Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng
(LSO) – Sáng nay (19/12), Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Chỉ thị 32; đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.
Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Xuân Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, công tác PBGDPL đã có chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Qua việc tổng kết cho thấy: thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật có chiều hướng ngày càng giảm. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tổng số vụ việc vi phạm hành chính năm 2017 bị phát hiện là 8.398.944 vụ việc với 7.791.015 đối tượng bị xử phạt, giảm 14,6% vụ việc và giảm 20% số đối tượng so với kỳ báo cáo năm 2016. Năm 2018, số vụ việc vi phạm bị phát hiện là 6.623.670 vụ việc với 6.544.491 đối tượng bị xử phạt, giảm 21,1% số vụ việc và 16% số đối tượng so với năm 2017.
Nhờ việc triển khai tốt công tác PBGDPL, nhiều xã trên toàn quốc đã đạt chuẩn tiếp cận theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Tính đến cuối năm 2018 có 8.805 xã/11.147 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm 79%.
Tại tỉnh Lạng Sơn, từ khi có Chỉ thị 32, Luật PBGDPL, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội đã nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và cán bộ tham gia công tác PBGDPL ở các cấp, các ngành thường xuyên được củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò trong công tác PBGDPL.
Qua tuyên truyền, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, nhân dân ngày càng chuyển biến tích cực, 100% các sự kiện hộ tịch đều được nhân dân đăng ký đúng quy định; tỷ lệ hòa giải thành công hằng năm đạt trên 70%.
Tại hội nghị, đại biểu ở các điểm cầu trung ương và một số địa phương đã trình bày tham luận, khẳng định kết quả đạt được, nêu lên hạn chế, kiến nghị để cùng tháo gỡ trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị: Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vai trò, vị trí của công tác PBGDPL; tiếp tục xây dựng thể chế pháp luật ngày càng hoàn thiện, trong đó xác định xây dựng cơ quan tham mưu có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; xác định đổi mới công tác PBGDPL là yêu cầu tất yếu, khách quan, nhằm xây dựng một xã hội đề cao dân chủ, pháp quyền, tuân thủ pháp luật, trong đó đổi mới công tác truyền thông về PBGDPL theo hướng có hiệu quả; đổi mới PBGDPL trong nhà trường và chú trọng đổi mới tuyên truyền PBGDPL trên báo chí; quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện công tác PBGDPL…
Về kiến nghị của các bộ, ngành, các tỉnh, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các ban cán sự đảng đoàn trung ương, các tỉnh, thành xem xét, giải quyết trong thời gian tới.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 16 tập thể, 14 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32.
Ý kiến ()