Thứ 2, 18/11/2024 06:01 [(GMT +7)]
Tội phạm mua bán người: Dự luật cần sát thực tiễn
Thứ 3, 13/07/2010 | 14:47:00 [(GMT +7)] A A
Dự thảo Luật phòng chống mua bán người đang được nhiều người kỳ vọng trở thành ba-ri-e trong trận tuyến đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người, đang ngày càng diễn tiến theo chiều hướng phức tạp. Song các “thanh chắn” của ba-ri-e này cần bảo đảm các yếu tố phù hợp với thực tiễn để có thể phát huy hiệu quả khi đưa vào cuộc sống.
Cần tính đến yếu tố giới tính
Hiện nay, về cơ bản công tác nắm tình hình, thu thập số liệu , thống kê , nghiên cứu về vấn đề phòng, chống mua bán người ở Việt Nam hầu hết chưa được tiếp cận và phân tích từ góc độ giới. Dù đối tượng bị mua bán và tội phạm mua bán người đều do cả hai giới thực hiện, tuy nhiên nguyên nhân, mục đích và những tổn hại về tâm sinh lý của hai giới là khác nhau.
Trên thực tế, đối tượng bị mua bán chủ yếu vẫn là phụ nữ và trẻ em gái nhằm mục đích phục vụ cho các hoạt động mại dâm, kết hôn và bóc lột sức lao động. Song không chỉ có phụ nữ mà nam giới cũng đã và đang trở thành nạn nhân bị mua bán với mục đích chính là để bóc lột lao động (đối với nam giới trong độ tuổi lao động) và làm con nuôi (đối với trẻ em nam).
Chính định kiến giới nặng nề còn tồn tại trong xã hội, tình trạng mất cân bằng về giới tính ở một số nơi đến cũng như tình trạng bất bình đẳng giới khiến cho ngày càng có nhiều trẻ em gái và phụ nữ trẻ bị các má mỳ thời hiện đại mang đi mua bán như một loại hàng hóa đặc biệt.
Trong khi đó việc mua bán người, đặc biệt là mua bán người qua biên giới lại thường đem lại lợi nhuận đáng kể, có sức hấp dẫn rất lớn đối với những ai đang khao khát kiếm tiền bằng mọi giá và làm giàu nhanh chóng. Và tội phạm mua bán người thường do cả hai giới thực hiện.
Điều đặc biệt là trong số tội phạm mua bán người có rất nhiều trường hợp họ từng là nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, sau đó lại quay về nước dụ dỗ, lừa gạt những phụ nữ và trẻ em gái khác, thậm chí có trường hợp còn lừa bán cả người thân thích (con gái, em gái, cháu gái) để bán ra nước ngoài kiếm tiền. Đây là điều rất đáng buồn và cần có sự phối hợp thực hiện giữa các cơ quan để nạn nhân không quay trở lại con đường mà họ trải qua bằng cách biến mình thành tú bà.
Dù là nam giới hay nữ giới, khi bị trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người đều bị tổn thương song so với nạn nhân là nam giới, nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái thường bị tổn thương nặng nề hơn cả về thể chất và tâm lý, do đó quá trình phục hồi của họ cũng lâu hơn và khó khăn hơn.
Việc hỗ trợ cho nạn nhân nữ do vậy cũng đòi hỏi phải được quan tâm nhiều hơn ở cả góc độ đầu tư kinh phí và nguồn nhân lực, đặc biệt là các cán bộ xã hội có kiến thức về bình đẳng giới và kỹ năng giao tiếp, làm việc với nữ giới.
Tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng ngừa cũng như đưa ra các chế tài xử lý, hỗ trợ nạn nhân căn cứ vào yếu tố giới tính một cách hợp lý sẽ giúp cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người ở nước ta hiệu quả hơn.
