Tổng Giám đốc IMF: Không loại trừ kịch bản suy thoái kinh tế toàn cầu
Tổng Giám đốc IMF cho biết IMF sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022, xuống còn 3,6%, lần hạ thứ ba kể từ đầu năm đến nay.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 6/7 đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu “đã xấu đi đáng kể” từ tháng 4 vừa qua và không thể loại trừ khả năng suy thoái toàn cầu trong năm 2023 khi xét đến những nguy cơ đang gia tăng.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin Reuters, bà Georgieva cho biết IMF sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022, xuống còn 3,6%, lần hạ thứ ba kể từ đầu năm đến nay.
Dự kiến cuối tháng này, IMF sẽ công bố báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2022 và 2023. Trong năm 2021, kinh tế toàn cầu tăng trưởng 6,1%.
Người đứng đầu IMF khẳng định: “Triển vọng đã xấu đi đáng kể từ lần cập nhật báo cáo hồi tháng 4,” thể hiện qua việc lạm phát lan ra toàn cầu, xu hướng tăng lãi suất ngày một rõ nét, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, cũng như leo thang các biện pháp trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Bà Georgieva nhấn mạnh thế giới hiện đang trong vùng “biển động mạnh,” do đó, không thể loại trừ nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Số liệu kinh tế gần đây cho thấy một số nền kinh tế lớn, trong đó có Nga và Trung Quốc, đã tăng trưởng âm trong quý 2 năm 2022 và nguy cơ thậm chí còn cao hơn trong năm 2023.
Theo Tổng Giám đốc IMF, “năm 2022 sẽ là một năm khó khăn, nhưng năm 2023 có thể còn khó khăn hơn” và nguy cơ suy thoái năm 2023 đã tăng lên.
Trong khi đó, giới đầu tư cũng đang ngày một quan ngại về nguy cơ suy thoái, đặc biệt trong bối cảnh đường cong lãi suất trái phiếu đã đảo ngược lần thứ hai liên tiếp trong ngày 6/7 – một chỉ dấu cho thấy nguy cơ suy thoái ngày một rõ.
Tháng trước, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuyên bố cơ quan này theo đuổi cam kết kiềm chế lạm phát ngay cả khi việc làm này tiềm ẩn nguy cơ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Theo bà Georgieva, việc kéo dài chính sách thắt chặt tài chính sẽ khiến triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi, nhưng kiểm soát giá tiêu dùng là việc làm có ý nghĩa quan trọng.
Triển vọng toàn cầu ở thời điểm hiện tại có tính phân hóa mạnh hơn so với 2 năm trước đây, khi các nước xuất khẩu năng lượng, trong đó có Mỹ, có ưu thế tốt hơn, trong khi nhóm nước nhập khẩu năng lượng phải vật lộn với khó khăn.
Người đứng đầu IMF khẳng định tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể là “cái giá cần thiết” khi tính đến nhu cầu cấp bách của việc ổn định giá tiêu dùng./.
Ý kiến ()