Đúng dịp kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7-1929- 28-7-2010),Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước và tổng kết năm năm phong trào “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà” trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).
Đại hội ghi nhận thành quả trong lao động sáng tạo của giai cấp công nhân, tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân Anh hùng Lao động, Chiến sĩ thi đua các cấp, CNVCLĐ, cán bộ công đoàn tiêu biểu xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước; phong trào “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà”, cổ vũ sức mạnh to lớn của CNVCLĐ cả nước, phát huy nội lực, tạo động lực mới cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Năm năm qua, phong trào thi đua trong CNVCLĐ cả nước diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu. Mặc dù vậy, CNVCLĐ cả nước đã nỗ lực, ra sức thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, các cấp công đoàn đã đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, sử dụng có hiệu quả hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình của Công đoàn, phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương tuyên truyền phổ biến, giáo dục, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước để nâng cao nhận thức về thi đua yêu nước trong thời kỳ mới cho CNVCLĐ.
Hằng năm, Tổng LĐLĐ Việt Nam đều tổ chức phát động thi đua lập thành tích chào mừng các sự kiện chính trị quan trọng, các ngày lễ lớn trong năm; phát động đợt thi đua nước rút hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch của từng ngành, địa phương và đơn vị; các cơ quan thông tin đại chúng thuộc hệ thống công đoàn tích cực tuyên truyền các điển hình tiên tiến, tập thể, cá nhân được tuyên dương, khen thưởng để nhân rộng điển hình. Phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” luôn gắn với sự phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển. Trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp luôn gắn liền với cuộc vận động xây dựng “Người cán bộ, công chức, viên chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, tích cực tham gia cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và tham mưu cho lãnh đạo cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành ban hành cơ chế, chính sách và pháp luật phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước…
Từ phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, các cấp công đoàn đã vận dụng tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhiều hội thi mang tính ngành, nghề phù hợp, như “luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “kinh doanh giỏi, quản lý tốt”, “mỗi kỹ sư một đề tài, mỗi tổ công đoàn một sáng kiến”, “bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”, “trồng cây xanh, làm sạch không khí”, “gian máy công đoàn”, “ba tốt” (quản lý vật tư tốt, làm kế hoạch tốt, tổ chức lao động tốt), “3 giảm, 3 tăng”, “Tăng cường y đức, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ và chất lượng chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế”; “Xây dựng bệnh viện xuất sắc toàn diện “, “Thi đua hai tốt”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”…
Nét đặc trưng trong thời gian qua là gắn phong trào thi đua yêu nước với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào không chỉ dừng ở địa phương, ngành mà còn được tổ chức trên các công trình trọng điểm của đất nước, như phong trào: Thi đua liên kết “Xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La”, “Xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất”. Đồng thời, phát động cuộc vận động có ý nghĩa chính trị sâu rộng “Cả nước chung tay xây dựng Thủy điện Sơn La”, chương trình xóa nhà dột nát cho công nhân, lao động có thu nhập thấp “Mái ấm công đoàn” được đông đảo CNVCLĐ cả nước tham gia.
Để động viên, khích lệ phong trào thi đua yêu nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị tổng kết, biểu dương tôn vinh các Anh hùng Lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, gương điển hình tiên tiến trong các ngành, các vùng miền và những công nhân lao động trực tiếp ở cơ sở; chỉ đạo Báo Lao động phối hợp Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức hằng năm chương trình Vinh quang Việt Nam vào Ngày quốc tế Lao động 1-5; tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua lao động sáng tạo; tổ chức trao “Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh” để tôn vinh những CNLĐ tiêu biểu, cán bộ kỹ thuật trực tiếp lao động sản xuất; biểu dương và tổ chức tôn vinh cán bộ công đoàn cơ sở đạt thành tích xuất sắc trong công tác hoạt động công đoàn…
Từ năm 2005 đến 2009, Tổng LĐLĐ Việt Nam được tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng lần thứ hai. Chủ tịch nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho hai tập thể; tặng Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động các hạng cho 379 tập thể, cá nhân; Cờ thi đua cho 29 lượt đơn vị; Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho tám cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen 523 tập thể, cá nhân. Tổng Liên đoàn đã tặng 3.260 Cờ thi đua cho các tập thể; 21 nghìn 782 Bằng khen cho các tập thể, cá nhân…
Nữ CNVCLĐ là bộ phận của giai cấp công nhân Việt Nam và là lực lượng nòng cốt trong phong trào phụ nữ cả nước.
Trong suốt chặng đường 81 năm xây dựng và trưởng thành, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn luôn quan tâm đến công tác vận động nữ CNVCLĐ, trực tiếp vận động nữ CNVCLĐ, thực hiện đường lối phụ vận của Đảng trong CNVCLĐ. Trước yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới, năm 1989, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phát động phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ. Đây là phong trào thi đua mang đặc thù giới xuyên suốt quá trình hoạt động nữ công của các cấp công đoàn từ năm 1989 đến nay.
