Tổng cục Hải quan định hướng nghiên cứu các vấn đề mang tính chất hoạch định chính sách
Giai đoạn 2024-2026, Tổng cục Hải quan định hướng nghiên cứu các vấn đề mang tính chất hoạch định chính sách. Tập trung nghiên cứu các vấn đề mang tính chất định hướng chung cho các lĩnh vực của Ngành, ứng dụng công nghệ hiện đại phù hợp với mục tiêu cải cách, phát triển và hiện đại hóa trên tất cả các lĩnh vực hoạt động.
Nhằm triển khai Chiến lược phát triển ngành Hải quan đến năm 2030 và phục vụ chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Hải quan trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan vừa phê duyệt định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ (KHCN) giai đoạn 2024-2026.
Định hướng nghiên cứu KHCN của Tổng cục Hải quan giai đoạn 2024-2026 được cập nhật, bổ sung hàng năm, là cơ sở cho việc đề xuất, tuyển chọn và giao trực tiếp nhiệm vụ KHCN cấp Tổng cục Hải quan.
Trên cơ sở kế thừa định hướng nghiên cứu KHCN Tổng cục Hải quan giai đoạn 2022 – 2023 về những nội dung vẫn phù hợp với bối cảnh mới đang đặt ra và định hướng nghiên cứu KHCN ngành Tài chính giai đoạn 2022 – 2024, việc xây dựng định hướng nghiên cứu KHCN Tổng cục Hải quan giai đoạn 2024 – 2026 là cơ sở định hướng khoa học để đề xuất triển khai các nhiệm vụ KHCN trong giai đoạn tới nhằm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đồng thời triển khai Chiến lược phát triển ngành Hải quan đến năm 2030 và phục vụ chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Hải quan trong thời gian tới.
Theo đó, giai đoạn 2024-2026, Tổng cục Hải quan định hướng nghiên cứu các vấn đề mang tính chất hoạch định chính sách. Tập trung nghiên cứu các vấn đề mang tính chất định hướng chung cho các lĩnh vực của Ngành, những vấn đề có tính chất rộng, mở đường hoặc mang tính lý luận chuyên sâu; ứng dụng công nghệ hiện đại phù hợp với mục tiêu cải cách, phát triển và hiện đại hóa trên tất cả các lĩnh vực hoạt động.
Đi sâu đánh giá Luật Hải quan hiện hành và đề xuất định hướng sửa đổi
Trong đó, để hoàn thiện chính sách, thể chế hải quan công tác nghiên cứu sẽ đi sâu đánh giá Luật Hải quan hiện hành và đề xuất định hướng sửa đổi; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý nhà nước về hải quan theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hải quan trên cơ sở: ứng dụng các công nghệ hiện đại; xây dựng mô hình quản lý hải quan thông minh, biên giới thông minh; cải cách thủ tục hải quan theo hướng tiếp tục đơn giản, hài hòa thủ tục hải quan, các chế độ quản lý hải quan, tạo nền tảng pháp lý tái thiết kế quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, cơ quan Hải quan đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại; quản lý thuế XNK, bảo đảm thu đúng, thu đủ thuế và các khoản phải thu vào NSNN.
Đổi mới tổ chức bộ máy hải quan theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng hệ thống CNTT tập trung, tích hợp thông minh đáp ứng yêu cầu về an toàn thông tin với nền tảng số; kết nối, trao đổi thông tin với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân, DN tham gia hoạt động XNK để quản lý toàn diện, theo chuỗi từ khâu đầu đến khâu cuối…
Quản lý tự động các hoạt động nghiệp vụ hải quan trên môi trường số
Đẩy mạnh nghiên cứu hệ thống CNTT thực hiện hải quan số theo hướng phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc tính đồng bộ, thống nhất, kết nối và tích hợp dữ liệu trong thiết kế tổng thể của hệ thống CNTT; quản lý tự động các hoạt động nghiệp vụ hải quan trên môi trường số trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục hải quan…
Đổi mới tổ chức bộ máy hải quan theo hướng hải quan vùng và phù hợp với mô hình Hải quan thông minh, hoàn thiện bộ máy của Ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và cải cách hiện đại hóa; thúc đẩy trao đổi thông tin và hợp tác với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước có liên quan trong thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về hải quan…
Tập trung nghiên cứu những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu cải cách, hiện đại hóa theo khu vực, tuyến biên giới, loại hình xuất nhập khẩu… hoặc những vấn đề phát sinh trong hoạt động nghiệp vụ cần có cơ sở khoa học để giải quyết các vướng mắc theo đặc thù quản lý của từng đơn vị, như: cải cách hành chính, phòng chống nguy cơ gian lận về xuất xứ hàng hóa, thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc phân tích dữ liệu nhập khẩu, chính sách mặt hàng, chính sách thuế; nâng cao năng lực kiểm soát, chống buôn lậu và gian lận thương mại phù hợp với tình hình địa bàn quản lý…
Ý kiến ()