Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban cán sự Ðảng Thanh tra Chính phủ
Sáng 16-3, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng làm việc với Ban cán sự Ðảng và cán bộ chủ chốt Thanh tra Chính phủ về kết quả công tác thanh tra từ đầu nhiệm kỳ đến nay; phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 và nhiệm kỳ tới. Dự buổi làm việc, có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các ban của Trung ương Ðảng, một số bộ, ngành, cơ quan T.Ư.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cán bộ Thanh tra Chính phủ. Ảnh: TRẦN HẢI |
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Tổng Bí thư nêu rõ, nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ tới nay, hoạt động của ngành thanh tra tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp 70 năm qua, đạt những kết quả đáng khích lệ, có bước tiến rõ rệt; vừa chăm lo công tác chuyên môn, vừa quan tâm xây dựng nội bộ ngành, làm tốt nhiệm vụ được giao; đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều sai phạm, góp phần ngăn ngừa tiêu cực, thúc đẩy chấn chỉnh các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; làm việc có trọng tâm, trọng điểm, bài bản, có hiệu quả; sự phối hợp với các ngành, cơ quan tương đối nhịp nhàng. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có bước tiến, đã giải quyết nhiều vụ việc tồn đọng phức tạp kéo dài, góp phần ổn định chính trị – xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng có chuyển biến tích cực, đã quan tâm thực hiện xây dựng thể chế, cơ chế, đề xuất các biện pháp phòng ngừa đạt kết quả rõ rệt hơn, bước đầu tạo niềm trong nhân dân. Trong đó vai trò của ngành thanh tra rất rõ. Về công tác xây dựng ngành, Tổng Bí thư cho rằng cũng được chú trọng, nhất là việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Ðảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Từ đó, từng bước khắc phục khuyết điểm, hạn chế do trước đây để lại; tích cực, khẩn trương giải quyết một số việc tồn đọng. Tổng Bí thư lưu ý, mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng hoạt động của ngành thanh tra so yêu cầu nhiệm vụ và tình hình hiện nay còn nhiều việc phải làm. Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trên nhiều mặt. Trong đó những khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội, trong công tác xây dựng Ðảng, tình trạng vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, khiếu nại, tố cáo cũng đang là một thách thức liên quan trực tiếp đến hoạt động thanh tra. Tổng Bí thư đề nghị, ngành thanh tra cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn tình hình này để có quyết tâm cao, phát huy ưu điểm, kết quả đạt được, khắc phục yếu kém; phấn đấu nâng cao hơn nữa vai trò của thanh tra, thực hiện tốt hơn nữa chức năng của mình, để thật sự xứng đáng là công vụ hữu hiệu, sắc bén trong việc phát hiện, xử lý tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, nhân dân. Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, tán thành với báo cáo của Ban cán sự Ðảng Thanh tra Chính phủ, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Trước hết trong công tác thanh tra cần chủ động thanh tra theo kế hoạch, đồng thời thường xuyên nắm chắc tình hình để đề xuất thanh tra những vụ việc đột xuất; tăng cường thanh tra đột xuất, tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, vi phạm nhiều, thường xuyên để đề xuất bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách nếu thấy cần thiết; phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sơ hở bất cập trong quản lý và xử lý kịp thời các vi phạm, tiêu cực. Hết sức chú ý sau thanh tra, muốn thế phải đề cao giá trị pháp lý của kết luận thanh tra,… Tổng Bí thư nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng là một lĩnh vực quan trọng nhưng vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài, đang là nỗi bức xúc của nhân dân. Vừa qua, chúng ta đã làm rất nhiều, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, cần có giải pháp đồng bộ, tiến hành quyết liệt hơn, để tạo chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực này. Phải chủ động, tích cực đôn đốc, triển khai các biện pháp phòng ngừa, như việc kê khai tài sản, chống kê khai hình thức; công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan, ngay cả trong cơ quan thanh tra; đẩy mạnh cải cách hành chính, chống phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân, thực hiện nghiêm các chế độ định mức tiêu chuẩn, chính sách. Cùng với việc phòng ngừa là đẩy mạnh phát hiện tham nhũng, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan điều tra, tiến hành điều tra kịp thời. Ðồng thời, cần mở nhiều kênh thông tin để tiếp nhận tin báo về tham nhũng, coi trọng đơn thư tố cáo, phát hiện của báo chí. Tổng Bí thư lưu ý, cần có biện pháp kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng. Trong giải quyết khiếu nại tố cáo, Tổng Bí thư đề nghị ngành thanh tra thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật, đặc biệt chú trọng giải quyết những vụ khiếu kiện đông người phức tạp, kéo dài, có tính chất tập thể; đồng thời tham mưu, đề xuất biện pháp hiệu quả hơn. Ðồng chí cho rằng, trong năm nay và năm 2016, tiến hành đại hội đảng bộ các cấp và Ðại hội XII của Ðảng sẽ có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Ðối với đơn thư nặc danh càng đòi hỏi năng lực, sự tinh tường của cán bộ thanh tra để bảo đảm hiệu quả thật sự của công tác này. Về công tác xây dựng nội bộ, Tổng Bí thư yêu cầu phải giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng và những yếu kém, khuyết điểm đã chỉ ra trong tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Ðảng. Phải tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nghị quyết quan trọng này; làm quyết liệt, kiên trì, làm đi, làm lại ba nhóm nội dung, bốn nhóm giải pháp; tập trung củng cố tổ chức bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ, chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; kiên quyết làm trong sạch, lành mạnh đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ðặc biệt, phải nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực của người làm công tác thanh tra. Những người làm công tác này phải thật sự thanh sạch, có bản lĩnh, có dũng khí, vì lợi ích của chế độ, của nhân dân. Kỷ niệm 70 năm thành lập là dịp để ngành thanh tra ôn lại truyền thống; phát huy mặt tốt, khắc phục mặt hạn chế; phấn đấu “cán bộ thanh tra phải như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì soi không được”, như lời Bác Hồ căn dặn; tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng,… |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()