Tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc
Sáng 22/02, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã dự Lễ Tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình) do Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng Kỷ niệm chương |
Tham dự Lễ tôn vinh còn có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình;đại diện lãnh đạo một số ban, ngành Trung ương; đại diện một số tổ chức tôn giáo và 144 gia đình có người hiến giác mạc tại Kim Sơn.
Phát biểu tại Lễ tôn vinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, lễ tôn vinh là dịp để xã hội bày tỏ lòng cảm ơn tới những gia đình có người hiến giác mạc để đem lại ánh sáng cho người khác. Nghĩa cử cao đẹp của những người hiến giác mạc luôn được ngành y tế và xã hội ghi nhận, trân trọng, coi đây là những món quà quý báu mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc để lại cho người còn sống.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam có trên 200.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được phẫu thuật ghép giác mạc tìm lại ánh sáng. Trong khi trên cả nước, đến nay, mới có 35.000 người đăng kí hiến giác mạc, trong đó có 204 người đã hiến tặng giác mạc, riêng huyện Kim Sơn có 144 người. Hầu hết những người hiến tặng giác mạc là người Công giáo. Người đầu tiên tại Việt Nam tình nguyện hiến giác mạc sau khi qua đời là cụ bà Nguyễn Thị Hoa – giáo dân Cồn Thoi (xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn).
Tại Lễ tôn vinh, linh mục Nguyễn Hồng Phúc, Chánh xứ Cách Tâm chia sẻ, người Công giáo luôn tâm niệm, từ thiện nhân đạo là món nợ tình thương mà Thiên Chúa đòi hỏi mỗi người Ki tô giáo nỗ lực thực hiện để thực hiện giới răn Kính Chúa – yêu người. Qua đời mà vẫn có thể giúp người mù được sáng thì còn gì bằng, vì vậy đến nay đã có rất nhiều người Công giáo đăng ký hiến giác mạc khi qua đời. Nhiều người được hiến giác mạc đã bày tỏ lòng tri ân với những người đã hiến giác mạc, giúp mình tìm lại được ánh sáng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan biểu dương những nghĩa cử cao đẹp của gia đình người hiến giác mạc, đồng thời ghi nhận những tập thể, cá nhân đã tích cực đóng góp cho phong trào hiến tặng giác mạc. Phó Chủ tịch nước khẳng định, ghép giác mạc là một kỹ thuật hiện đại, tiên tiến nhưng nếu không có nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc thì hàng trăm nghìn người mù vì bệnh lý giác mạc vẫn phải sống trong cảnh mù lòa. Phó Chủ tịch nước mong muốn, những nghĩa cử cao đẹp ngày càng được nhân rộng hơn nữa để có nhiều người mù được nhìn thấy.
PGS.TS Đỗ Như Hơn, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, những người đủ 18 tuổi trở lên có thể hiến giác mạc sau khi qua đời, trừ những trường hợp chết không rõ nguyên nhân, viêm gan do vi rút cấp tính, nhiễm trùng máu, bệnh vàng da, bệnh dại, uốn ván, tả, HIV/AIDS và ung thư tại mắt. Khi lấy, kỹ thuật viên chỉ bóc lớp giác mạc mỏng phía trước của mắt nên hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến khuôn mặt của người quá cố. Thao tác lấy giác mạc mất khoảng 20 – 25 phút. Ngân hàng Mắt – Bệnh viện Mắt Trung ương và Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người là nơi tư vấn, đăng ký hiến tặng giác mạc.
Hiện nay, phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp duy nhất trên thế giới mang lại ánh sáng cho người mù do bệnh lý giác mạc. Nhưng do nguồn giác mạc vô cùng khan hiếm, nên hàng trăm nghìn bệnh nhân tại nước ta đang phải chấp nhận sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi vào nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời.
Tại Lễ tôn vinh, Bộ Y tế đã trao tặng Bằng khen, Kỷ niệm chương cho 2 tập thể, 18 cá nhân có nhiều đóng góp trong phong trào hiến giác mạc vì sức khỏe nhân dân. 16 gia đình hiến giác mạc năm 2013 tại Kim Sơn được Bệnh viện Mắt Trung ương tặng Bằng nghĩa cử cao đẹp./.
Theo CPV
Ý kiến ()