"Tôi cũng là con cháu Bác Hồ"
Ðã hơn một thế kỷ trôi qua, kể từ khi Bác Hồ đặt chân đến Pháp trên hành trình tìm đường cứu nước. Những ngày sống, hoạt động cách mạng tại Pháp, Người luôn nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ cũng như tình cảm quý báu cùng sự ngưỡng mộ của những người bạn Pháp. Cho tới nay, bạn bè Pháp vẫn kính trọng và ngưỡng mộ đối với vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam.
Bà Ray-mông Ðiêng, sinh năm 1929, là người dũng cảm nằm trên đường ray, chặn đoàn tàu chở vũ khí sang Việt Nam ngày 23-2-1950 ở nhà ga gần TP Tua, để đòi Chính phủ Pháp phải chấm dứt chiến tranh ở Ðông Dương, rút quân viễn chinh về nước và công nhận nền độc lập, tự do của Việt Nam. Tuổi cao sức yếu, bà vẫn nhớ như in kỷ niệm lần được gặp Bác Hồ ngày 23-10-1956. Mới đây ngày 27-4-2015, khi Ðại sứ quán Việt Nam tại Pháp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, chúng tôi thấy bà nét mặt rạng rỡ khi gặp lại bạn bè Việt Nam. Bà cho biết, những kỷ vật mà Bác Hồ tặng là chiếc vòng đeo tay bằng ngà và chiếc đồng hồ Mô-va-đô có hình của Bác, luôn được bà gìn giữ với niềm tự hào và trân trọng. Nhắc tới kỷ niệm không bao giờ quên vào ngày 13-5-1950, đúng sinh nhật lần thứ 21 của mình, bà nhận được bức ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng trong lúc bà bị chính quyền Pháp giam giữ vì hành động phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Bà vô cùng xúc động khi nhớ lại lời đề tặng của Bác và chị Ca-tơ-rin, con gái của bà đã nhắc lại: “Ước muốn lớn nhất của Việt Nam là tiếp bước con đường của cuộc cách mạng Pháp năm 1789, theo tinh thần kháng chiến và giải phóng”. Với bà, Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị, nhưng rất sâu sắc và thấm đẫm triết lý sống nhân văn. Vì Việt Nam, bà sẵn sàng dâng hiến cả tuổi thanh xuân đẹp nhất để ủng hộ Việt Nam và đến giờ vẫn luôn hướng về Việt Nam. Ðưa tay lên ngực, bà nói: “Trái tim tôi luôn hướng về Bác Hồ và nhân dân Việt Nam. Tôi cũng là con cháu của Bác Hồ”.
Hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ được các thế hệ người Pháp biết đến là hiện thân khát vọng của dân tộc Việt Nam mở ra kỷ nguyên mới: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bà Ê-len Luých, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), Thượng nghị sĩ danh dự, là người luôn dành sự ủng hộ nhiệt tình và tình cảm sâu đậm cho Việt Nam. Những năm diễn ra cuộc đàm phán để ký kết Hiệp định Pa-ri (1968-1973), bà cùng với chồng là Thị trưởng thành phố Xoa-di lơ Roa đã tích cực giúp đỡ Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Bà tâm sự: Với thế hệ chúng tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của tự do, hòa bình, ý chí vươn lên của cả một dân tộc đòi quyền tự do, độc lập. Năm nay, Việt Nam có nhiều ngày lễ lớn như, kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước; 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 70 năm Ngày thành lập nước. Bà chia sẻ: Cũng như 40 năm trước, vào những giờ phút lịch sử này, chúng tôi và các bạn đều nhớ tới những thế hệ đi trước đã anh dũng đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam. Chúng ta đều biết cả cuộc đời mình, Bác Hồ chỉ có một ham muốn tột bậc, đó là làm sao cho dân tộc được độc lập, tự do, người dân được hạnh phúc… Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có những phẩm chất của một nhân cách vĩ đại, được thế giới ghi nhận và ngưỡng mộ.
“Mới đây trong tháng 3 vừa qua, báo Lơ Mông-đơ, nổi tiếng của Pháp, đã xuất bản cuốn sách “Hồ Chí Minh – Nhân vật giành lại độc lập cho Việt Nam”. Ðây là tập thứ 11 trong bộ sách lịch sử gồm 20 tập mang tên “Những người làm thay đổi thế giới.” Theo bà Ê-len Luých, rõ ràng là như bài viết mở đầu “Hồ Chí Minh: Người giải phóng dân tộc, Người dẫn lối, một tượng đài” của tác giả Giăng-Clốt Pô-mông-ti, Người đã có hơn 20 năm thường trú tại khu vực Ðông – Nam Á. Bà cho rằng, bạn bè Pháp vẫn luôn hòa chung với các bạn Việt Nam trong bài ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
Công viên Mông-tơ-rơi của thành phố Mông-tơ-rơi ở ngoại ô Pa-ri là công viên duy nhất trên toàn nước Pháp có đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây có Bảo tàng lịch sử sống, nơi lưu giữ rất nhiều hiện vật, kỷ vật liên quan đến quãng thời gian làm việc và hoạt động cách mạng của Bác Hồ ở Pháp, như thẻ đảng viên Ðảng Cộng sản Pháp, cánh cửa gỗ và tấm biển ngôi nhà số 9 ở ngõ Công-poanh (nơi Bác Hồ ở từ năm 1921 đến năm 1923). Ông Gin-be Sun, nguyên Giám đốc Bảo tàng là người ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi còn trẻ. Từng tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ, rồi sau này khi bảo tàng được thành lập, ông lại dành nhiều công sức để tìm kiếm và sưu tập các hiện vật, tư liệu cho “Không gian Hồ Chí Minh”. Ông nói với chúng tôi: “Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương cho các dân tộc bị áp bức. Việc tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hấp dẫn tôi vì đây là một người vĩ đại, nhưng rất khiêm tốn và giản dị, suốt đời đấu tranh vì độc lập và hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Cũng như nhiều người dân Pháp, tôi nghĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh với những tình cảm trìu mến. Mỗi khi có khách tới thăm, tôi rất vinh dự được giới thiệu về Người, một nhân vật của lịch sử với những tư tưởng vĩ đại, có tác động và sức ảnh hưởng to lớn đến thế giới. Chúng tôi luôn trân trọng những tư liệu và hiện vật về Bác Hồ và trưng bày theo đúng hiện trạng như ở nơi chuyển đến để mọi người có thể hiểu Người từng sống và làm việc như thế nào ở Pháp. Chính Người đã đặt nền móng cho tình hữu nghị Pháp-Việt và hình ảnh của Người, vị Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa của Việt Nam sẽ mãi ở trong lòng chúng tôi”.
Bao năm đã trôi qua, nhưng những ký ức, hình ảnh và tình cảm về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nguyên vẹn trong lòng bạn bè Pháp. Chính tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập, tự do và yêu chuộng hòa bình của Người đã giành được sự ngưỡng mộ của người dân Pháp như bà Ray-mông Ðiêng khẳng định: Chúng tôi sẽ mãi nhớ một con người có trái tim luôn khát khao cháy bỏng để tìm ra con đường cứu nước và giành lại độc lập, hòa bình cho dân tộc Việt Nam!
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()