Toàn văn Dự thảo Bộ Luật Hình sự
LTS: Căn cứ Kế hoạch số 207/KH – HĐND, ngày 12 – 8 – 2015 của Thường Trực HĐND Tỉnh về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Bộ Luật Hình sự ( sửa đổi) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, để Nhân dân có điều kiện tham gia góp ý.Ý kiến đóng góp xin gửi về Báo Lạng Sơn, đường Quang Trung, thành phố Lạng Sơn hoặc Email: [email protected] ( trước ngày 14/9/2015). Báo Lạng Sơn sẽ xem xét, biên tập, đăng tải những ý kiến tiêu biểu, đồng thời tổng hợp gửi đến Sở Tư pháp để gửi về Hội Đồng Nhân dân tỉnh xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ Báo Điện tử Lạng Sơn đăng toàn văn Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) như sau:
PHẦN THỨ NHẤT. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Chương I: ĐIỀU KHOẢN CƠ BẢN
Điều 1. Nhiệm vụ của Bộ luật hình sự (sửa đổi)
Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Điều 2. Cơ sở của trách nhiệm hình sự (sửa đổi)
Phương án 1:
1. Chỉ cá nhân nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
2. Chỉ pháp nhân nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Quy định này không áp dụng với cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.
Phương án 2:
Giữ nguyên như hiện hành.
Điều 3. Nguyên tắc xử lý (sửa đổi)
1. Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật.
2. Mọi cá nhân phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội.
3. Mọi pháp nhân phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.
4. Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, chức vụ, quyền hạn càng cao thì xử phạt càng nặng; nghiêm trị cá nhân hoặc pháp nhân phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Khoan hồng đối với cá nhân, pháp nhân tự thú, thành khẩn khai báo, lập công chuộc tội, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.
5. Cá nhân phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù và giao họ cho gia đình, cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục.
6. Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu có tiến bộ thì xét giảm việc chấp hành hình phạt, tha tù có điều kiện, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.
7. Cá nhân đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng, khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích.
Pháp nhân đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện tiếp tục sản xuất, kinh doanh và khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích.
Điều 4. Trách nhiệm đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm (sửa đổi)
1. Các cơ quan Công an, Kiểm sát, Tòa án và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức, công dân phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, giám sát và giáo dục người phạm tội tại cộng đồng.
2. Các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giáo dục những người thuộc quyền quản lý của mình nâng cao cảnh giác, ý thức bảo vệ pháp luật và tuân theo pháp luật, tôn trọng các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa; kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm trong cơ quan, tổ chức của mình.
3. Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm.
Chương II : HIỆU LỰC CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ
Điều 5. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi)
1. Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của các điều ước quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo các quy phạm pháp luật quốc tế.
Điều 6. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lành thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi)
1. Công dân Việt Nam hoặc pháp nhân Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, nếu chưa bị Tòa án nước ngoài xét xử thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này.
Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam.
2. Người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển không mang quốc tịch Việt Nam đang ở tại biển cả hoặc tại giới hạn vùng trời nằm ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật này tại Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Điều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian (sửa đổi)
1. Điều luật được áp dụng đối với một hành vi là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện.
2. Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
Chương III: TỘI PHẠM
Điều 8. Khái niệm tội phạm (sửa đổi)
1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do pháp nhân hoặc người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.
Điều 9. Phân loại tội phạm (sửa đổi)
Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 4 loại sau đây:
1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
2. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;
3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;
4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Điều 10. Cố ý phạm tội (giữ nguyên)
Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xẩy ra;
2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Điều 11. Vô ý phạm tội (giữ nguyên)
Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;
2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự (sửa đổi)
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những trường hợp khác do Bộ luật này quy định.
