Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cán bộ lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sáng 17-8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với cán bộ chủ chốt Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng dự, có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành T.Ư.Đồng chí Phạm Vũ Luận, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) báo cáo với đồng chí Tổng Bí thư về tình hình giáo dục - đào tạo từ Đại hội XI của Đảng đến nay; việc chuẩn bị Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.Các đại biểu dự buổi làm việc thống nhất đánh giá: Ngành GD và ĐT đã coi việc nâng cao chất lượng và tuân thủ quy hoạch phát triển nhân lực là mục tiêu của phát triển GD và ĐT. Việc quản lý nhà nước về lĩnh vực này có đổi mới, như tách bạch quản lý nhà nước với quản lý...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cán bộ lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo. |
Sáng 17-8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với cán bộ chủ chốt Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng dự, có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành T.Ư.
Đồng chí Phạm Vũ Luận, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) báo cáo với đồng chí Tổng Bí thư về tình hình giáo dục – đào tạo từ Đại hội XI của Đảng đến nay; việc chuẩn bị Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Các đại biểu dự buổi làm việc thống nhất đánh giá: Ngành GD và ĐT đã coi việc nâng cao chất lượng và tuân thủ quy hoạch phát triển nhân lực là mục tiêu của phát triển GD và ĐT. Việc quản lý nhà nước về lĩnh vực này có đổi mới, như tách bạch quản lý nhà nước với quản lý chuyên môn ở các cơ sở GD và ĐT; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho thủ trưởng các cơ sở giáo dục. Bộ đã ban hành các văn bản để giải quyết một số vấn đề bức xúc; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo các điều kiện bảo đảm chất lượng trong đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ; điều chỉnh những bất hợp lý trong nội dung dạy học, giảm tải cho học sinh ở các trường phổ thông,…
Tuy nhiên, các đại biểu băn khoan, lo ngại về chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Còn ít tranh luận về những vấn đề lớn dẫn đến chậm đổi mới về GD và ĐT. Quản lý nhà nước về GD và ĐT còn nhiều bất cập, kém hiệu quả. Một số vấn đề bức xúc kéo dài chưa được khắc phục, như tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, thu góp đầu năm học, tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, sự suy thoái về đạo đức trong một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục,… Nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD và ĐT cần tăng cường chống các hiện tượng tiêu cực trong ngành; xây dựng quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ; quan tâm giải quyết các vấn đề nổi cộm trong công tác cán bộ, nhất là ở một số trường đại học; đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học; hình thành các doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong các trường đại học.
Sau khi nêu bật kết quả các chương trình công tác lớn mà ngành đã đạt được, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý gắn với làm tốt công tác chính sách cán bộ; tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc; tăng cường phối hợp công tác thông tin tuyên truyền; gắn giáo dục – đào tạo với phát triển khoa học, công nghệ.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định những thành tựu mà ngành GD và ĐT đạt được thời gian qua. Đồng chí nêu rõ, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng chưa bao giờ nền giáo dục nước nhà phát triển mạnh cả về quy mô, mạng lưới, phong phú, đa dạng các loại hình đào tạo và có đội ngũ giáo viên đông đảo như hiện nay; quan hệ quốc tế trong GD và ĐT phát triển tốt. Ngành đã quan tâm công tác giáo dục đối với các đối tượng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác quản lý giáo dục có chuyển biến tích cực; công bằng trong giáo dục được cải thiện. Hoạt động xã hội hóa phục vụ sự nghiệp giáo dục có nhiều chuyển biến tốt. Bộ GD và ĐT đã chủ trì phối hợp tốt với các cơ quan để chăm lo công tác GD và ĐT; chăm lo, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư hoan nghênh, biểu dương những thành tích mà ngành GD và ĐT đã đạt được thời gian qua.
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, đó là chất lượng, hiệu quả GD và ĐT chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là chất lượng đào tạo toàn diện. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng quy mô với nâng cao chất lượng; giữa dạy chữ, dạy nghề với dạy làm người. Bệnh chạy theo số lượng, thành tích, bằng cấp còn nhiều. Chưa gắn kết đào tạo với nhu cầu xã hội; năng lực học sinh, sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Trình độ ngoại ngữ, công nghệ còn hạn chế, nhất là trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành còn nhiều hạn chế. Việc phân cấp quản lý chưa hợp lý, còn nhiều yếu kém, có nơi buông lỏng, cho nên nhiều hiện tượng tiêu cực chậm khắc phục. Chậm đổi mới trong giáo dục đào tạo, có mặt xa rời thực tiễn, chưa phù hợp từng cấp học, hiệu quả chưa cao. Phương pháp dạy học còn lạc hậu, chưa phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.
Phân tích rõ, giáo dục là ngành hoạt động phong phú, đa dạng, quan trọng, nhạy cảm, liên quan toàn xã hội, Tổng Bí thư đề nghị thời gian tới Bộ GD và ĐT cần bám sát quan điểm, tư tưởng chỉ đạo nêu trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết T.Ư, chiến lược phát triển GD và ĐT của Chính phủ để xác định rõ yêu cầu nhiệm vụ của ngành. Về lâu dài, cần đổi mới cơ bản, toàn diện về tư duy, về xây dựng mô hình cơ chế vận hành, quản lý GD và ĐT. Cần xây dựng lý luận về khoa học giáo dục thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Trước mắt, ngành cần tập trung tạo chuyển biến rõ nét trong một số việc, như nâng cao chất lượng giáo dục, khắc phục những yếu kém… Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý giáo dục và phân cấp quản lý, nhưng không được buông lỏng mà tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Tập trung giải quyết thật tốt những vấn đề bức xúc đang đặt ra. Tổng Bí thư nhấn mạnh GD và ĐT là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, là trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội, nhưng trước hết là ngành GD và ĐT. Ai cũng phải giáo dục, tự mình giáo dục mình, rèn luyện mình, tránh cái xấu, học cái tốt, cái đẹp.
Về việc triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư cho rằng, đây cũng là một nghị quyết dạy chúng ta làm người, bởi xây dựng Đảng là xây dựng tổ chức, xây dựng con người, điều kiện để bảo đảm chúng ta hoàn thành mọi nhiệm vụ. Nếu tổ chức không chặt chẽ, không trong sạch, vững mạnh, con người có vấn đề này vấn đề khác thì cơ chế, pháp luật có chặt chẽ đến mấy đi nữa cũng hỏng. Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo bộ cần lãnh đạo chặt chẽ, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết quan trọng này, đừng để phải làm lại. Đây là giải pháp cơ bản để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình cần được tiến hành dân chủ, gắn với giải quyết những vấn đề bức xúc của ngành giáo dục. Đồng chí Tổng Bí thư cũng lưu ý tình trạng các địa phương thì làm rất nghiêm túc nhưng trên T.Ư có cơ quan, coi nhẹ công tác xây dựng Đảng, chỉ tập trung vào chuyên môn, hoặc làm kinh tế; tránh tình trạng nhạt Đảng, khô đoàn, chán chính trị, không gương mẫu. Có tự phê bình và phê bình thì cũng chỉ để ca tụng nhau, không nói hết sự thật nội bộ mất đoàn kết. Đồng chí nhấn mạnh tự phê bình và phê bình cần làm rất kiên trì, có phương pháp, bám sát chỉ đạo của T.Ư.
Nhân dịp chuẩn bị đón năm học mới, Tổng Bí thư gửi đến toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh trong cả nước lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất.
Theo Nhandan
Ý kiến ()