Tốc độ gia tăng dân số cơ học trên địa bàn thủ đô vẫn cao
Sáng 8/12, Sở Y tế Hà Nội phối hợp Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ (thành phố Hà Nội) tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số; kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2023. Tham dự có lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, Ban Chỉ đạo công tác dân số các quận, huyện, thị xã, các ban, ngành, đoàn thể và đông đảo người dân trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung phát biểu tại lễ phát động.
Theo báo cáo của Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội: tính đến hết 9 tháng năm 2023, dân số toàn thành phố đạt 8.499.038 người; số sinh toàn thành phố 9 tháng là 69.321 trẻ, tăng 6.271 trẻ so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 89,81%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 90,01%; tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 53,4%. Tổng số người sử dụng biện pháp tránh thai mới 9 tháng năm 2023 là 429.245 người (đạt 108,7% kế hoạch năm); trong khi đó, 1.062.118 người cao tuổi trên địa bàn thành phố được khám sức khỏe định kỳ…
Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động mô hình nâng cao chất lượng dân số tại tất cả quận, huyện, thị xã. Cụ thể, triển khai 86 mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng; 40 câu lạc bộ người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe; 24 mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; 18 mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; 10 mô hình truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình tới vùng dân cư đặc thù như: làng nghề truyền thống, khu công nghiệp, vùng công giáo, vùng dân tộc ít người, vùng dân di cư tự do.
Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho vị thành niên, thanh niên và các cặp nam, nữ chuẩn bị kết hôn được duy trì thường xuyên thông qua các buổi truyền thông tại cộng đồng như tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng chống xâm hại tình dục, các biện pháp tránh thai, tác hại nạo phá thai không an toàn, bệnh lây truyền qua đường tình dục, hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh…
Thực tế cũng cho thấy, công tác dân số trên địa bàn thành phố còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: tốc độ gia tăng dân số, nhất là gia tăng dân số cơ học tiếp tục tăng mạnh ở khu vực các quận. Cụ thể, tính đến hết 9/2023, số trẻ là con thứ 3 trở là 4.902 trẻ, tăng 0,45% so với năm 2022; đặc biệt tại một số đơn vị còn ở mức rất cao so với mặt bằng chung của toàn thành phố như: Thường Tín, Sóc Sơn; Ứng Hòa; Phúc Thọ. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao là 111,1 trẻ trai/100 trẻ gái, trong đó các quận, huyện ở mức cao trên 113 trẻ trai/100 trẻ gái là: Sóc Sơn, Quốc Oai, Hà Đông, Ba Vì, Phúc Thọ…
Tại một số địa phương, nhất là tuyến xã cán bộ chuyên trách năng lực chuyên môn còn hạn chế nên việc tham mưu triển khai các nhiệm vụ đạt hiệu quả chưa cao; công tác đấu thầu tài liệu, văn phòng phẩm tại một số đơn vị còn chậm, đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các hoạt động công tác dân số trên địa bàn.
Phát biểu ý kiến tại lễ phát động, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết: Trong nhiều năm qua, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố luôn xác định công tác dân số là bộ phận quan trọng của Chiến lược phát triển Thủ đô; là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và cộng đồng.
Cùng với sự phấn đấu tích cực của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, công tác dân số trên địa bàn Thủ đô đã đạt được một số kết quả như: từng bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh; tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh và tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc tăng hàng năm; nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai và nhân rộng tới vùng dân cư đặc thù.
Các đại biểu tham dự lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số; kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2023.
Để thực hiện có hiệu quả, tạo ra sự chuyển biến rõ nét về chất lượng và sự ổn định trong công tác dân số thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung đề nghị chính quyền các địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền; sự tham gia của các ngành, đoàn thể, nâng cao hiệu quả Ban chỉ đạo công tác dân số các cấp, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhân dân; đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số.
Các địa phương tiếp tục phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; mở rộng khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục thân thiện với thanh niên. Tăng cường quản lý nhà nước đối với việc cung cấp các dịch vụ phá thai, phá thai không an toàn; đồng thời bảo đảm nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện về công tác dân số trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Nguồn: https://nhandan.vn/toc-do-gia-tang-dan-so-co-hoc-tren-dia-ban-thu-do-van-cao-post786475.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()