Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Thái-lan Dinh-lắc Xin-na-vắt
Sáng 25-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Thủ đô Băng-cốc, bắt đầu chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái-lan, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Thái-lan Dinh-lắc Xin-na-vắt.
* Nâng quan hệ Việt Nam – Thái-lan lên tầm đối tác chiến lược
Sáng 25-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Thủ đô Băng-cốc, bắt đầu chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái-lan, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Thái-lan Dinh-lắc Xin-na-vắt.
Thúc đẩy quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt Nam – Thái-lan phát triển lên tầm cao mới
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Vương quốc Thái-lan
Ðưa quan hệ Việt Nam – Thái-lan lên tầm cao mới
Ðông – bắc Thái-lan, vùng đất đang được “đánh thức”
Ðón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại sân bay quốc tế Ðôn Mường, có Phó Thủ tướng Y.Lim-lem-thông; Bộ trưởng Nội vụ C.Ru-ang-xu-văn; Ðại sứ Thái-lan tại Việt Nam A.Chin-van-nô; một số quan chức Chính phủ Thái-lan; Ðại sứ Việt Nam tại Thái-lan Ngô Ðức Thắng và các cán bộ, học sinh, sinh viên Việt Nam tại Thái-lan.
Lễ đón chính thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Phủ Thủ tướng theo nghi lễ cấp Nhà nước.
* Theo TTXVN, ngay sau lễ đón chính thức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Thủ tướng Thái-lan Dinh-lắc Xin-na-vắt. Tham dự hội đàm, về phía Việt Nam có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Quốc Vượng, Bí thư T.Ư Ðảng, Chánh Văn phòng T.Ư; Hoàng Bình Quân, Ủy viên T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Ðối ngoại T.Ư; Phạm Bình Minh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Ngoại giao; Bùi Quang Vinh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư; Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội; Lương Ngọc Bính, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình; Thượng tướng Ðặng Văn Hiếu, Ủy viên T.Ư Ðảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; Thượng tướng Trương Quang Khánh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Thứ trưởng Quốc phòng; Ngô Ðức Thắng, Ðại sứ Việt Nam tại Thái-lan; Vũ Dũng, Trợ lý Tổng Bí thư.
Về phía Thái-lan có: Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Thái-lan Dinh-lắc Xin-na-vắt; Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao X.Tô-u-chắc-chai-cun; Bộ trưởng Quốc phòng X.Xu-va-na-tát; Bộ trưởng Nội vụ Ch.Ru-ang-xu-văn; Bộ trưởng Thương mại B.Tê-ri-y-a-pi-rom; Ðại sứ Thái-lan tại Việt Nam A.Chin-van-nô; Tổng Thư ký Văn phòng Thủ tướng X.Vê-cha-chi-va; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao X.Phu-ang Két-ke-ô; Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia P.Pát-ta-na-bút; Thứ trưởng Lao động A.Crai-vát-nu-xon; Người Phát ngôn Chính phủ T.Ra-ta-na-xê-vi.
Thay mặt Chính phủ Thái-lan, Thủ tướng Dinh-lắc Xin-na-vắt đã nhiệt liệt chào mừng và đánh giá cao chuyến thăm chính thức Thái-lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam diễn ra 20 năm kể từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Ðỗ Mười và trong bối cảnh quan hệ hai nước Thái-lan – Việt Nam được nâng lên tầm cao mới – quan hệ đối tác chiến lược.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng lần đầu đến thăm đất nước Thái-lan và được tận mắt chứng kiến những thành tựu to lớn và sự phát triển mạnh mẽ của Vương quốc Thái-lan; đánh giá cao vị thế và vai trò của Thái-lan trong khu vực và trên thế giới; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc phát triển và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Thái-lan, qua Thủ tướng Dinh-lắc Xin-na-vắt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chuyển lời thăm hỏi và lời chúc sức khỏe tới Ðức Vua Phu-mi-phôn A-đu-ga-đệt đang trị bệnh tại bệnh viện.
Trong bầu không khí hữu nghị, tin cậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Dinh-lắc Xin-na-vắt đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước; tập trung trao đổi các phương hướng, biện pháp lớn nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới; trao đổi những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về sự phát triển của quan hệ hai nước trong gần 40 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976, đặc biệt kể từ sau chuyến thăm Thái-lan của Tổng Bí thư Ðỗ Mười vào năm 1993. Quan hệ chính trị giữa hai nước được tăng cường với việc thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; quan hệ kinh tế – thương mại phát triển nhanh chóng. Năm 2012, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 8,6 tỷ USD; tính đến ngày 20-2-2013, Thái-lan có 300 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 6,12 tỷ USD, đứng thứ 10 trong số 99 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong việc góp phần mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Thái-lan.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Dinh-lắc Xin-na-vắt nhất trí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái-lan, Thái-lan-Việt Nam với năm trụ cột chính, bao gồm: quan hệ chính trị, hợp tác quốc phòng và an ninh, hợp tác kinh tế, hợp tác xã hội văn hóa, hợp tác khu vực và quốc tế. Hai nhà lãnh đạo nhất trí giao cho các cơ quan hữu quan của hai nước phối hợp xây dựng chương trình hành động và lộ trình thực hiện cụ thể để hướng dẫn các cấp, các ngành của hai nước thực hiện.
