Tổng Bí thư khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tổng Bí thư cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam thời gian tới là tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công.
Chủ tịch WB Gim Y-ông Kim chúc mừng thành công của Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Đại hội XII tín nhiệm bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng. Chủ tịch đánh giá cao những kết quả của Việt Nam trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và những thành tựu phát triển KTXH; cho rằng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là định hướng chiến lược rất đúng đắn và là lựa chọn rất phù hợp với Việt Nam. Chủ tịch mong muốn Việt Nam tiếp tục có những biện pháp quyết liệt, đúng đắn, bảo đảm thực hiện được mục tiêu đề ra, nhất là tập trung cải cách thể chế, xây dựng khung pháp lý, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng và minh bạch. Chủ tịch tin tưởng, với quyết tâm chính trị và nỗ lực mạnh mẽ của lãnh đạo Việt Nam, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách toàn diện, duy trì phát triển ổn định và hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong chiến lược phát triển dài hạn.
Về quan hệ giữa WB và Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị WB tiếp tục tăng cường hơn nữa hỗ trợ Việt Nam, cả về tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi và kinh nghiệm quản lý, điều hành đất nước, góp phần giúp Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu tổng quát và các nhiệm vụ KTXH đã đề ra, cũng như các định hướng phát triển trong Báo cáo Việt Nam 2035. Tổng Bí thư mong muốn WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đối phó hiệu quả các thách thức trong quá trình phát triển, trong đó có các thách thức đến từ quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và các thách thức của quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu. Tổng Bí thư đề nghị WB và cá nhân Ngài Chủ tịch hỗ trợ và ủng hộ để Việt Nam tiếp tục được nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.
Chủ tịch Gim Y-ông Kim khẳng định, WB sẽ tiếp tục cung cấp các hỗ trợ cần thiết, nhất là nỗ lực thuyết phục các định chế tài chính quốc tế cung cấp các nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi, góp phần giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, thích ứng biến đổi khí hậu, thực hiện thành công những mục tiêu do Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra.
* Sáng 23-2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) Gim Y-ông Kim đang thăm làm việc tại Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam đánh giá cao và cảm ơn sự đồng hành, hợp tác tốt đẹp của WB trong tiến trình phát triển KTXH của mình, đặc biệt trong công cuộc chống đói nghèo, phát triển bền vững; đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của WB, nhất là hỗ trợ nguồn lực, tư vấn chính sách, trợ giúp kỹ thuật trong quá trình thực hiện thành công các mục tiêu phát triển. Thủ tướng cũng đánh giá cao các cơ quan chức năng của Việt Nam và WB đã phối hợp chặt chẽ trong xây dựng Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” với các mục tiêu, khuyến nghị rất cụ thể, phù hợp định hướng phát triển bao trùm của Việt Nam; đồng thời, đánh giá cao ông Gim Y-ông Kim có mặt tại Việt Nam để công bố báo cáo này.
Thủ tướng cho biết, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, nhất là thách thức về trình độ phát triển; là một trong số ít nước trên thế giới chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phải tập trung khắc phục những hậu quả và di chứng nặng nề từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; thách thức từ hội nhập kinh tế quốc tế là rất lớn. Do đó, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, đồng hành của WB trong thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của mình, nhất là trong hỗ trợ nguồn lực; tìm kiếm, tiếp cận các nguồn tài trợ ưu đãi; tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật… nhằm giúp Việt Nam giữ vững thành quả phát triển cũng như tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Ông Gim Y-ông Kim cho rằng, Việt Nam đã đạt rất nhiều thành tựu trong quá trình phát triển, nhất là trong phát triển KTXH, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, cải thiện đời sống người dân; tin tưởng trên nền tảng kết quả đạt được, với tầm nhìn dài hạn, hội nhập quốc tế sâu rộng cũng như nỗ lực làm việc của mỗi người dân, Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước tiến lớn hơn trong tương lai. Chủ tịch Gim Y-ông Kim cho biết, sự có mặt của Đoàn tại Hà Nội để công bố Báo cáo là sự thể hiện mạnh mẽ cam kết của WB đối với tiến trình phát triển của Việt Nam.
Ông cũng khẳng định, WB sẽ quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp, thời gian vay dài để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; phát triển giáo dục, y tế, trong đó có việc hạ thấp tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, còi cọc từ 0 đến 5 tuổi hiện đang còn ở mức khá cao (khoảng 30%)…
Kết thúc buổi tiếp, Chủ tịch WB Gim Y-ông Kim đã tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”. Báo cáo được phối hợp nghiên cứu thực hiện trong hơn một năm bởi các chuyên gia Việt Nam và WB nhằm đề xuất, khuyến nghị các định hướng, giải pháp về các lĩnh vực Việt Nam cần chú trọng phát triển trong thời gian tới nhằm đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp, có thu nhập trung bình cao vào năm 2035, đạt tiến bộ và công bằng xã hội; và năng lực, trách nhiệm giải trình của Nhà nước được tăng cường.
* Công bố Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”:Sáng cùng ngày, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, WB phối hợp tổ chức lễ công bố Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035, Chủ tịch WB Gim Y-ông Kim tham dự buổi lễ. Cùng dự, có đông đảo đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư, chuyên gia, các đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Báo cáo Việt Nam 2035 cùng những tài liệu chuyên đề trong quá trình xây dựng Báo cáo là tài liệu tham khảo quan trọng cho nghiên cứu hoạch định chính sách phát triển KTXH của Việt Nam. Ngay trong quá trình xây dựng, nhiều nội dung của Báo cáo đã được tham khảo phục vụ xây dựng các Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng. Những khuyến nghị trong Báo cáo sẽ được Chính phủ Việt Nam tham khảo trong quá trình hoạch định chính sách, trước hết là trong xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2016 – 2020) và nghiên cứu Chiến lược phát triển KTXH 2020 – 2030. Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao thiện chí hợp tác của WB và đặc biệt của cá nhân Chủ tịch Gim Y-ông Kim đối với quá trình phát triển của Việt Nam, cũng như trong sáng kiến và xây dựng Báo cáo quan trọng, ý nghĩa này; bày tỏ trân trọng cảm ơn các nhà tài trợ, các tổ chức, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã hỗ trợ, tham gia xây dựng Báo cáo và tới đây là tiếp tục đánh giá thực hiện, cập nhật Báo cáo.
Về phần mình, Chủ tịch WB Gim Y-ông Kim bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu KTXH mà Việt Nam đạt được trong 20 năm qua. Việt Nam là một tấm gương thành công về sự phát triển, nhiều nước đang học tập kinh nghiệm của Việt Nam. Theo ông, Báo cáo Việt Nam 2035 thể hiện rõ nét mong muốn của lãnh đạo Việt Nam muốn đưa đất nước trở thành một quốc gia hiện đại, công nghiệp hóa sau một thế hệ. Ông tin tưởng mạnh mẽ, Báo cáo là tài liệu quý giá, góp phần giúp Việt Nam định hướng, vạch ra con đường giải quyết các thách thức, đạt nhiều thành công trong phát triển kinh tế thời gian tới.
Ý kiến ()