Hỗ trợ nạn nhân – làm sao để khỏi “lọt”
Mặc dù dự thảo Luật phòng chống mua bán người đã được Bộ Tư pháp tiến hành thẩm định hôm 5-7 nhưng còn nhiều vấn đề vẫn cần được tiếp tục hoàn thiện, trong đó có vấn đề về cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Bởi nếu các quy định không được “chuốt” cho phù hợp thực tiễn thì sẽ rất khó phát huy hiệu quả sau này.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TƯ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam), nếu quy định như dự thảo lần thứ bẩy, Luật phòng chống mua bán người là chỉ cung cấp các hoạt động hỗ trợ cho những nạn nhân (đã được tiếp nhận) hoặc người cần được xác minh là nạn nhân bị mua bán thì sẽ bỏ “lọt” một số lượng lớn những nạn nhân thực sự.
Cùng quan điểm này, ông Lê Văn Chương – Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 130/CP – cho rằng, không nên “bó hẹp” chỉ hỗ trợ cho nạn nhân trong các vụ án (đã được đưa vào quá trình tố tụng). Nhiều vụ án mua bán người dù chưa khởi tố nhưng chắc chắn vẫn có nạn nhân và họ cũng cần hỗ trợ để tái hòa nhập cộng đồng.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm, cơ quan chức năng xử lý 350-400 vụ MBN với gần 1.000 nạn nhân. Nhưng có tới 60% nạn nhân bị mua bán tự giải thoát, tự trở về mà không làm thủ tục khai báo, đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, tính đến tháng 5– 2010 số nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về là 3.190 trường hợp, trong số đó 60% nạn nhân tự trở về, 25% được giải cứu, 15% tiếp nhận chính thức. |
Mặc dù, các nạn nhân bị mua bán trở về thì cần có cơ sở hỗ trợ của Nhà nước, song theo Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg (ngày 29-1-2007) của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoàiđã cho phép thành lập các cơ sở hỗ trợ nạn nhân từ nước ngoài trở về.
Do vậy, có ý kiến cho rằng, đối với nạn nhân và người cần được xác minh là nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về hay bị mua bán trong nước thì sau khi làm thủ tục ở UBND cấp xã mà có lý do chính đáng chưa thể về nơi cư trú thì nên đưa họ vào các cơ sở này, chứ không nên đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) vì những người này không thuộc đối tượng của Trung tâm BTXH.
Hơn nữa, không ít ý kiến cũng cho rằng, việc thành lập các cơ sở hỗ trợ với chức năng cụ thể sẽ tránh được sự “đùn đẩy” trách nhiệm, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan tiếp nhận nạn nhân khi chuyển giao nạn nhân và kiểm soát được vấn đề tài chính trong hoạt động này.
Bà Nguyễn Kim Oanh (Vụ Pháp chế – Bộ LĐTB&XH) lại muốn “tận dụng” các Trung tâm BTXH trong việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Theo bà Oanh, mặc dù tội phạm mua bán người diễn ra trên toàn quốc, nhưng lại không thường xuyên, liên tục. Nếu xây dựng các cơ sở hỗ trợ nạn nhân độc lập ở các tỉnh, thành phố sẽ gây tốn kém, lãng phí, không tập trung. Còn nếu tập trung cho các Trung tâm BTXH sẽ có hiệu quả hơn vì mua bán người cũng là một vấn đề xã hội.
Trên toàn quốc hiện mới có hai cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở An Giang và Lào Cai, song cũng lại kết hợp vào Trung tâm BTXH của tỉnh và hoạt động có hiệu quả. Từ năm 2007 đến nay, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán của Lào Cai tiếp nhận 70 trường hợp và mỗi nạn nhân chỉ lưu trú không quá 60 ngày tại đây. |
Dự thảo Luật cũng dự kiến sẽ cho phép các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân hoạt động vì mục đích nhân đạo, phi lợi nhuận nhằm huy động nguồn lực của toàn xã hội vào quá trình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Tuy vậy, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh “không đánh giá cao” phương án này vì theo bà, “ người dân không có đủ quyền năng và trách nhiệm như Nhà nước trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”. Như thế sẽ hoạt động rất hạn chế và không thể coi đây là thiết chế có thể “gánh” thay cho Nhà nước (cụ thể là các cơ sở hỗ trợ nạn nhân hay trung tâm BTXH) việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()