2. Phương án 1:
Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em, tội cướp tài sản, tội cướp giật tài sản và tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:
a) Điều 133 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 142 (tội cưỡng dâm);
b) Điều 168 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản); Điều 169 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 172 (tội trộm cắp tài sản); Điều 177 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);
c) Điều 249 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội tàng trữ, trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 253 (tội chiếm đoạt chất ma túy);
d) Điều 275 (tội đua xe trái phép);
đ) Điều 294 (tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm dùng để tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 295 (tội phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 296 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 298 (tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 299 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản); Điều 300 (tội truy cập trái phép tài khoản ngân hàng của tổ chức, cá nhân chiếm đoạn tài sản); Điều 304 (tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa thông tin về tài khoản ngân hàng); Điều 305 (tội sản xuất mua bán, tàng trữ, lưu hành thẻ ngân hàng giả để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản);
e) Điều 311 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 316 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia).
Phương án 2:
Giữ nguyên như quy định hiện hành.
Điều 13. Phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác (sửa đổi)
Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 14. Chuẩn bị phạm tội (sửa đổi)
1. Chuẩn bị phạm tội bao gồm các trường hợp sau đây:
a) Tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm;
b) Thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm để thực hiện một tội phạm cụ thể.
2. Người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây thì phải chịu trách nhiệm hình sự:
a) Điều 108 (tội phản bội Tổ quốc); Điều 109 (tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân); Điều 110 (tội gián điệp); Điều 111 (tội xâm phạm an ninh lãnh thổ); Điều 112 (tội bạo loạn); Điều 113 (tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân); Điều 114 (tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều 117 (tội làm, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều 118 (tội phá rối an ninh); Điều 119 (tội chống phá trại giam);
b) Điều 123 (tội giết người);
c) Điều 167 (tội cướp tài sản); Điều 168 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản);
d) Điều 312 (tội khủng bố); Điều 313 (tội tài trợ khủng bố); Điều 314 (tội bắt cóc con tin); Điều 315 (tội cướp biển); Điều 336 (tội rửa tiền).
3. Không áp dụng quy định này đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Điều 15. Phạm tội chưa đạt (giữ nguyên)
Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.
Điều 16. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (giữ nguyên)
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.
Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Điều 17. Đồng phạm (sửa đổi)
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.
Điều 18. Che giấu tội phạm (sửa đổi)
1. Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.
2. Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 402 của Bộ luật này.
Điều 19. Không tố giác tội phạm (sửa đổi)
1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 402 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 402 của Bộ luật này.
3. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện.
Chương IV: NHỮNG TRƯỜNG HỢP LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM
HÌNH SỰ (mới)
Điều 20. Sự kiện bất ngờ (giữ nguyên)
Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (sửa đổi)
1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án thì áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 22. Phòng vệ chính đáng (sửa đổi)
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng trong những trường hợp sau:
a) Chống lại người đang sử dụng vũ khí hoặc hung khí nguy hiểm tấn công mình hoặc người khác;
b) Chống lại người đang sử dụng vũ khí hoặc hung khí nguy hiểm chống lại người thi hành công vụ;
c) Chống trả lại người đang thực hiện hành vi giết người, hiếp dâm.
3. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Điều 23. Tình thế cấp thiết (sửa đổi)
1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 24. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội (mới)
1. Hành vi của người để bắt, giữ người phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực gây thiệt hại cho người khác thì không phải là tội phạm.
2. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 25. Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ (mới)
Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng các quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.
Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 26. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (mới)
Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh, cấp trên nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.
Chương V: THỜI HIỆU TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ, MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (sửa đổi)
1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ.
Điều 28. Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (sửa đổi)
Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật này đối với các tội phạm sau đây:
1. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này;
2. Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này;
3. Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại các khoản 3, 4 Điều 366 và tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại các khoản 3, 4 Điều 367 của Bộ luật này.
Điều 29. Miễn trách nhiệm hình sự (sửa đổi)
1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự trong những trường hợp sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội đã già yếu, bệnh tật hiểm nghèo hoặc lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội;
b) Sau khi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng do vô ý, người phạm tội đã tự thú, thực sự ăn năn, hối cải và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận;
c) Người phạm tội do lạc hậu mà bị người khác lôi kéo, kích động hoặc ép buộc tham gia thực hiện tội phạm, đã thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm;
d) Người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do hoặc tài sản của người khác mà người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự;
đ) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm.
