Tổng cầu thấp đang làm khó tăng trưởng
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) vừa đưa ra khuyến nghị, nếu không có những biện pháp hỗ trợ tổng cầu có hiệu quả thì tốc độ tăng trưởng trong năm 2014 khả năng chỉ trong khoảng 5,6% đến 5,7%.
Theo Ủy ban này, lạm phát cơ bản thấp cho thấy tổng cầu mặc dù cải thiện nhưng vẫn thấp. UBGSTCQG tính toán trong tháng 8 lạm phát cơ bản là 3,34%, thấp hơn lạm phát tổng thể 4,31% và cũng thấp hơn lạm phát cơ bản của cùng kỳ năm ngoái là 4,43%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng mức cải thiện không lớn. Theo UBGSTCQG, mức tăng bán lẻ hàng hóa của bảy tháng đầu năm 2014 là 6,3%, so với 4,86% của cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, khối lượng vận chuyển hàng hóa trong bảy tháng đầu năm 2014 vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ (4,8% so với 13,7%).
Về đầu tư cũng chưa được cải thiện. Theo ước tính của UBGSTCQG, đầu tư tư nhân trong sáu tháng đầu năm 2014 chỉ ở mức 10,3% GDP, thấp hơn mức 11,1% GDP cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong bảy tháng đầu năm chỉ tăng 2,3% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2013 tăng 6,4%). Ủy ban giám sát chỉ ra rằng: “Do giữa tăng đầu tư tư nhân và tăng tín dụng có mối quan hệ chặt chẽ nên tín dụng tăng thấp có thể xem là nguyên nhân quan trọng khiến đầu tư tư nhân ở mức thấp”.
Tăng trưởng tín dụng mặc dù có chuyển biến song vẫn thấp. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31-7, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,7%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ 2013 là 4,7%. UBGSTCQG nhận định: “Tổng cầu thấp đang gây khó khăn cho mục tiêu tăng trưởng 5,8%”.
UBGSTCQG cho biết, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn nhất là doanh nghiệp tư nhân, ảnh hưởng đến mức sinh lời của hệ thống TCTD và là nguyên nhân chính khiến tín dụng tăng chậm và đầu tư tư nhân thấp.
Tổng cầu thấp khiến doanh nghiệp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Doanh thu bình quân của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 2/2014 giảm 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí đầu vào tăng nhanh khiến doanh nghiệp khó giảm giá bán để giải quyết khâu tiêu thụ.
Tình hình khó khăn của doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến mức sinh lời của hệ thống TCTD. Tín dụng tăng thấp (theo tính toán của UBGSCTQG dư nợ bình quân sáu tháng đầu năm chỉ tăng 0,52%) và chênh lệch lãi suất (NIM) toàn ngành giảm đã khiến lợi nhuận trước dự phòng của hệ thống giảm so với cùng kỳ 2013, ảnh hưởng đến khả năng trích lập dự phòng rủi ro.
UBGSTCQG cho rằng: “Nếu không có những biện pháp hỗ trợ tổng cầu có hiệu quả thì tăng trưởng trong năm 2014 khả năng chỉ trong khoảng 5,6% đến 5,7%”.
Cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu
Ủy ban Giám sát tài chính đề xuất trong những tháng cuối năm chính sách điều hành cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ tổng cầu nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,8%.
Theo đó, đối với đầu tư công, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách và trái phiếu Chính phủ, nhất là đối với các dự án có tính lan tỏa cao như các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông thôn, vào nhóm ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản… Đối với đầu tư tư nhân, để thúc đẩy cần thực hiện các giải pháp như cắt giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, nhất là chi phí liên quan đến thủ tục hành chính.
Ủy ban Giám sát tài chính đề xuất, căn cứ vào diễn biến của lạm phát, điều chỉnh mặt bằng lãi suất sao cho vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp cắt giảm chi phí vốn vừa không làm suy giảm năng lực tài chính của các TCTD. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, cùng với việc sử dụng các quỹ hỗ trợ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ, để đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu tín dụng của cả năm 2014. Tiến độ thực hiện cổ phần hóa và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, tạo động lực tăng trưởng đối với khu vực tư nhân.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()