Hai nhà lãnh đạo thống nhất tiến hành thường xuyên hơn nữa trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trong thời gian tới nhằm tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý đất nước. Trong đó, thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa hai đảng cầm quyền, Quốc hội hai nước là cơ sở chính trị quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển. Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết mở rộng và tăng cường giao lưu nhân dân một cách phong phú, thiết thực, hiệu quả, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước.
Hai bên cam kết đẩy mạnh hợp tác kinh tế, gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều mỗi năm lên 20% để đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020; thúc đẩy sớm ký và triển khai Thỏa thuận hợp tác lao động. Theo đó, Thái-lan sẽ nhận lao động Việt Nam sang làm việc ở Thái-lan đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Thái-lan, khuyến khích các doanh nghiệp Thái-lan đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, hóa dầu, thăm dò và khai thác dầu khí.
Tại cuộc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Thái-lan Dinh-lắc Xin-na-vắt đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên nhất trí cho rằng, sau hơn 45 năm kể từ ngày thành lập, ASEAN không ngừng trưởng thành, có mức độ gắn kết và liên kết ngày càng tăng cả trong nội khối, và với các nước ngoài khu vực, thể hiện uy tín cao trong đời sống chính trị quốc tế. Tuy nhiên, ASEAN cũng đang đứng trước những khó khăn và thách thức không nhỏ. Việt Nam, Thái-lan và các nước thành viên ASEAN cần tiếp tục tăng cường đoàn kết và hợp tác, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh vào năm 2015, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Ðông; mong muốn các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982, Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Ðông DOC, Tuyên bố sáu điểm của ASEAN; nhất trí sớm xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Ðông COC, nhằm bảo đảm hòa bình an ninh và an toàn, tự do hàng hải ở Biển Ðông.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo mà Chính phủ và nhân dân Thái-lan dành cho Tổng Bí thư và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, trân trọng mời Thủ tướng Dinh-lắc Xin-na-vắt thăm lại Việt Nam vào thời gian thích hợp. Thủ tướng Dinh-lắc Xin-na-vắt chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời.
Hai nhà lãnh đạo đã tiến hành họp báo ngay sau khi hội đàm kết thúc.
* Tối cùng ngày, tại Phủ Thủ tướng ở Thủ đô Băng-cốc, Thủ tướng Thái-lan Dinh-lắc Xin-na-vắt đã chủ trì chiêu đãi trọng thể, chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Thái-lan. Trong phát biểu tại chiêu đãi, Thủ tướng Dinh-lắc Xin-na-vắt đã nêu bật ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Thái-lan – Việt Nam, Việt Nam-Thái-lan. Diễn văn có đoạn viết:
“Chuyến thăm của Ngài Tổng Bí thư BCH T.Ư Ðảng Cộng sản Việt Nam lần này là chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với cả hai quốc gia, vì đây là cuộc viếng thăm của Ngài Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên trong vòng 20 năm qua kể từ chuyến viếng thăm chính thức Thái-lan của Ngài Ðỗ Mười năm 1993 và là chuyến thăm đầu tiên của Ngài Nguyễn Phú Trọng sau khi Ngài được bầu giữ chức Tổng Bí thư BCH T.Ư Ðảng Cộng sản Việt Nam năm 2011.
Thái-lan và Việt Nam là hai quốc gia láng giềng hữu nghị có nền văn hóa tương đồng và có mối quan hệ lâu đời. Cả hai quốc gia đều là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Ðông-Nam Á và có chung lợi ích cả chiều rộng và chiều sâu. Tôi rất hân hạnh được cùng với Ngài Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố nâng quan hệ song phương Thái-lan – Việt Nam lên tầm đối tác chiến lược ngày hôm nay.
Mối quan hệ đối tác chiến lược này sẽ góp phần thúc đẩy và phát triển mối quan hệ giữa Thái-lan và Việt Nam ngày càng gắn bó và bền vững, đồng thời làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa đôi bên trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có chính trị, kinh tế, an ninh, văn hóa và du lịch. Ðây là một kỷ nguyên mới của mối quan hệ song phương giữa Thái-lan và Việt Nam không ngừng phát triển và đem lại hạnh phúc bền vững cho nhân dân Việt Nam và Thái-lan”.
