Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Ðình, Hà Nội
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình. ( Ảnh: TRÍ DŨNG (TTXVN) )TTXVN - Chiều 16-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc đông đảo cử tri quận Ba Đình, Hà Nội, để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIII.Đa số cử tri vui mừng nhận thấy hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, các kỳ họp, các phiên chất vấn công khai của Quốc hội đã đề cập nhiều vấn đề xã hội bức xúc, có ý nghĩa thiết thân đối với đời sống nhân dân. Công tác tiếp xúc cử tri đã có nhiều cải tiến, đổi mới, tăng cường tiếp xúc ngay tại các khu, cụm dân cư...Cử tri tại những nơi Tổng Bí thư tiếp xúc đã đề nghị Quốc hội nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập pháp, bảo đảm để các luật được ban hành sớm đi vào thực tế cuộc sống. Bên cạnh đó, Quốc hội cần phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả công tác giám sát...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình. ( Ảnh: TRÍ DŨNG (TTXVN) ) |
Đa số cử tri vui mừng nhận thấy hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, các kỳ họp, các phiên chất vấn công khai của Quốc hội đã đề cập nhiều vấn đề xã hội bức xúc, có ý nghĩa thiết thân đối với đời sống nhân dân. Công tác tiếp xúc cử tri đã có nhiều cải tiến, đổi mới, tăng cường tiếp xúc ngay tại các khu, cụm dân cư…
Cử tri tại những nơi Tổng Bí thư tiếp xúc đã đề nghị Quốc hội nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập pháp, bảo đảm để các luật được ban hành sớm đi vào thực tế cuộc sống. Bên cạnh đó, Quốc hội cần phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả công tác giám sát tối cao, đặc biệt là giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, các chủ trương quyết sách liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, quản lý sử dụng đất đai, tài chính ngân hàng…; kiên quyết xử lý các trường hợp để xảy ra thất thoát, tham nhũng.
Ông Phan Đức Thắng, cử tri phường Quán Thánh cho rằng, cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Quốc hội. Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn, nhưng việc triển khai thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn, còn nhiều vấn đề cần được giải quyết tốt hơn trong thời gian tới. Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, ông Thắng cho rằng, kết quả thực hiện sau chất vấn chưa rõ, nhiều việc chưa đạt yêu cầu. Việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn phải được thực hiện quyết liệt, tiến hành theo định kỳ.
Nhiều cử tri đánh giá cao kết quả Hội nghị T.Ư 6 vừa qua. Tại Hội nghị này, Trung ương đã bàn thảo, cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng của Đảng, của đất nước. Cử tri hoan nghênh kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, mang lại niềm tin, niềm hy vọng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, còn nhiều vấn đề cần được giải quyết triệt để trong thời gian tới. Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 về xây dựng Đảng cần tiếp tục được triển khai thực hiện nghiêm túc, nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, bởi đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng, sự hưng vượng của dân tộc.
Tổng Bí thư ghi nhận và hoan nghênh các ý kiến đóng góp thẳng thắn, trí tuệ và xây dựng của cử tri, đề cập nhiều vấn đề, lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều công việc của Đảng, của Quốc hội. Về việc nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Quốc hội nói riêng và mọi mặt hoạt động của đất nước nói chung, Tổng Bí thư chỉ rõ: Quốc hội, toàn bộ hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, đều hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Làm sao phát huy dân chủ thật sự, đồng thời nâng cao vai trò lãnh đạo, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung. Quốc hội hoạt động ngày càng có chất lượng, hiệu quả, có nhiều đổi mới, cải tiến, tăng cường lấy ý kiến nhân dân, các nhà khoa học, thảo luận, bàn bạc kỹ, thống nhất cao…
Tuy vậy, thời gian tới, Quốc hội cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trên các lĩnh vực: công tác lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, để đáp ứng niềm tin và sự mong đợi của nhân dân. Quốc hội ta có hai phần ba số đại biểu là kiêm nhiệm, kinh nghiệm làm luật chưa nhiều, hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện, thực tiễn đang vận động, có những vấn đề chưa thể quy định cứng trong luật, vì vậy phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Công tác giám sát tối cao của Quốc hội, bao gồm giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn… ngày càng được tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Lần này có cái mới, cũng là thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, là Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Vấn đề đặt ra là phải quy định thế nào cho chặt chẽ, khách quan.
Tổng Bí thư cũng thông báo với cử tri những nội dung cơ bản đã được bàn thảo và quyết định tại Hội nghị T.Ư 6 vừa qua, trong đó có nhiều vấn đề mà cử tri đang hết sức quan tâm, đó là việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, tháo gỡ những vướng mắc, nổi cộm về giá đất, việc thu hồi đất, quản lý, sử dụng đất; về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tiếp tục sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước…
Về kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, Tổng Bí thư nhất trí với ý kiến của nhiều cử tri cho rằng, đây mới là kết quả bước đầu, kiểm điểm, tự phê bình và phê bình chỉ là một nội dung, sắp tới cần tiếp tục triển khai các công việc theo ba nhóm vấn đề mà Nghị quyết T.Ư 4 đã đề ra.
Tổng Bí thư mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, ý kiến đóng góp xây dựng của cử tri, coi đây là nguồn động viên to lớn, là chỗ dựa vững chắc, để mỗi đại biểu Quốc hội, mỗi cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trước Đảng, trước nhân dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()