Thứ 7, 23/11/2024 21:32 [(GMT +7)]
Tôi vốn là người nông dân
Chủ nhật, 26/12/2010 | 10:46:00 [(GMT +7)] A A
“Tôi cảm ơn những cánh đồng, ruộng lúa đã cho tôi ý chí; cảm ơn ngọn núi Thiên Thai đã nuôi lớn những ước mơ; cảm ơn hai từ “nông dân” đã cho tôi thói quen: Chỉ ham việc chứ không ham chơi…”. Đó là mấy lời tâm sự của Anh hùng Lao động, Đại tá Phan Duy Thường, nguyên Giám đốc Nhà máy Z111 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng)…
Những sáng kiến từ quyết tâm đánh giặc
Tôi vào Nhà máy Z111 ở Thanh Hóa tìm gặp Đại tá Phan Duy Thường thì được tin ông mới nghỉ hưu và đã chuyển ra Hà Nội sinh sống. Quay ngược trở ra Hà Nội thì lại được tin ông vừa vào nhà máy theo lời mời tham gia tư vấn cho một công trình nghiên cứu khoa học của ngành quân giới… Cứ thế, phải năm, bảy lần liên lạc nữa tôi mới gặp được ông ở Hà Nội trong căn nhà mới xây.
– Mình muốn sống trong khu tập thể của nhà máy tại thành phố Thanh Hóa cho đông vui, gần anh em đồng chí, đồng đội, nhưng rồi vì con, vì cháu nên mới dồn hết gia tài, kể cả tiền hồi môn của bà xã mua mảnh đất “rộng” hơn 40m 2này. Tôi phải nói thế, sợ có người nghĩ: Tôi làm giám đốc một nhà máy lớn tới gần chục năm chắc cũng có của ăn, của để…
Tiếp tôi trong căn nhà nhỏ ở xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội, ông Thường bắt đầu câu chuyện như thế. Bằng chất giọng ấm, đặc trưng của vùng đất Kinh Bắc, ông Thường chậm rãi kể:
– Tôi quê gốc ở xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh-nơi có núi Thiên Thai nổi tiếng trong câu ca dao “Trèo lên trái núi Thiên Thai, thấy đôi loan phượng ăn xoài bể Đông”. Năm 1966, khi tôi đang học lớp 8 (hệ 10 năm) thì Cục Quân giới vào trường tuyển học sinh để đào tạo kỹ sư quân giới. Cả huyện Gia Bình chỉ có tôi và một người nữa trúng tuyển. Tròn 18 tuổi, bước chân vào quân đội, đúng lúc cả nước đang dấy lên các phong trào thi đua học tập, rèn luyện, sản xuất giỏi để góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, tôi chỉ nghĩ: Mình phải học thật giỏi để tự tay làm được những khẩu súng, pháo có tính năng chiến đấu cao, góp phần tạo nên chiến thắng ngoài chiến trường, giảm bớt thương vong cho bộ đội…
…
Trở thành kỹ sư vũ khí, ông Thường về nhận công tác tại Nhà máy Z111 vào đầu năm 1969. Khi đó, các nhà máy quân giới đều đang lao động với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, chàng kỹ sư trẻ Phan Duy Thường được tham gia ngay vào nhóm nghiên cứu chế thử súng trung liên RPK và tham gia sản xuất hàng loạt vũ khí như: B40, cối 60, K63, AK47…
Anh hùng Lao động, Đại tá Phan Duy Thường cùng cháu nội. |
Ông Thường bồi hồi nhớ lại:
