Tốn tiền, hại trẻ
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lê Văn Tám (TP Lạng Sơn) trong giờ tập viết |
Nở rộ dạy thêm cho trẻ 5 tuổi
Mùa hè oi ả, chưa đến 6 giờ sáng, ông Đặng Quang H, khối Hoàng Hoa Thám, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn đã gọi cháu: “Dậy nhanh để đi ăn sáng, còn đi học…”. Đang ngủ dở mắt, thằng bé mếu máo: “Con không đi học nữa đâu, chán lắm…”. Thấy thế tôi chạy sang: “Đang kỳ nghỉ hè, cháu còn đi học gì nữa…”. Ông giải thích rằng, nghe tư vấn, gia đình đã đăng ký cho cháu đến nhà cô A, cho cháu học thêm. Chuẩn bị vào lớp 1 rồi mà viết chữ a, chữ ô vẫn chưa ra hồn, khi vào lớp 1 làm sao theo kịp. Thôi thì chịu bỏ ra 1,1 triệu đồng/tháng cho cháu đi học hè vẫn yên tâm hơn. Gần 1 tuần sau, tôi sang xem vở tập viết của cháu, chỉ vẻn vẹn có 2 trang, trang 1 tập viết chữ o theo mẫu của cô giáo, được cô cho 8 điểm, trang thứ 2 viết chữ ô, được cô cho 10 điểm.
Chị Trần Thanh Ch. ở khối Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn có đứa con trai đã “tốt nghiệp lớp lá” cũng cho con đi học thêm tại nhà cô giáo tiểu học trên địa bàn. Chị nói rằng, cháu đã biết 29 chữ cái Tiếng Việt, biết đọc chữ chạy trên ti vi, song chữ viết vẫn “chưa chuẩn”. Thôi thì bỏ ra 2,5 triệu đồng/tháng cho cháu học bán trú, vừa là tiền ăn, phí trông trẻ vừa là học thêm.
Không cho cháu đi “học thêm” tại các cơ sở mà ông Hoàng Văn T. thuê hẳn một giáo viên tiểu học có tiếng về luyện chữ đẹp và dành riêng 1 phòng trên tầng 3 để cô giáo luyện chữ cho đứa cháu đích tôn của mình. Ông nói: “ Tôi trả cho cô giáo 100 ngàn đồng/ buổi trong 2 tháng hè để rèn viết và rèn đọc nhằm tạo cho cháu có chút “vốn” trước khi vào lớp 1. Có học vẫn hơn chú ạ”.
Theo phản ánh của người dân, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có khoảng 12-15 cơ sở dạy thêm cho trẻ trước khi vào lớp 1 với quy mô từ 15-20 trẻ mỗi cơ sở, tất cả đều dạy ở nhà riêng. Khi tìm hiểu, chúng tôi được một cô giải thích: em làm theo nhu cầu của bà con khối phố, đây không phải là lớp dạy thêm mà thực sự chỉ là dịch vụ trông trẻ trong hè. Vì ngoài số cháu 5 tuổi được rèn luyện về chữ viết và tập đọc, “lớp” của em có cả các cháu 3-4 tuổi. Trò chuyện với chúng tôi, một cô giáo nói rằng: nói gì thì nói, bước vào lớp 1 mà chưa biết đọc, biết viết sẽ là một thiệt thòi lớn. Khi ấy, không những bản thân các cháu sẽ thiếu tự tin so với bạn bè mà nhiều khi còn không theo kịp chương trình học vì đã “đuối” ngay từ đầu.
Lợi bất cập hại
Ở lớp mẫu giáo 5 tuổi, trẻ đã biết và làm quen với các chữ cái thông qua chuyên đề “Làm quen với văn học và chữ viết”. Vì thế không nên dạy cho trẻ 5 tuổi biết đọc, biết viết mà hãy để việc đó cho chương trình lớp 1. Chỉ thị số 2325/CT-GD&ĐT, ngày 28/6/2013 của Bộ GD&ĐT đã cấm tuyệt đối không được dạy học trước chương trình lớp 1; thay vào đó là cần dạy cho trẻ biết nghe lời, uốn nắn từ nết ăn, nết ngủ và cách giao tiếp với những người xung quanh, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ khi bước vào lớp 1. Để thực hiện tốt Chỉ thị này, ngành GD&ĐT cần chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra thường xuyên, nghiêm ngặt và có hình thức xử lý đối với những cơ sở dạy thêm trước khi vào lớp 1. Các bậc phụ huynh đừng vì quá lo lắng cho con em mình mà gửi con vào các lớp học thêm. Chỉ nhìn thấy hiệu quả trước mắt là con em mình đã đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1 mà không biết rằng đó là sự đi ngược quy luật phát triển của trẻ. Hãy để con mình hưởng những ngày hè vui vẻ và sẽ viết những nét chữ đầu tiên khi đã là học sinh lớp 1. Sự thích thú tự hào của các cháu khi trở thành học sinh lớp 1 sẽ kích thích sự phát triển của trẻ.
Ý kiến ()