Trong năm năm qua, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã động viên nữ CNVCLĐ phát huy tiềm năng trí tuệ, lao động giỏi, lao động sáng tạo, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu kinh tế – xã hội của đất nước, xây dựng người nữ CNVCLĐ yêu nước, có tri thức, có sức khỏe, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng và tập hợp đông đảo nữ CNVCLĐ ở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia phong trào, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam và tổ chức công đoàn vững mạnh.
Thực hiện thi đua “Giỏi việc nước”, nữ CNVCLĐ đã tích cực tham gia thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với năng suất, chất lượng, hiệu quả trên các lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh trực tiếp; quản lý, điều hành; nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; giáo dục, đào tạo; văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; y tế; an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Thông qua thi đua, đội ngũ cán bộ nữ từng bước được phát triển. Nhiều chị đảm trách các chức vụ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội, doanh nghiệp… đã phát huy được năng lực, trình độ của mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Trong 5 năm qua, có ba tập thể, sáu cá nhân nữ được nhận giải thưởng Kovalepxcaia; 17 tập thể, 36 cá nhân nữ được nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam; 5 tập thể, 19 cá nhân nữ được nhận giải thưởng Quỹ “Hỗ trợ tài năng sáng tạo nữ Tổng Liên đoàn”, 269 chị được nhận Giải thưởng VIFOTEC, 109 chị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng LLVTND, 372 nghìn 698 chị được công nhận Chiến sĩ thi đua các cấp. Cùng với thi đua “Giỏi việc nước” chị em cũng tích cực tham gia thi đua “Đảm việc nhà”. Nữ CNVCLĐ trên khắp cả nước đang hằng ngày đóng góp công sức trí tuệ vào công cuộc xây dựng đất nước và xây dựng hạnh phúc trong mỗi gia đình. Với đức hy sinh, bản tính cần cù, chịu khó, giàu tình thương và tấm lòng nhân hậu, các chị đang là những người quyết định hạnh phúc trong mỗi gia đình. Các chị mang trong mình trách nhiệm cao cả là người con gái hiếu thảo của cha mẹ, người con dâu thảo hiền, người vợ thủy chung, người mẹ mẫu mực. Năm năm qua, có 1 triệu 472 nghìn 526 chị đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” cấp cơ sở; 238 nghìn 102 chị đạt danh hiệu cấp tỉnh, ngành và 82 nghìn 537 chị đạt danh hiệu cấp Tổng Liên đoàn; có 36 tập thể được tặng cờ, 245 tập thể, 300 chị được tặng Bằng khen của Tổng Liên đoàn.
Phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ và phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” những năm qua đã có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của CNVCLĐ, góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh, xứng đáng là lực lượng tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới; là nền tảng xã hội quan trọng của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần trực tiếp, to lớn vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước…
Tuy nhiên, công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước trong tổ chức công đoàn và CNVCLĐ còn bộc lộ một số hạn chế: Một số nơi nhận thức chưa đầy đủ về công tác thi đua khen thưởng; phong trào thi đua phát triển chưa rộng khắp và liên tục, nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức; việc khen thưởng có lúc chưa kịp thời, chính xác; hình thức, nội dung và phương pháp tổ chức thi đua chậm được đổi mới; công tác chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua chưa kịp thời và thường xuyên; các cấp công đoàn chưa quan tâm đúng mức công tác bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến…
Để thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 của Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước trong những năm tới, các cấp công đoàn cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Quán triệt nội dung công tác thi đua, khen thưởng theo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và tinh thần Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị, thực hiện tốt Luật Thi đua Khen thưởng. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của tổ chức công đoàn theo hướng thiết thực, sâu rộng, hiệu quả, khắc phục bệnh thành tích và hình thức. Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ, trọng tâm là phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”; phát triển và nâng cao chất lượng các phong trào hiện có như “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Thi đua phục vụ CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “Thi đua học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”, “Xanh – sạch – đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”; cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” gắn với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng nếp sống văn hóa trong CNVCLĐ. Chú trọng tổng kết xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong CNVCLĐ; quan tâm giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của CNVCLĐ và hợp tác tốt với tổ chức công đoàn. Đổi mới nội dung, hình thức và cải tiến thủ tục, quy trình xét khen thưởng, thực hiện công khai, dân chủ, kịp thời và bảo đảm tính nêu gương, giáo dục trong khen thưởng; xây dựng tiêu chuẩn thi đua phù hợp từng đối tượng và đặc điểm riêng của từng ngành, địa phương, đơn vị bảo đảm nguyên tắc khen thưởng chính xác, công khai, công bằng; tổ chức nhiều hình thức thi đua phong phú theo khối, cụm, theo tính chất ngành nghề và địa bàn…
Ý kiến ()