– Hồi ấy, không riêng tôi mà toàn bộ kỹ sư, công nhân nhà máy đều hăng say tìm tòi học hỏi và lao động không biết mệt mỏi. Ngày 2-9-1969, tôi vinh dự được mang khẩu súng trung liên RPK đầu tiên do nhà máy sản suất từ Yên Bái về Hà Nội báo cáo với Cục Quân khí. Sáng 3-9, khi chuẩn bị bắn thử nghiệm thì chúng tôi nhận được tin Bác Hồ từ trần. Chúng tôi đau đớn lặng đi, tiếc thương Bác vô cùng! Thế là Bác không còn được nghe những tin chiến thắng có sự góp công của những khẩu súng, pháo do chúng tôi làm ra… Kết quả bắn thử nghiệm, súng trung liên RPK do nhóm kỹ sư trẻ Nhà máy Z111 sản xuất đều đạt các tiêu chuẩn tương đương với súng do Liên Xô chế tạo. Ngay sau đó, loại súng này được sản xuất hàng loạt, kịp thời chuyển vào chiến trường miền Nam phục vụ bộ đội chiến đấu. Chúng tôi coi đây là món quà dâng tặng Bác trước lúc Người đi xa…
Từ thành công ban đầu đó, kỹ sư Phan Duy Thường tiếp tục được nhà máy giao nhiệm vụ chủ trì các đề tài thiết kế, chế tạo nhiều loạt sản phẩm mới. Những sản phẩm mang nhãn hiệu Việt Nam TUL-1 liên tục được xuất xưởng phục vụ chiến trường. Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không (năm 1972) các sản phẩm TUL-1 vẫn liên tục ra đời ngay trong tiếng gầm rú của máy bay B52. Đặc biệt, sáng kiến “Cải tiến thiết kế súng tiểu liên AK47 khắc phục triệt để hiện tượng hóc đạn khi bắn” phát huy hiệu quả trong chiến đấu và huấn luyện.
Ham việc chứ không ham chơi
Vuốt mái tóc đã ngả màu muối tiêu, ông Thường chậm rãi:
– Tôi xuất thân từ người nông dân, rồi trở thành kỹ sư, nhà nghiên cứu khoa học… chặng đường đi ấy không phải dễ dàng gì, nhưng bù lại, chính phẩm chất người nông dân đã cho tôi sự đam mê, khát khao và nhất là đức tính: Ham việc chứ không ham chơi.
Trò chuyện với ông, tôi được biết: Đầu năm 2001, ông được Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng giao trọng trách đảm nhiệm cương vị Giám đốc Nhà máy Z111. Thời điểm ấy, Nhà máy Z111 bước vào giai đoạn đầy biến động: Sáp nhập, thay đổi bộ máy lãnh đạo, triển khai nhiều dự án lớn…
– Việc đầu tiên trên cương vị lãnh đạo, tôi tiến hành củng cố, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ đơn vị và tranh thủ tối đa sự hỗ trợ từ bên ngoài. Thời gian đó, cùng với việc nghiên cứu khoa học, tôi cũng tìm mọi cách tổ chức lại sản xuất; xây dựng nhà máy sát tình hình nhiệm vụ và xu thế phát triển của xã hội. Cũng nhờ đó, sản xuất kinh doanh của nhà máy bắt đầu đạt hiệu quả cao. Từ chỗ thiếu việc làm, nhà máy đã chủ động bảo đảm sản xuất.
Nói tới đây, ông Thường dừng lại rồi mở cho tôi xem những bản báo cáo hằng năm của nhà máy mà ông vẫn còn lưu giữ được: Năm 2001 tăng trưởng 13% so với năm 2000; Năm 2002 tăng trưởng 37% so với năm 2001; Năm 2003 tăng trưởng 26% so với năm 2002…”.
Ông Thường giải thích nhưng cũng để minh chứng cho sự phát triển của nhà máy:
– Năm 2001, nhà để xe của nhà máy gần 1000 công nhân chỉ toàn xe đạp, chỉ có khoảng hơn chục chiếc xe máy. Đến năm 2007, trước khi tôi về nghỉ hưu thì đã không còn ai đến nhà máy bằng xe đạp khi đi làm, thậm chí nhiều người còn mua được ô tô từ chính tiền lương, tiền thưởng của mình.
