Tôn vinh áo dài Việt Nam qua câu chuyện của hiện vật
Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và hưởng ứng Tuần lễ áo dài do Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức tiếp nhận hiện vật, hình ảnh, tài liệu với chủ đề “Ký ức và di sản”. Hơn 20 bộ áo dài, gần 400 bức ảnh thể hiện vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam được bảo tàng lưu giữ sẽ góp phần quảng bá và lan tỏa giá trị di sản văn hóa áo dài dân tộc.
Tham dự buổi lễ tiếp nhận, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hai bộ áo dài đã mặc khi dự lễ trao quyết định bổ nhiệm đại sứ, đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc và tại lễ trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun vào năm 2014. Bà Nguyễn Phương Nga chia sẻ: “Đây là hai bộ áo dài gắn bó thân thiết với tôi, nhắc nhở tôi đại diện cho đất nước và phụ nữ Việt Nam. Tôi luôn tự hào, vinh dự và tự tin mặc áo dài khi tham gia các sự kiện quốc tế và ngoại giao. Chiếc áo dài thể hiện truyền thống và văn hóa của Việt Nam được bạn bè quốc tế vô cùng yêu mến”.
Tham dự buổi lễ tiếp nhận có rất nhiều gương mặt trẻ của các nhà thiết kế thời trang đến từ các vùng, miền trên cả nước. Yêu quý, trân trọng tà áo dài truyền thống, trong trang phục áo dài, các nhà thiết kế đã trao tặng 20 bộ áo dài trong bộ sưu tập 1.000 áo dài đã được giới thiệu tại buổi trình diễn “Áo dài – di sản văn hóa Việt Nam” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám năm 2020. Lấy cảm hứng từ những di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận như: Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Quần thể di tích Mỹ Sơn, Thành Nhà Hồ, Phố cổ Hội An, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… các nhà thiết kế Vũ Trần Đức Hải, Trịnh Bích Thủy, Hà Duy, Lan Hương, Ngọc Hân đã thể hiện sống động và tinh tế những đường nét, họa tiết, hoa văn, tôn vinh vóc dáng, vẻ đẹp thanh lịch, duyên dáng của người phụ nữ, góp phần định danh tà áo dài Việt Nam.
Chọn hội họa làm cảm hứng thiết kế cho bộ sưu tập áo dài “Nhã nhạc cung đình Huế” và khai thác chất liệu truyền thống như voan, gấm, lụa kết hợp kỹ thuật in chuyển nhiệt, nhà thiết kế áo dài Đặng Thị Ngọc Hân, Hoa hậu Việt Nam năm 2010 đã đưa những bức tranh của họa sĩ Phạm Trinh lên tà áo dài. Tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam một bộ áo dài trong bộ sưu tập áo dài “Nhã nhạc cung đình Huế”, Đặng Thị Ngọc Hân chia sẻ: “Từng nghiên cứu, tìm hiểu về Nhã nhạc cung đình Huế, lại được sự hợp tác, truyền cảm hứng và ý tưởng từ những bức tranh về Nhã nhạc cung đình Huế của hoạ sĩ Phạm Trinh, tôi đã thiết kế nên bộ sưu tập áo dài “Nhã nhạc cung đình Huế”, mong muốn giới thiệu nét đẹp văn hóa, phong cách sống cũng như những giá trị nhân văn đậm chất cung đình Huế đến công chúng và bạn bè quốc tế thông qua tà áo dài”.
Có thể nói, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã đưa công chúng tiếp cận tà áo dài ở một góc nhìn khác, thông qua câu chuyện riêng của những người đã mặc chiếc áo dài trong các bối cảnh khác nhau, khắc họa rõ nét hơn vai trò của người phụ nữ cũng như vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam. Đối với nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành, trong buổi lễ tiếp nhận hiện vật chủ đề “Ký ức và di sản”, ông đã trân trọng trao tặng gần 400 bức ảnh ông chụp về phụ nữ Việt Nam trong lao động và cuộc sống thường ngày, trong tà áo dài, trong trang phục truyền thống, trang phục dân tộc cũng như nhiều bức ảnh đẹp về phong cảnh đất nước, làng nghề, địa danh. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện kể về người phụ nữ ở mọi miền đất nước. Là phóng viên chiến trường, đi nhiều, sáng tác nhiều, ông quyết định trao tặng những đứa con tinh thần này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với hy vọng bảo tàng sẽ lưu giữ và phát huy các giá trị của những bức ảnh này. Xúc động đón nhận hiện vật và tình cảm của các vị khách, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Hải Vân cho biết: Những hình ảnh, hiện vật các tổ chức, cá nhân trao tặng góp phần làm dày dặn thêm kho tư liệu của bảo tàng, đồng thời phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm và quảng bá văn hóa, di sản gắn với người phụ nữ Việt Nam, góp phần khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản văn hóa trong mỗi người dân.
Những kỷ vật, hiện vật được trao tặng chính là trải nghiệm của mỗi cá nhân, góp phần tạo dựng và gìn giữ hình ảnh đất nước giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Hình ảnh áo dài đã trở thành biểu tượng của bản sắc, tinh thần và văn hóa Việt Nam, không chỉ tôn vinh và ca ngợi vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam mà còn chứa đựng trong mỗi tà áo là câu chuyện văn hóa. Những hiện vật được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ chuyển tải giá trị và thông điệp văn hóa, giúp công chúng trong nước và ngoài nước thêm hiểu, thêm yêu tà áo dài Việt Nam.
Ý kiến ()