2003; lãi bình quân của HTX tăng từ 74 triệu đồng/HTX/năm 2003 lên 240,5 triệu đồng/HTX/năm 2018. Tính đến hết năm 2018, cả nước có 74 liên hiệp HTX, tăng gấp 2,8 lần năm 2003.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nghị quyết vẫn còn một số hạn chế như: việc học tập, quán triệt nghị quyết chưa được quan tâm đúng mức; công tác nghiên cứu lý luận, thực tiễn, giáo dục, đào tạo, tuyên truyền về KTTT còn yếu; chính sách hỗ trợ còn chưa đến được nhiều HTX; công tác quản lý nhà nước về KTTT còn nhiều hạn chế…
Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, tổ chức quốc tế, các địa phương, HTX điển hình đã tham luận đánh giá kết quả đạt được, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển KTTT, đồng thời đề xuất giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả lĩnh vực KTTT trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương kết quả đạt được của các cấp, các ngành trong thực hiện Nghị quyết 13.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành xác định phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; phát triển KTTT theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khoá IX phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, phải tôn trọng giá trị, nguyên tắc hoạt động của các HTX, đề cao nguyên tắc dân chủ, tự nguyện cùng có lợi; tiếp tục hoàn thiện thể chế hỗ trợ các HTX, THT tạo điều kiện thuận lợi cho HTX, THT phát triển; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong giám sát thực hiện chính sách phát triển KTTT. Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong việc xây dựng thể chế chính sách, định hướng, hỗ trợ cho kinh tế hợp tác ngày càng phát triển…
Thủ tướng tin tưởng rằng với sự vào cuộc của các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, các bộ, ngành, nhất định KTTT ngày càng phát triển để cùng phấn đấu đưa kinh tế nhà nước và KTTT ngày càng trở nên vững chắc trong nền kinh tế quốc dân.
Đối với tỉnh Lạng Sơn, qua 15 triển khai thực hiện Nghị quyết 13, lĩnh vực KTTT trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến. Đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 1.810 tổ hợp tác với 19.510 thành viên tham gia, tăng 4.377 thành viên so với năm 2003; toàn tỉnh có 220 HTX, tăng 128 HTX so với năm 2003 và trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 2 liên hiệp HTX. |
TÂN AN
Ý kiến ()