Chương VI : HÌNH PHẠT
Điều 30. Khái niệm hình phạt (sửa đổi)
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Toà án quyết định áp dụng đối với cá nhân hoặc pháp nhân là các tổ chức kinh tế phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của cá nhân, pháp nhân đó.
Điều 31. Mục đích của hình phạt (sửa đổi)
Hình phạt nhằm giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống; phòng ngừa tội phạm; giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Hình phạt áp dụng đối với pháp nhân nhằm phòng ngừa và trừng trị các pháp nhân khác thực hiện tội phạm.
Điều 32. Các hình phạt đối với cá nhân (sửa đổi)
1. Hình phạt chính bao gồm:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;
c) Cải tạo không giam giữ;
d) Phương án 1: Trục xuất;
Phương án 2: Không quy định hình phạt Trục xuất là hình phạt chính;
đ) Tù có thời hạn;
e) Tù chung thân;
g) Tử hình.
2. Hình phạt bổ sung bao gồm:
a) Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
b) Cấm cư trú;
c) Quản chế;
d) Tước một số quyền công dân;
đ) Tịch thu tài sản;
e) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính;
g) Phương án 1: Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Phương án 2: Trục xuất.
3. Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
Điều 33. Các hình phạt đối với pháp nhân (mới)
1. Hình phạt chính bao gồm:
a) Phạt tiền;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
2. Hình phạt bổ sung bao gồm:
a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;
b) Cấm huy động vốn;
c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
3. Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
Điều 34. Cảnh cáo (giữ nguyên)
Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.
Điều 35. Phạt tiền (sửa đổi)
1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây:
a) Người phạm tội ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng do Bộ luật này quy định;
b) Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về môi trường do Bộ luật này quy định.
2. Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm các tội về tham nhũng, ma tuý, rửa tiền hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
3. Mức phạt tiền được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng.
4. Phương án 1:
Khi tuyên hình phạt tiền là hình phạt chính, Tòa án tuyên nếu trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án không chấp hành, thì hình phạt tiền được chuyển đổi thành hình phạt tù, đồng thời ấn định mức phạt tù mà người đó phải chấp hành theo nguyên tắc sau:
a) Nếu khung hình phạt được áp dụng không có quy định hình phạt tù thì mức phạt tù chuyển đổi cao nhất không quá 03 năm tù;
b) Nếu khung hình phạt được áp dụng có quy định hình phạt tù lựa chọn với phạt tiền thì mức phạt tù chuyển đổi cao nhất không quá mức cao nhất của hình phạt tù tại khung hình phạt đó;
c) Trường hợp người bị kết án đã chấp hành được một phần hình phạt tiền thì căn cứ vào phần hình phạt tiền còn lại phải chấp hành, Tòa án quyết định chuyển đổi thành mức hình phạt tù tương ứng.
Không áp dụng quy định tại khoản này đối với pháp nhân, người bị kết án là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người khuyết tật nặng.
Phương án 2:
Không quy định khoản này.
Điều 36. Cải tạo không giam giữ (sửa đổi)
1. Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 05 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng và phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.
Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ.
2. Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
3. Trong thời gian chấp hành án, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hàng tháng.
Không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.
4. Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.
Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.
Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với người già yếu, phụ nữ có thai, người khuyết tật nặng.
Người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật thi hành án hình sự.
5. Khi tuyên hình phạt cải tạo không giam giữ, Tòa án tuyên trong bản án trường hợp người bị kết án không thực hiện các nghĩa vụ thì hình phạt này được chuyển thành hình phạt tù theo nguyên tắc 03 ngày cải tạo không giam giữ bằng 01 ngày tù.
Không áp dụng quy định này đối với người bị kết án là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người khuyết tật nặng.
Điều 37. Tù có thời hạn (sửa đổi)
1. Tù có thời hạn được áp dụng đối với người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định.
Tù có thời hạn đối với người phạm một tội có mức tối thiểu là 03 tháng và mức tối đa là 20 năm.
Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày tù.
2. Không áp dụng hình phạt tù đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý.
Điều 38. Tù chung thân (giữ nguyên)
Tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.
Không áp dụng tù chung thân đối với người chưa thành niên phạm tội.
Điều 39. Tử hình (sửa đổi)
1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Tội đã phạm là tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định;
b) Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, hoặc thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng.
2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên khi phạm tội, đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Phương án 1:
Người bị kết án là người từ 75 tuổi trở lên.
Phương án 2:
Không quy định trường hợp này.
c) Phương án 1:
Người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Phương án 2: Không quy định trường hợp này.
4. Trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c khoản 3 Điều này thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Điều 40. Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định (sửa đổi)
Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó, thì có thể gây nguy hại cho xã hội.
Thời hạn cấm là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Điều 41. Cấm cư trú (sửa đổi)
Cấm cư trú là buộc người bị kết án phạt tù không được tạm trú hoặc thường trú ở một số địa phương nhất định.
Thời hạn cấm cư trú là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Điều 42. Quản chế (sửa đổi)
Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, có sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo Điều 43 của Bộ luật này và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Quản chế được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do Bộ luật này quy định.
Thời hạn quản chế là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Điều 43. Tước một số quyền công dân (sửa đổi)
1. Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:
a) Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước;
b) Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
2. Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Điều 44. Tịch thu tài sản (sửa đổi)
Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án sung vào ngân sách nhà nước.
Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma tuý, tham nhũng hoặc các tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.
Điều 45. Trục xuất (sửa đổi)
Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Không áp dụng hình phạt trục xuất đối với người không quốc tịch cư trú trên lãnh thổ Việt Nam hoặc người nước ngoài nhưng đồng thời có quốc tịch Việt Nam.
Chương VII
CÁC BIỆN PHÁP TƯ PHÁP
Điều 46. Các biện pháp tư pháp (mới)
1. Biện pháp tư pháp đối với cá nhân phạm tội bao gồm:
a) Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm;
b) Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi;
c) Bắt buộc chữa bệnh.
2. Biện pháp tư pháp đối với pháp nhân bao gồm:
a) Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm;
b) Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi;
c) Khôi phục lại tình trạng ban đầu;
d) Thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra hoặc để phòng ngừa tội phạm.
Điều 47. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm (sửa đổi)
1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:
a) Vật, tiền dùng vào việc phạm tội;
b) Vật, tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;
c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.
2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
3. Vật, tiền thuộc sở hữu của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.
Điều 48. Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi (giữ nguyên)
1. Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.
2. Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.
Điều 49. Bắt buộc chữa bệnh (sửa đổi)
1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này, Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh; nếu thấy không cần thiết phải đưa vào một cơ sở điều trị chuyên khoa, thì có thể giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
3. Đối với người đang chấp hành hình phạt mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Chương VIII
QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT
Mục A
QUY ĐỊNH CHUNG VỀ QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT
Điều 50. Căn cứ quyết định hình phạt (giữ nguyên)
Khi quyết định hình phạt, Toà án căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (sửa đổi)
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra;
e) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
i) Phạm tội vì bị người khác đe doạ hoặc cưỡng bức;
k) Phạm tội trong trường hợp bị cưỡng ép hoặc bị lừa gạt sử dụng rượu hoặc các chất kích thích mạnh khác dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức;
l) Phạm tội do lạc hậu;
m) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
n) Người phạm tội là người từ 70 tuổi trở lên;
o) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng;
p) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
q) Người phạm tội tự thú hoặc đầu thú;
r) Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải;
s) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm;
t) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
u) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.
2. Khi quyết định hình phạt, Toà án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.
3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Điều 52. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (sửa đổi)
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
d) Phạm tội có tính chất côn đồ;
đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;
e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
g) Phạm tội từ 2 lần trở lên;
h) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
i) Phạm tội đối với người mà biết là trẻ em, phụ nữ đang có thai, người từ 70 tuổi trở lên;
k) Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
l) Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
m) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
n) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác phạm tội;
o) Dùng thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;
p) Xúi giục người chưa thành niên phạm tội;
q) Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.
