Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 12%
LSO-Sáng nay (23/4), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu. Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh.
Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại điểm cầu Lạng Sơn |
Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2017 là năm đặc biệt thành công trong xuất khẩu của đất nước; lần đầu tiên kim ngạch vượt mốc 200 tỷ USD, đạt 214 tỷ USD, gấp 2,21 lần năm 2011 và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân trong 7 năm đạt 12%.
Tuy nhiên, xuất khẩu lại chuyển từ dựa mạnh vào dầu thô sang nhóm hàng điện tử, chiếm tới 33% tổng kim ngạch. Và chủ yếu ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể là khối FDI chiếm trên 70% xuất khẩu; sản xuất một số mặt hàng nông sản còn manh mún, tự phát, dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung…
Đối với Lạng Sơn, hiện có khoảng 2.700 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu qua địa bàn. Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 5,25 tỷ USD, xuất khẩu đạt 2,95 tỷ USD. Trong đó chủ yếu là xuất khẩu nông sản đạt 2,25 tỷ USD. Trong quý I/2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 780 triệu USD.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Để đạt được những kết quả khả quan trong hoạt động xuất nhập khẩu, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn luôn chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về quản lý xuất khẩu trên địa bàn; tập trung, lồng ghép các nguồn lực để nâng cấp các hạ tầng phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu; xây dựng cơ chế phối hợp với các lực lượng của Trung Quốc để trao đổi, hội đàm giải quyết những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực thông quan, đặc biệt nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức, trách nhiệm của cán bộ công chức làm việc tại cửa khẩu.
Tuy nhiên, Lạng Sơn vẫn tồn tại những khó khăn và hạn chế như: kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của cả nước, nhất là hệ thống giao thông; đầu tư hạ tầng bến bãi, khu trung chuyển… còn thiếu nguồn lực và triển khai chậm; việc kết nối thương nhân Việt Nam – Trung Quốc còn hạn chế, thiếu thông tin thị trường; sản xuất nông nghiệp mang tính tự phát nên thường xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu.
Để khắc phục những hạn chế, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu qua địa bàn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất một số kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ gồm: Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo đảm bảo tiến độ xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn hoàn thành đúng theo kế hoạch và Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai nâng cấp tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội – Đồng Đăng. Đồng thời có cơ chế để hỗ trợ trở lại 20 – 30% số thuế xuất khẩu, nhập khẩu và thuế VAT hàng nhập khẩu cho các tỉnh miền núi biên giới vẫn nhận hỗ trợ của trung ương để xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là khu vực cửa khẩu; cho phép các tỉnh biên giới được dùng toàn bộ phần thu phí từ việc sử dụng hạ tầng, dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu để đầu tư cho khu vực biên giới; phân cấp cho UBND các tỉnh biên giới được linh hoạt, chủ động trong giải quyết các vấn đề phát sinh về xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, thương mại biên giới theo nguyên tắc chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tuân thủ các quy định pháp luật trong quản lý điều hành, đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát, điều hành cơ sở hạ tầng, chống buôn lậu tại khu vực biên giới. Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thúc đẩy xây dựng khu kiểm dịch, kiểm nghiệm động vật xuất khẩu qua cửa khẩu Na Hình, Lạng Sơn (Việt Nam) và Kéo Ái (Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc). Các tỉnh, thành phố có hàng nông sản xuất khẩu có kế hoạch sản xuất và điều tiết hàng hóa xuất khẩu hợp lý để tránh xảy ra tình trạng cung vượt cầu, ách tắc tại cửa khẩu, giảm giá trị xuất khẩu…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công thương và các bộ, ngành trung ương, các tỉnh thay đổi tư duy chiến lược, hành động mau lẹ trong xuất khẩu; phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của Việt Nam, xây dựng vùng chiến lược để có thủ lĩnh về sản phẩm xuất khẩu; chủ động và hợp lực trong quan hệ quốc tế để phát triển thị trường; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi xuất khẩu hàng hóa toàn cầu; phải có chiến lược xuất khẩu toàn diện, xây dựng hệ thống logistics hợp lý, giảm thiểu chi phí… Đặc biệt, tăng cường đổi mới công tác thông tin thị trường và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.
ANH DŨNG
Ý kiến ()