Thứ 4, 01/01/2025 07:40 [(GMT +7)]
Tội phạm trong thanh thiếu niên- vấn đề nhức nhối của xã hội
Thứ 5, 15/07/2010 | 10:06:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Trong những năm gần đây, việc thanh thiếu niên phạm tội có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt là các vụ giết người xảy ra do mâu thuẫn nhỏ nhặt, bột phát, do uống rượu bia hoặc do va chạm giao thông…những mâu thuẫn hoàn toàn có thể hóa giải nếu người ta đặt tình đồng loại lên trên hết.
Điểm lại những vụ việc đau lòng
Đã gần nửa năm trôi qua, song người dân khu Nam Quan, thị trấn Đồng Đăng vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại chiều mồng 4 tết Canh Dần ( ngày 17/2/2010) khi Phạm Tuấn Ngọc sinh năm 1991 đã dùng dao đâm chém chết mẹ đẻ và chị gái ruột của mình, đồng thời chém trọng thương bố đẻ, chú và dì ruột. Sự việc đã “ lỡ”, Ngọc dùng dao tự sát song do được cấp cứu kịp thời nên không chết. Nguyên nhân chính chỉ là bị mẹ mắng chửi vì tụ tập chơi bời rượu chè trong ngày tết. Tất cả chỉ có vậy, nếu Ngọc bực bội bỏ ra chỗ khác, hoặc lặng im chịu sự chửi mắng, thì đã không có hành động thiếu kiểm soát, dẫn đến mất hết tính người. Có vụ giết chết chú ruột của mình chỉ vì chú không cho vay tiền lại còn nói những lời “ khó nghe”… và nhiều vụ khác.
Điều đáng chú ý là thủ phạm của những vụ trọng án thường trong độ tuổi thanh thiếu niên. Phần lớn sinh trong các năm từ 1988- 1995; song cá biệt vẫn có những vụ mà thủ phạm chỉ mới 14 hoặc 15 tuổi như trường hợp Lý Văn Quỳnh và Lý Văn Trường ở xã Đội Cấn ( Tràng Định) phạm tội giết người, cướp tài sản.
Về tính chất phạm tội, hầu hết tội phạm trong độ tuổi thanh thiếu niên thường phạm tội ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, dùng hung khí và công cụ hỗ trợ như dao kiếm, dùi cui điện; hành động điên cuồng, rất dã man, không chỉ đâm chém một lần mà nhiều lần; vì vậy thường dẫn đến những cái chết thảm thương của nạn nhân.
Không chỉ là hành động bột phát của một vài cá nhân; mà gần đây còn có hiện tượng thanh thiếu niên tụ tập đông người, có chuẩn bị trước để thanh toán nhau như vụ xảy ra hồi 21h10 ngày 1/7/2010, công an đã bắt giữ 11 đối tượng, trong đó có Đoàn Đức Định, sinh năm 1992 trú tại Phường Tam Thanh, Thi Minh Tuấn, sinh năm 1991 và Giang Văn Đạt sinh năm 1994 đều trú tại thị trấn Cao Lộc đã gây ra cuộc ẩu đả chém trọng thương Hoàng Xuân Hòa trú tại xã Hoàng Đồng. Hung khí thu giữ gồm 6 con dao, 2 xẻng, 3 chai xăng, xe máy đã che biển số…
Trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội
Không “ giữ” được con, mặc cho chúng “ muốn làm gì thì làm”. Đó là tình cảnh chung của các gia đình có con phạm tội. Sự buông xuôi cùng với những tiếng thở dài ngao ngán vì đã “ sinh ra nghịch tử”…khi con đã chết hoặc ra tòa lĩnh trọng án, các bậc cha mẹ thường “ tự bào chữa” như vậy. Song nếu có một chút ân hận về cách giáo dục và quản lý con cái, thì sẽ không bao giờ còn cơ hội nữa. Không được giáo dục theo nếp ngay từ đầu, một dấu hiệu nhỏ không được cảnh báo răn đe, tất dẫn đến hậu quả khó lường.
Vẫn biết là nhà trường có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành nhân cách học sinh, song với áp lực rất “ nặng” của chương trình, đối với số học sinh quá đông, các thầy cô giáo truyền đạt “ đủ” kiến thức văn hóa theo quy định đã là sự cố gắng. Vì vậy việc giáo dục đạo đức có phần sao nhãng hoặc được thực hiện không đầy đủ. Một điều đáng lưu ý là không chỉ ngoài xã hội, mà ngay còn đang ngồi trên ghế nhà trường, đã có nhiều trường hợp học sinh tụ tập, mang hung khí nhằm “ giải quyết mâu thuẫn” bằng cách thanh toán nhau. Đây không còn là vấn đề dạy- học nữa, mà là vấn đề quản lý.
Có lẽ mặt trái của cơ chế thị trường có tác động mạnh mẽ nhất đối với sự hình thành nhân cách thanh thiếu niên hiện nay. Một xã hội phát triển theo “ hướng mở”, mà trong đó mỗi cá nhân đều chịu sự tác động không nhỏ của cộng đồng, nếu không có định hướng tốt, thanh thiếu niên rất dễ tiếp thu những điều không tốt và dẫn đến hành động trái với đạo đức truyền thống. Khi căn “ bệnh” vô cảm dần hình thành tất dẫn đến có hành động xâm phạm, thậm chí dễ dàng tước đi mạng sống của người khác. Các điểm Intenet đầy những cảnh làm tình, các game đầy tính bạo lực…Với đặc điểm tâm sinh lý của mình, thanh thiếu niên rất dễ lấy những hình ảnh đó làm “ khuôn mẫu” cho chính mình.
Trên thực tế, hành động phạm tội của thanh thiếu niên rất ngắn, song nó là kết quả tổng hợp của một quá trình. Hầu hết đều học hành dở dang, hoặc học kém, đi lang thang, tụ tập rượu chè, uống rượu bia, dẫn đến phạm trọng tội. Vì vậy giáo dục thanh thiếu niên không chỉ là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, mà xã hội, nhất là các tổ chức đoàn thể cần đặc biệt quan tâm.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()