Tộc người với quốc gia - dân tộc
Tác phẩm “Cộng đồng kiến tạo: Tộc người với quốc gia-dân tộc trên thế giới và ở Việt Nam” của tác giả Vương Xuân Tình được Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 2019, đã phản ánh và kiến giải mối quan hệ cơ bản giữa tộc người với nhà nước trong một quốc gia đa tộc người.
Nói về điểm cốt lõi của “vấn đề dân tộc” trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay, PGS, TS Vương Xuân Tình-nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã nêu “Luận đề 7 chữ” mà ông tâm đắc, đó là “Tộc người với quốc gia-dân tộc”. Điều ấy có nghĩa, vấn đề dân tộc của một quốc gia đa tộc người tốt đẹp hay xung đột phụ thuộc vào mối quan hệ này, tức mối quan hệ của tộc người với nhà nước có bảo đảm được sự ổn định, phát triển của các tộc người trong một quốc gia thống nhất hay không.
Bìa cuốn sách. |
Ở Việt Nam, vấn đề đó tuy được xem xét với mức độ khác nhau trong các giai đoạn trước đây, nếu chỉ kể từ năm 1945-thời điểm ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), song cần nhận diện và làm sâu sắc hơn trong bối cảnh mới. Cuốn sách “Cộng đồng kiến tạo: Tộc người với quốc gia-dân tộc trên thế giới và ở Việt Nam” của tác giả Vương Xuân Tình chính là sự phản ánh và kiến giải “Luận đề 7 chữ” nêu trên. Ý tưởng xuyên suốt của tác giả trong quyển sách này là trình bày về tộc người và quốc gia-dân tộc với tính chất là “cộng đồng kiến tạo”.
Cộng đồng kiến tạo mà Vương Xuân Tình đã nêu được nhìn nhận từ bối cảnh thế giới đến trường hợp của Việt Nam, với những vấn đề cơ bản về tộc người, đó là bản sắc, cách xác định và quá trình tộc người; còn với quốc gia-dân tộc, được xem xét từ các chiều cạnh về ý thức dân tộc, chủ nghĩa dân tộc và vấn đề xây dựng quốc gia-dân tộc. Qua nghiên cứu trường hợp ở Việt Nam, mối quan hệ của các tộc người với quốc gia-dân tộc trên những lĩnh vực như lãnh thổ, ngôn ngữ, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa cũng được nhận diện.
Công trình khoa học của tác giả Vương Xuân Tình được xây dựng trong lộ trình của Viện Dân tộc học từ năm 2012-2014 nhằm tiến hành tổng kết nghiên cứu về tộc người ở Việt Nam và thực hiện việc nghiên cứu, xuất bản bộ sách “Các dân tộc ở Việt Nam” gồm 4 tập, 5 quyển do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành từ năm 2015-2018 (tái bản năm 2020, gồm 4 tập, 6 quyển). Bên cạnh đó, công trình này còn được xây dựng trên cơ sở kết nối với nhiều kết quả nghiên cứu của tác giả trong mấy thập kỷ qua.
Ý kiến ()