Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
LSO-Sáng nay (27/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đồng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn.
Nghị quyết số 26, ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong giai đoạn 2008 đến hết năm 2017, Chính phủ đã ban hành, sửa đổi 76 nghị định, nghị quyết và 48 quyết định về cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X.
Để thực hiện hiệu quả nghị quyết, các bộ, ngành trung ương và các địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách và chương trình hành động cụ thể.
Theo báo cáo tại hội nghị, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm.
Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn chuyển đổi tích cực. Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng, kết cấu hạ tầng được nâng cấp, điều kiện sinh sống ở nông thôn được cải thiện.
Thu nhập bình quân đầu người hằng năm ở nông thôn tăng 3,49 lần, từ 9,15 triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu đồng năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1,5% mỗi năm…
Đối với tỉnh Lạng Sơn, quá trình triển khai thực hiện nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nông nghiệp Lạng Sơn có bước phát triển cả về lượng và chất, giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích trồng trọt tăng gấp 2,25 lần so với năm 2008, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung được hình thành rõ nét.
Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập của người dân nông thôn tăng 2,5 lần so với năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3% mỗi năm. Xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo thực hiện toàn diện, đồng bộ và đã tạo được những chuyển biến rõ nét…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đã thể hiện một bước phát triển mới về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thể hiện tính đúng đắn, khoa học sau 10 năm triển khai thực hiện, làm chuyển mình nền nông nghiệp, thay đổi diện mạo nông thôn nước nhà.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế như: Sản xuất nông nghiệp phát triển thiếu bền vững, vẫn còn nhiều mô hình sản xuất nhỏ lẻ; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn nhiều hạn chế. Kinh tế nông thôn chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm.
Liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn được cải thiện đáng kể nhưng chưa đồng đều, kết quả giảm nghèo chưa bền vững…
Để tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đạt hiệu quả cao nhất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Thời gian tới, các bộ, ngành và nhất là các địa phương cần rà soát lại các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là xem xét lại cơ chế, chính sách trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra cần nghiên cứu, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; chủ động tìm thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp… Những năm tới, các bộ, ngành trung ương và các địa phương cần nhận diện rõ cơ hội và thách thức trong bối cảnh, tình hình mới để đề xuất các chiến lược phát triển nông nghiệp lâu dài, bền vững, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế trong tình hình mới.
Ý kiến ()