Tổng công ty Bưu Điện Việt Nam lùi thời điểm tăng cước gửi thư
Tổng công ty Bưu Điện Việt Nam vừa quyết định lùi thời điểm điều chỉnh cước các dịch vụ và triển khai áp dụng trên mạng bưu chính công cộng từ ngày 18/1/2014 sang ngày 15/2/2014.
Thư thường có khối lượng đến 20 gram có giá cước tối đa 3.000 đồng
Thông tư số 20/2013/TT-BTTTT ký ngày 5/12/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định mức giá cước tối đa đối với dịch vụ bưu chính phổ cập chính thức có hiệu lực từ ngày hôm nay (18/1/2014), do đó Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam được phép tăng cước thư từ ngày 18/1/2014.
Thông tư trên quy định, mức giá cước tối đa thu của khách hàng đối với dịch vụ bưu chính phổ cập bao gồm dịch vụ thư cơ bản trong nước và dịch vụ thư cơ bản quốc tế (bao gồm cả bưu thiếp) có khối lượng đơn chiếc đến 02 (hai) ki-lô-gram do Nhà nước đặt hàng Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cung ứng như sau:
Đối với dịch vụ thư cơ bản trong nước vận chuyển bằng đường thủy bộ, thư có khối lượng đến 20 gram có giá cước tối đa là 3.000 đồng; thư có khối lượng trên 20-100 gram là 4.500 đồng; trên 100-250 gram là 6.000 đồng. Mỗi 250 gram tiếp theo đến 2.000 gram (2 kg) sẽ tính thêm cước là 2.000 đồng. Bên cạnh đó, bưu thiếp có giá cước vận chuyển tối đa là 2.000 đồng.
Đối với dịch vụ thư cơ bản trong nước vận chuyển bằng đường máy bay, ngoài mức giá cước tối đa được quy định đối với dịch vụ thư cơ bản trong nước vận chuyển bằng đường thủy bộ thì khách hàng còn phải nộp thêm giá phụ cước máy bay. Cụ thể, giá phụ cước máy bay tối đa đối với thư đến 100 gram là 500 đồng, thư trên 100-250 gram là 1.500 đồng, mỗi 250 gram tiếp theo đến 2.000 gram là 2.000 đồng. Riêng đối với bưu thiếp, giá phụ cước máy bay tối đa là 500 đồng.
Ảnh minh họa – nguồn: Đỗ Thoa |
Thông tư cũng quy định mức giá cước tối đa đối với dịch vụ thư cơ bản quốc tế. Cụ thể: đối với phương thức vận chuyển bằng đường thủy bộ, thư có khối lượng đến 20 gram là 10.500 đồng, áp dụng cho các nước Liên minh Bưu chính châu Á – Thái Bình Dương (APPU) và 12.500 đồng cho các nước khác.
Với khối lượng tương tự, phương thức vận chuyển bằng máy bay đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 4.500 đồng, châu Âu 6.500 đồng, châu Phi 8.500 đồng và châu Mỹ là 10.500 đồng.
Dịch vụ bưu chính phổ cập quy định trên thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam có trách nhiệm quyết định giá cước dịch vụ bưu chính phổ cập theo thẩm quyền, bảo đảm không cao hơn mức giá cước tối đa trên.
Được biết, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã đề xuất mức giá tương đương kể trên và đã được Bộ Thông tin và Truyền thông chấp thuận. Như vậy, đây là lần tăng cước dịch vụ thư cơ bản đầu tiên kể từ năm 2009. Thời điểm năm 2009, giá cước dịch vụ thư cơ bản trong nước đến 20 gram đã được điều chỉnh tăng từ 800 đồng lên 2.000 đồng/chiếc thư (tương đương khoảng 56% giá thành tính toán tại thời điểm năm 2008). Với mức tăng giá mới lên 3.000 đồng/chiếc thư thì mới chỉ bù đắp được khoảng 80% giá thành dịch vụ.
Tăng cước dịch vụ thư để bảo đảm lợi ích của Việt Nam trong thanh toán quốc tế
Chia sẻ về lý do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam lùi thời điểm tăng cước thư gửi vào sau Tết Nguyên đán, ông Hoàng Xuân Hạnh, Phó trưởng ban phụ trách Bưu chính của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, việc lùi thời điểm là nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn, giảm tác động tối đa tới nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng nhất là khách hàng doanh nghiệp do thời điểm trước Tết Nguyên đán số lượng thư gửi tăng cao, trong khi đó sau Tết Nguyên đán là thời điểm sản lượng thư gửi là thấp nhất trong năm.
Theo ông Hoàng Xuân Hạnh, việc tăng giá cước dịch vụ thư cơ bản cũng nhằm bảo đảm lợi ích của Việt Nam trong thanh toán quốc tế, bởi theo văn kiện Đại hội Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) được thông qua tại Doha, Qatar, giá cước đầu cuối giữa bưu chính tất cả các nước sẽ được thanh toán trên cơ sở giá thành và giá cước dịch vụ thư nội địa. Theo đó, Việt Nam xếp vào 4 nhóm và dự kiến sẽ áp dụng cước đầu cuối dựa trên giá cước thư nội địa 20 gram từ năm 2017. Khi đó những nước có mức giá cước dịch vụ thư nội địa thấp sẽ không có lợi trong thanh toán cước đầu cuối quốc tế.
Thống kê của UPU cho thấy, Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức giá cước dịch vụ thư cơ bản trong nước thấp nhất trong số gần 200 quốc gia trên thế giới. So sánh giá cước dịch vụ thư cơ bản trong nước đến 20 gram năm 2012 của một số nước mà Việt Nam có sản lượng thư tín lớn cho thấy giá cước của Việt Nam thấp hơn khoảng 4-16 lần so với các nước phát triển và thấp hơn 2-4 lần so với các nước trong khu vực. Như vậy, Việt Nam tiếp tục gặp bất lợi trong thanh toán quốc tế./.
Theo CPV
Ý kiến ()