Tổng hợp ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải bảo đảm tính toàn diện
Chiều 9/3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế, Bộ TN&MT, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tiến độ triển khai dự án Luật Đất đai (sửa đổi), kết quả bước đầu việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật.
Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định.
Tại cuộc làm việc, đại diện Bộ TN&MT, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trình bày báo cáo tổng hợp về tiến độ lấy ý kiến.
Toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); nhiều bộ, ngành mặc dù Nghị quyết số 170/NQ-CP không yêu cầu, nhưng cũng đã ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân để triển khai trong bộ, ngành mình và gửi về Bộ TN&MT.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, tính đến ngày 6/3, theo số liệu trên website lấy ý kiến nhân dân của cơ quan soạn thảo (chưa có số liệu của các địa phương) đã tiếp nhận 7.873 lượt ý kiến góp ý của 768 tổ chức, cá nhân vào các nội dung của dự thảo Luật và 56 ý kiến góp ý bằng văn bản gửi trực tiếp.
Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Các ý kiến góp ý tập trung vào 12 nhóm nội dung, như: Về thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; việc thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; đất công ích, đất có công trình ngầm và quyền sử dụng khoảng không gian trên mặt đất; vai trò của Mặt trận và thành viên của Mặt trận, vai trò của UBND cấp xã; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; phát triển quỹ đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất; việc xử lý các luật có mâu thuẫn, chồng chéo với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); một số vấn đề chưa quy định trong dự thảo Luật, các ý kiến tiếp tục đề nghị có quy định trong Luật đất đai.
Sau khi nghe đại diện Bộ TN&MT, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày báo cáo tiến độ triển khai dự án, kết quả bước đầu việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật và ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, công tác lấy ý kiến nhân dân theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ đang nhận được sự hưởng ứng rất tích cực, rộng khắp. Điều đó cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành, các giới, các giai tầng xã hội với dự án luật rất quan trọng này.
Các ý kiến tại cuộc làm việc và kết quả tổng hợp bước đầu ý kiến của nhân dân thể hiện sự đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp là Bộ TN&MT, Bộ Tư pháp; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, trực tiếp là Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật; MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết thời gian qua, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, việc lấy ý kiến được triển khai nghiêm túc, bám sát tiến độ, phương pháp, yêu cầu, các nhóm nội dung, tổ chức lấy ý kiến sâu theo các nhóm đối tượng chuyên gia, doanh nghiệp, đại diện vùng miền…cùng với đó là kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ trong quá trình này đã luôn có sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ. Các sự kiện hội nghị, tọa đàm quan trọng do các cơ quan của Chính phủ tổ chức đều có sự tham gia của lãnh đạo Quốc hội, đại diện các cơ quan Quốc hội và ngược lại. Bên cạnh đó các cơ quan của Quốc hội cũng chủ động tổ chức lấy ý kiến một cách độc lập, khách quan.
Tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết thêm, các nội dung được Chủ tịch Quốc hội đề cập là những nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý, trong đó có những vấn đề khó thể chế, hoặc khó khả thi, hoặc còn nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục thảo luận, làm rõ; nhấn mạnh rằng đây là sản phẩm chung không phân biệt cơ quan Quốc hội, cơ quan của Chính phủ, điều quan trọng là định hướng cách xử lý, các cơ quan cần đưa ra những góp ý cụ thể, cùng nhau trao đổi, phản biện để đưa ra được phương án tối ưu.
Với những nội dung có nhiều vướng mắc, có nhiều ý kiến khác nhau như quy hoạch đất đai, định giá đất đai, đất cho đồng bào miền núi… Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị cần tổ chức một số hội nghị mời các chuyên gia cụ thể của nội dung đó để giúp giải quyết thách thức như hiện nay và lựa chọn được giải pháp tối ưu nhất.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ tin tưởng với cách thức thực hiện như hiện nay, với sự đồng hành từ sớm từ xa của Quốc hội, sự đồng thuận của toàn hệ thống thì vấn đề khó mấy cũng quyết hoàn thành, các cơ quan hoàn toàn có đầy đủ thông tin để có kết luận cho những vấn đề có ý kiến khác nhau.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng khẳng định việc lấy ý kiến Nhân dân cần được tiếp tục cho đến tận khi Quốc hội thông qua luật; việc nghiên cứu tiếp thu được tiến hành liên tục với tinh thần nghiêm túc nhất, khoa học nhất.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kết quả tổng hợp bước đầu cho thấy có nhiều ý kiến của nhân dân đóng góp rất sâu sắc, toàn diện, rất có giá trị. Ngoài những vấn đề mang tính nguyên tắc, quan điểm, đã có nhiều ý kiến góp ý vào từng điều khoản, từng nội dung cụ thể của dự án Luật.
Nhấn mạnh quan điểm việc lấy ý kiến nhân dân không chỉ là cho có, sau khi lấy ý kiến nhân dân rồi thì việc tổng hợp ý kiến nhân dân là rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ yêu cầu nêu cao tinh thần trung thực, khách quan, vô tư, “gạn đục khơi trong”; tôn trọng mọi ý kiến góp ý của nhân dân, không để bất cứ ý kiến nào của nhân dân không được tiếp thu, giải trình.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc cho rằng, việc tổng hợp ý kiến nhân dân phải bảo đảm tính toàn diện, đầy đủ, cố gắng lựa chọn những vấn đề lớn, trọng tâm để tổng hợp; đồng thời đánh giá các xu hướng, các kiến nghị, đề xuất. Sau đó cần lựa chọn một số vấn đề quan trọng, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau hoặc chưa rõ trong dự án luật để tiếp tục tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến, tổ chức tọa đàm sâu hơn, kỹ lưỡng hơn.
“Ban hành được luật là rất tốt, nhưng luật được ban hành ra phải bảo đảm yêu cầu về chất lượng. Tiến độ quan trọng, nhưng chất lượng quan trọng hơn”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ quan điểm.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội ban hành văn bản về cuộc làm việc để các cơ quan có cơ sở làm căn cứ thực hiện.
Theo tiến độ, việc lấy ý kiến nhân dân về dự án luật sẽ kết thúc vào ngày 15/3/2023. Ngày 25/3, các cơ quan phải hoàn thành báo cáo gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan hữu quan phải hết sức nỗ lực, khẩn trương, làm việc không kể ngày đêm, “không phân biệt vai nọ, vai kia”, hết sức phối hợp hoạt động vì công việc chung, vì sự nghiệp chung.
Ý kiến ()