Hơn 7 năm giữ cương vị giám đốc, không chỉ đứng đầu trong đội ngũ kỹ sư có tay nghề kỹ thuật cao, ông Thường còn nổi tiếng với cách dùng người. Trao đổi kinh nghiệm với tôi, ông kể:
– Từ 2002, chúng tôi bắt đầu chuyển các thợ đầu ngành sang làm kiểm nghiệm viên; đồng thời giao cho các đồng chí này kiêm thêm chức năng hướng dẫn, thậm chí điều chỉnh người thợ. Cách làm này tạo nên mối quan hệ gắn kết giữa người thợ đội ngũ kiểm nghiệm viên và cán bộ kỹ thuật. Hoạt động của bộ ba này không chỉ giúp nhà máy giảm gần như triệt để hiện tượng hỏng phẩm hàng loạt; mà còn là biện pháp hữu hiệu nâng cao trình độ, rèn luyện tay nghề cho người lao động. Họ mạnh hơn, chủ động hơn, nên năm nào cũng có hàng trăm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đề xuất và áp dụng. Bài học kinh nghiệm của chúng tôi là lãnh đạo các cấp phải gần gũi người lao động và sát với công việc. Chỉ có gần người lao động và sâu sát với công việc mới có thể hiểu cặn kẽ về công việc để từ đó có các quyết định nhanh chóng, chuẩn xác. Các quyết định chuẩn xác càng làm người lao động tin tưởng và ủng hộ. Trao đổi trực tiếp với người lao động không những truyền đạt được cặn kẽ ý tưởng của mình, mà quá trình trao đổi cũng là một quá trình tự bổ sung kiến thức kinh nghiệm hiệu quả nhất.
Một trong những kỷ niệm mà ông Thường không thể quên, đó là vào năm 2005, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành quân giới. Khi tham quan gian trưng bày sản phẩm của Nhà máy Z111, nhìn các loại súng, pháo… mang thương hiệu Z111 và nghe giới thiệu tính năng của các loại sản phẩm, các cựu chiến binh thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của ngành Quân giới tỏ ra rất xúc động, nhiều người hôm đó bật khóc và nói: “Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng mình (ngành quân giới Việt Nam) với điều kiện, phương tiện kỹ thuật còn nhiều hạn chế lại có thể sản xuất được những loại vũ khí có tính năng chiến đấu hiện đại như thế..”.
Đến giờ, tuy đã nghỉ hưu, nhưng ông Thường vẫn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, cải tiến nhiều loại vũ khí. Cứ có ý tưởng gì mới, ông lại trực tiếp trao đổi với đội ngũ kỹ sư của nhà máy. Ông tâm sự:
– Tôi vinh dự được gắn bó với một tập thể có một truyền thống đáng tự hào như Nhà máy Z111, được nhiều thế hệ cha anh dìu dắt giúp đỡ và được tập thể quan tâm tạo điều kiện bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cả ở trong nước và nước ngoài. Tôi thấm thía sâu sắc rằng, từng bước trưởng thành của mình đều mang nặng nghĩa tình đồng chí đồng đội, là thành quả mà chúng tôi được hưởng từ sự hy sinh cao cả của bao thế hệ người Việt Nam. Để đền đáp những công ơn trời biển đó và xứng đáng với truyền thống anh hùng của các thế hệ cha anh, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của ngành quân giới, thì việc nỗ lực phấn đấu xây dựng đơn vị góp phần xây dựng nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam theo đường lối đổi mới của Đảng trong giai đoạn hiện nay không chỉ là trách nhiệm mà còn là vinh dự lớn lao đối với thế hệ chúng tôi.
Gần 40 năm gắn bó với Nhà máy Z111, trải qua nhiều chức vụ, Đại tá Phan Duy Thường đã có hàng trăm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; chủ nhiệm hàng trăm đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ Quốc phòng về các sản phẩm quân khí. Với những đóng góp đối với sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam, Đại tá Phan Duy Thường vinh dự được Đảng, Nhà nước, quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Anh hùng Lao động; Huân chương Chiến công hạng nhì; Bằng Lao động sáng tạo; Chiến sĩ Thi đua toàn quân; Chiến sĩ Quyết thắng…
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()