Tốc độ kim ngạch xuất khẩu của Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 12,5%/năm
Theo Sở Công thương tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, kim ngạch xuất khẩu 5 năm (2011-2015) của địa phương này đạt hơn 5,3 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5 tỷ USD, doanh nghiệp trong nước là 330 triệu USD.
Các doanh nghiệp của Bà Rịa- Vũng Tàu tham gia xuất khẩu đa dạng về sản phẩm và xuất đi nhiều thị trường trên thế giới, những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như thép (thép xây dựng, thép cán, thép ống, thép mạ màu mạ kẽm); sản phẩm may mặc, da, giày; gạch men, gốm sứ… ,thị trường xuất khẩu chủ yếu sang các nước như Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Hàn Quốc, Pháp, Italia. Theo đó, thép xuất khẩu trên 2,2 tỷ USD; hải sản trên 1,7 tỷ USD; sản phẩm cơ khí trên 1,7 tỷ USD, vải giả da 699 triệu USD, sản phẩm giả da 648 triệu USD; da thuộc 563 triệu USD; giày da 384 triệu USD.v.v.. Tính đến nay, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút 148 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với trên 10 tỷ USD vốn đầu tư.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu lần thứ V, 5 năm qua, ngành công nghiệp của tỉnh này cũng đang có sự chuyển dịch đúng hướng, đó là giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể, trong cơ cấu công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến chế tạo có tỷ trọng tăng dần từ 41,15% năm 2010 lên 52% năm 2015.
Dệt may là một trong những mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất |
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, xuất khẩu của tỉnh này trong những năm qua tăng trưởng nhanh, nhưng thiếu ổn định, dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động của thị trường, các rào cản thương mại quốc tế và nhất là phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nguyên nhân là do ngay từ khi triển khai dự án, đa phần các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có thị trường đầu ra trên quy mô toàn thế giới. Trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa làm tốt khâu này, nên khi đi vào hoạt động gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Thị trường xuất khẩu cũng như quy mô các mặt hàng đạt trên 100 triệu USD được mở rộng, tập trung vào các mặt hàng chủ lực của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như thép, cơ khí chế tạo, vải giả da, da thuộc, sản phẩm giả da… Ngoài ra, các các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là những tập đoàn lớn có lợi thế lớn về vốn, kinh nghiệm, công nghệ. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước lại tập trung xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy hải sản, khai thác từ thiên nhiên, hàm lượng khoa học kỹ thuật trong sản phẩm thấp nên giá trị xuất khẩu không cao.
Mặc dù Bà Rịa- Vũng Tàu cơ cấu ngành công nghiệp có sự chuyển dịch đúng định hướng, tuy nhiên vẫn còn chậm so với yêu cầu phát triển. Hàm lượng giá trị gia tăng trong công nghiệp còn thấp, tỷ lệ gia công cao. Sản xuất công nghiệp nhìn chung vẫn phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 60% tổng giá trị toàn ngành. Bên cạnh đó, nhiều ngành hàng sản xuất và xuất khẩu rơi vào thế bị động do phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu chiếm từ 70% -90%. Thống kê cũng cho thấy, toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có đến 13 nhóm mặt hàng phải nhập khẩu từ Trung Quốc, gồm máy móc thiết bị, hóa chất, nguyên liệu giày da, nguyên liệu may mặc, hàng tiêu dùng, nguyên liệu hải sản, nguyên liệu bao bì, khí công nghiệp, khí y tế, nguyên liệu gạch men, phân bón, sản phẩm giả da, các loại nguyên vật liệu khác…
Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương cho biết, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là chìa khóa quan trọng để giảm nhập siêu nguyên phụ liệu. Giải pháp này đã được tỉnh triển khai từ nhiều năm nay nhưng chưa có kết quả khả quan. Được biết, tốc độ kim ngạch xuất khẩu của Bà Rịa – Vũng Tàu tăng bình quân 5 năm khoảng 12,5%/năm, trong khi đó, chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh này đề ra trong 5 năm là 10%.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()