Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị toàn quốc về công tác dân vận
Ngày 27/5, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; cùng các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định: Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Thời gian qua, Đảng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác dân vận. Trong năm 2015, cùng với việc lãnh đạo Đại hội Đảng các cấp và chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo tổng kết 17 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW và ban hành Kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận số 03-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định 290/QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị…
Đặc biệt, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra mục tiêu: Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, cùng với 5 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về công tác dân vận.
Hội nghị tập trung quán triệt, triển khai và thảo luận, đề xuất các giải pháp để đưa các văn bản trên sớm đi vào cuộc sống. Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu và thảo luận để quán triệt sâu sắc những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình hành động cũng như các văn bản quan trọng của Đảng về công tác dân vận nhằm triển khai kịp thời, sâu rộng, hiệu quả tới địa phương, đơn vị, tới cơ sở và từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, thực hiện có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương quán triệt, triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII về công tác dân vận.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe quán triệt Chỉ thị 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng dân tộc thiểu số”, Kết luận 120-KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”; Kết luận số 03-KL/TW ngày 13/5/2016 của Ban Bí thư vế tiếp tục thực hiện Quyết định số 290 của Bộ Chính trị khoá X về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao vai trò, đóng góp quan trọng của công tác dân vận và đội ngũ những người làm công tác dân vận, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, nỗ lực cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, giành được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và quan hệ đối ngoại, cải thiện đời sống nhân dân và tạo được niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, bên cạnh những thành tích tiến bộ, công tác dân vận cũng còn những mặt hạn chế, yếu kém, đó là: chưa đánh giá, dự báo kịp thời những diễn biến tư tưởng nhân dân; chậm đổi mới nội dung, phương thức vận động, tập hợp quần chúng trong tình hình mới. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ công tác dân vận, chưa đầu tư thỏa đáng công sức cho công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chưa thật sự dựa vào dân để xây dựng Đảng, chính quyền…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử đất nước ta. Ngay từ thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã đi đến những nhận định rất quan trọng: Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn đều sẽ bị thất bại. Nguyễn Trãi đã kết luận rằng “Thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước, nước có thể trở thuyền nhưng nước có thể lật thuyền”.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Bác Hồ luôn xác định dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta và dành nhiều tâm sức cho nhiệm vụ quan trọng này… Tổng kết 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng một lần nữa rút ra các bài học, trong đó có bài học: Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc, dân là gốc, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.
Nhất trí với phương hướng đề ra trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Ban Dân vận Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở 3 vấn đề rất quan trọng cần tập trung. Đó là “Vấn đề có ý nghĩa quyết định để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân hiện nay là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; củng cố và xây dựng tổ chức đảng thật trong sạch, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Chăm lo lợi ích, hạnh phúc của nhân dân là mục đích thiêng liêng, là lý tưởng cao quý của Đảng. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều cố gắng chăm lo đời sống nhân dân, luôn coi việc bảo đảm và cải thiện đời sống nhân dân là trách nhiệm to lớn, thường xuyên của mình.
“Tuy vậy, có những chính sách, những việc làm còn chưa thật đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân; có những địa phương, cơ sở chưa quan tâm đúng mức và chưa có biện pháp thật tích cực để phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong khi ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều yêu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm, thì có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội. Đây là điều mất mát lớn nhất trong tình cảm của nhân dân, là điều người dân cảm thấy xót xa, buồn phiền nhất” – Tổng Bí thư nêu rõ.
“Nếu không chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì dù có nói bao nhiêu về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ của nhân dân cũng đều là vô nghĩa và không có sức thuyết phục”, Tổng Bí thư nhấn mạnh. Do đó, “phải thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là một chủ trương chiến lược, một vấn đề cơ bản trong đường lối của Đảng ta. Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn kết hợp chặt chẽ sự lãnh đạo của Đảng với việc phát huy nghị lực sáng tạo của nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cấp ủy đảng, các cơ quan nhà nước cần động viên, tổ chức nhân dân tham gia rộng rãi và thường xuyên vào các công việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội; xóa bỏ nhận thức sai lầm cho rằng công tác vận động quần chúng chỉ là biện pháp tổ chức, động viên nhân dân thực hiện chính sách của Đảng. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” phải trở thành khẩu hiệu hành động, thành phương châm công tác vận động quần chúng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cấp ủy đảng, các cơ quan chính quyền cần có biện pháp tích cực giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân viên nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, có ý thức và thái độ đúng đắn với nhân dân, yêu thương, gần gũi, tôn trọng, lắng nghe nhân dân; có chương trình, kế hoạch tiếp dân, giải quyết tốt các đơn, thư khiếu tố, các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của dân; trừng trị nghiêm minh, thích đáng những hiện tượng trù dập, ức hiếp quần chúng…
Đồng thời, phải làm tốt việc giáo dục, nâng cao phẩm chất cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, coi đây là một nội dung trọng yếu của công tác xây dựng Đảng. Các cấp ủy đảng cần có biện pháp thật kiên quyết và tích cực giáo dục, rèn luyện, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, đấu tranh với các hiện tượng thoái hóa, biến chất, siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử đã biến chất ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy nhà nước, lấy lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Như thế công tác dân vận mới có kết quả, mới thắng lợi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong rằng: “Toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là những người làm công tác dân vận thấu hiểu và thấm nhuần sâu sắc những vấn đề nêu trên để hoàn thành trọng trách của mình…”./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()