Trong Diễn văn đáp từ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điểm lại những bước phát triển của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Thái-lan và nêu bật ý nghĩa lịch sử của việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Trong suốt 37 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 8-1976), đặc biệt kể từ chuyến thăm Thái-lan của Tổng Bí thư BCH T.Ư Ðảng Cộng sản Việt Nam Ðỗ Mười năm 1993, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam – Thái-lan đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ chính trị, an ninh, quốc phòng không ngừng được củng cố, với các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước, các cơ chế hợp tác song phương phong phú và sự phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, quan hệ kinh tế-đầu tư liên tục tăng trưởng ở mức cao, giá trị thương mại hai chiều năm 2012 đạt hơn 8,6 tỷ USD, ngày càng có nhiều dự án đầu tư lớn của Thái-lan tại Việt Nam. Giao lưu nhân dân hai nước diễn ra thường xuyên và phong phú, có thể nhiều quý vị ở đây sẽ khá bất ngờ khi biết rằng năm 2012 có hơn 530.000 người Việt Nam thăm Thái-lan, hơn 225.000 người Thái-lan thăm Việt Nam.
… Tôi và Bà Thủ tướng Dinh-lắc Xin-na-vắt đã nhất trí ra Tuyên bố chung chính thức về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước chúng ta. Ðây là một sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dấu mốc lịch sử trong quan hệ Việt Nam-Thái-lan, mở ra một thời kỳ mới với những xung lực mới đưa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực”.
* Trước khi diễn ra lễ đón chính thức, Chủ tịch đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) cầm quyền G.Ru-ang-xu-văn đã đến chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chủ tịch G.Ru-ang-xu-văn thông báo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lịch sử phát triển của đảng Pheu Thai và vai trò của đảng đối với sự phát triển của đất nước Thái-lan. Chủ tịch G.Ru-ang-xu-văn bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ của Thái-lan trong những năm qua, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đảng Pheu Thai; khẳng định Ðảng Cộng sản Việt Nam chủ trương phát triển và mở rộng quan hệ với các chính đảng ở khu vực và trên thế giới trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch G.Ru-ang-xu-văn nhất trí chủ trương: thiết lập quan hệ giao lưu, trao đổi đoàn ở tất cả các cấp giữa hai Ðảng để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Chủ tịch Ru-ang-xu-văn sang thăm Việt Nam. Chủ tịch đã vui vẻ nhận lời.
* Cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm Ðại sứ quán Việt Nam tại Thái-lan, nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Ðại sứ quán và đại diện Việt kiều, cán bộ, lưu học sinh Việt Nam đang sinh sống, công tác và học tập tại Thái-lan.
Tổng Bí thư lắng nghe tâm tư nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cán bộ, lưu học sinh và bà con Việt kiều; đánh giá cao những đóng góp tích cực của cán bộ, nhân viên Ðại sứ quán Việt Nam tại Thái-lan vào sự phát triển của quan hệ hai nước Việt Nam-Thái-lan trong những năm qua. Tổng Bí thư thông báo một số nét về tình hình và những công việc mà Ðảng, Nhà nước và nhân ta đang tập trung triển khai thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XI và các nghị quyết của Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh, mở rộng quan hệ đối ngoại… và việc đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Tổng Bí thư mong muốn cán bộ, nhân viên Ðại sứ quán và cộng đồng Việt Nam tại Thái-lan học hỏi kinh nghiệm của bạn, làm giàu tri thức, góp phần tham gia xây dựng quê hương đất nước và góp phần tích cực vào sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam – Thái-lan theo tinh thần quan hệ đối tác chiến lược.
* Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tiếp Ðoàn Hội đồng Hòa bình Hòa giải ASEAN do ông Su-ra-kiệt, nguyên Phó Thủ tướng Thái-lan, Chủ tịch Hội đồng dẫn đầu. Hội đồng Hòa bình Hòa giải ASEAN được thành lập năm 2012, là một tổ chức phi chính phủ với sự tham gia của công dân các nước ASEAN, đặt ra mục tiêu hoạt động là thúc đẩy hòa bình và hòa giải của khu vực. Ông Su-ra-kiệt đề nghị Việt Nam ủng hộ hoạt động và cử đại diện tham gia Hội đồng. Ðồng chí Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh tiêu chí hoạt động của Hội đồng và khẳng định là nước trải qua nhiều chiến tranh, yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn ủng hộ các tổ chức đấu tranh cho hòa bình, và Việt Nam sẽ cử đại diện tham gia tổ chức.
Theo Nhandan
Ý kiến ()