Tổng đài 111 tiếp nhận gần 120 nghìn cuộc gọi về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng
Ảnh minh họa: Báo Dân sinh.
Trước đó, từ ngày 1-5, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố đường dây nóng qua Tổng đài 111 chính thức tiếp nhận thông tin giải đáp những vấn đề vướng mắc khi thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng trong dịch Covid-19. Có ba số điện thoại tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân gồm: 0913.049.567; 0977.976.686 và 0913.378.816.
Đây là hoạt động nhằm đẩy nhanh triển khai Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã thành lập Ban Chỉ đạo của cơ quan này. Đứng đầu là Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra các đơn vị, địa phương; đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng.
Tổng đài 111 tiếp nhận và giải đáp thông tin liên quan; cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, khiếu nại, tố cáo về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp Văn phòng Chính phủ xây dựng và triển khai cập nhật số liệu báo cáo về gói hỗ trợ đến cấp xã trên Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ; phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp bốn dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia .
Cùng với đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng bộ hỏi – đáp; công bố chín bộ nhận diện bằng hình ảnh và video về các điều kiện, mức hỗ trợ, quy trình thủ tục đối với từng nhóm đối tượng để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân, cán bộ nhận diện và thực hiện.
Chỉ trong 20 ngày đầu tháng 5, hơn 52 nghìn lượt người truy cập vào chuyên mục “Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng” trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội http://bovoinddn.molisa.gov.vn/trang-chu/ho-tro-covid-19
Ngoài ra, các địa phương đã thiết lập đường dây nóng để kịp thời giải đáp kiến nghị; rà soát, lập danh sách, phê duyệt danh sách theo các nhóm đối tượng thụ hưởng. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đa dạng, xuyên suốt, liên tục đến các ngành, các cấp tại địa phương và trong nhân dân.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, giữa các cơ quan chuyên môn ở các cấp địa phương và Trung ương cũng thường xuyên trao đổi, phối hợp để giải đáp, hướng dẫn… Những kiến nghị, thắc mắc trực tiếp của người dân, doanh nghiệp tới Tổng đài 111 cũng như đường dây nóng của Bộ cũng được trao đổi, giải đáp kịp thời.
Theo Nhandan
Ý kiến ()