'Tổng động viên' cho 4 mặt trận
Theo yêu cầu cầu của Thủ tướng, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 10/4 phải thổi một luồng gió mới, một quyết tâm mới vào cuộc sống để khởi động thời kỳ khắc phục khó khăn, vươn lên mạnh mẽ. |
Hội nghị sẽ tập trung vào 4 nội dung, gồm: Nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19. Theo Thủ tướng, trong bối cảnh suy thoái được nhìn nhận còn nặng nề hơn cả năm 2008, chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay.
Dự kiến, hội nghị sẽ có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan Trung ương Đảng, các cơ quan của Quốc hội, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, lãnh đạo Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND, HĐND các địa phương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty và các ngân hàng lớn…
Với quy mô như vậy, có thể coi đây như một “Hội nghị Diên Hồng” để tổng động viên các nguồn lực, khơi dậy quyết tâm, ý chí mạnh mẽ hơn cho 4 mặt trận ứng phó toàn diện với các tác động từ dịch COVID-19.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch COVID-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng toàn diện đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta; trong đó nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp.
Theo ước tính sơ bộ, 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giầy da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc.
Hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Đồng thời, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo… Dự báo trong tháng 4, tháng 5 dịch bệnh còn phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm; trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm.
Còn theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dịch bệnh đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy giảm của doanh nghiệp. Trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã có tới gần 35 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường – con số kỷ lục từ trước đến nay. Và lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Theo một kết quả khảo sát nhanh của VCCI được triển khai cuối tháng 3 đầu tháng 4, thì tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng. Có tới gần 85% doanh nghiệp trong mẫu khảo sát cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% doanh nghiệp cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh, trên 40% doanh nghiệp cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019. Và có tới 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.
Cũng theo kết quả khảo sát của VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Trên 75% số doanh nghiệp thì báo sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.
Thổi một luồng gió mới, quyết tâm mới
Trên thực tế, kể từ dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, bên cạnh công tác phòng chống dịch được tiến hành hiệu quả, Chính phủ, Thủ tướng đã liên tiếp, kịp thời ban hành các giải pháp ứng phó rất quyết liệt, đồng bộ, toàn diện cho các lĩnh vực của đời sống xã hội bị tác động bởi dịch bệnh.
Về an sinh xã hội, Chính phủ đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với quy mô dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng (bao gồm trực tiếp từ ngân sách nhà nước, gián tiếp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội) hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau trong khoảng thời gian tối đa là 3 tháng. Ngày hôm qua, 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cơ bản nhất trí với gói hỗ trợ này.
Về chính sách tài khóa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, với Nghị định này, gói hỗ trợ gia hạn thuế và tiền thuê đất được tăng từ hơn 80 ngàn tỷ đồng như dự kiến trước đó lên tới trên 180 ngàn tỷ, đồng thời mở rộng quy mô về đối tượng doanh nghiệp, tổ chức được hưởng ưu đãi. Ước tính, có tới 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cả nước được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất.
Về gói hỗ trợ tiền tệ, hiện đã nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng, Thủ tướng nêu rõ tinh thần là không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cấp, các ngành phải giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020, không để dồn vào cuối năm như những năm trước đây. Số vốn này gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD. Cơ quan nào, bộ, ngành, địa phương nào làm chậm thì người đứng đầu trực tiếp kiểm điểm, chịu trách nhiệm. Nếu không hoàn thành hoặc đến tháng 9 không giải ngân được thì điều chuyển vốn sang các đơn vị khác. Liên quan tới nội dung ngày, ngày 8/4, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 40/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thực thi luật.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trước tình hình diễn biến và ảnh hưởng của dịch COVID-19, các quốc gia trên thế giới có cùng hành động là: ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn và dập dịch sớm nhất có thể; triển khai tất cả các biện pháp để giảm thiểu tối đa tác động của dịch; các quốc gia sử dụng tất cả các biện pháp, từ nới lỏng tiền tệ, tài khóa, tăng chi tiêu chính phủ, tới quản lý hành chính…
Các chính sách này đều có những đặc điểm chung là thống nhất trong nội bộ rất nhanh và ở cấp cao nhất, quy mô các chính sách hỗ trợ về tài khóa là rất lớn, về tiền tệ thì gần như không có giới hạn; phương pháp và cách thức hỗ trợ chưa từng có trong tiền lệ; chấp nhận vượt giới hạn quy định thông thường về kỷ luật quản lý tài chính, ngân sách. Đồng thời, thực hiện các biện pháp hành chính như thời chiến.
Theo các chuyên gia, ba chính sách chủ công chống COVID-19 là chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, đầu tư công và Chính phủ đã gấp rút triển khai các bước theo thẩm quyền để triển khai các chính sách này.
Theo yêu cầu cầu của Thủ tướng, Hội nghị ngày mai phải thổi một luồng gió mới, một quyết tâm mới vào cuộc sống để khởi động thời kỳ khắc phục khó khăn, vươn lên mạnh mẽ. Mọi cấp, mọi ngành, mọi cá nhân, doanh nghiệp đều phải cố gắng, vươn lên, thúc đẩy phát triển để nền kinh tế không bị đổ gãy, bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho các thành phần yếu thế trong xã hội.
Ý kiến ()