2. Những tình tiết đã là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
Điều 53. Tái phạm, tái phạm nguy hiểm (sửa đổi)
1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý.
2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý.
Mục B
QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT TRONG CÁC TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
Điều 54. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng (sửa đổi)
1. Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng mà điều luật đã quy định nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn đối với người phạm tội lần đầu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể;
b) Có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại hoặc khắc phục toàn bộ hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
3. Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Toà án có thể quyết định chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.
Điều 55. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (sửa đổi)
Khi xét xử cùng một lần một người phạm nhiều tội, Toà án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:
1. Đối với hình phạt chính:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 05 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
c) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;
d) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;
đ) Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung.
2. Đối với hình phạt bổ sung:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.
Điều 56. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án (sửa đổi )
1. Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.
Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
2. Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.
3. Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Toà án ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 57. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt (sửa đổi)
1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt đựơc quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
2. Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể.
3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.
Điều 58. Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm (sửa đổi)
Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Toà án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Người xúi giục hoặc giúp sức có vai trò không đáng kể thì Tòa án có thể quyết định mức phạt nhẹ hơn mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề hoặc chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.
Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.
Điều 59. Miễn hình phạt (sửa đổi)
Người phạm tội có thể được miễn hình phạt trong trường hợp phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này, đáng được khoan hồng đặc biệt, nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.
Chương IX
THỜI HIỆU THI HÀNH BẢN ÁN, MIỄN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT, GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT
Điều 60. Thời hiệu thi hành bản án (sửa đổi)
1. Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên.
2. Thời hiệu thi hành bản án hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 03 năm trở xuống;
b) 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm;
c) 15 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm;
d) 20 năm đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.
3. Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này người bị kết án lại phạm tội mới, thì thời gian đã qua không đựơc tính và thời hiệu tính lại kể từ ngày phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ.
Điều 61. Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án (sửa đổi)
Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này.
Điều 62. Miễn chấp hành hình phạt (sửa đổi)
1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, chưa chấp hành hình phạt có thể được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt nếu lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và nếu người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
2. Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.
3. Người bị kết án về tội ít nghiêm trọng đã được hoãn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều 67 của Bộ luật này có thể được miễn chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được hoãn đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
4. Người bị kết án phạt tù về tội ít nghiêm trọng đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều 68 của Bộ luật này có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
5. Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được ít nhất một phần ba hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì có thể được miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.
6. Người bị kết án phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
7. Người được miễn chấp hành hình phạt theo các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 của Điều này phải thực hiện hết các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án.
Điều 63. Giảm mức hình phạt đã tuyên (sửa đổi)
1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân có thể được giảm thời hạn chấp hành hình phạt, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự.
Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 1/3 thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.
2. Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được 1/2 mức hình phạt đã tuyên.
Người bị kết án tù chung thân lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.
3. Phương án 1:
Không áp dụng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đối với trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm.
Phương án 2:
Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 39 Bộ luật này thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 20 năm và phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 25 năm.
4. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại phạm tội mới ít nghiêm trọng, thì Toà án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được 1/2 mức hình phạt chung hoặc 15 năm nếu là tù chung thân.
5. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì Toà án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được 2/3 mức hình phạt chung hoặc 20 năm nếu là tù chung thân.
Điều 64. Tha tù trước thời hạn có điều kiện (mới)
1. Người đang chấp hành án phạt tù được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Phạm tội lần đầu;
b) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt;
c) Đã chấp hành được một 1/2 mức thời hạn tù đối với hình phạt tù có thời hạn hoặc 15 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.
Trường hợp người phạm tội là thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng thì thời gian đã chấp hành hình phạt tù là 1/3 hình phạt tù có thời hạn hoặc 12 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn;
d) Đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù một lần;
đ) Có nơi cư trú rõ ràng;
e) Đã chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại (nếu có) và các quyết định khác của bản án;
g) Không thuộc một trong các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Không áp dụng quy định này đối với người bị kết án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia; cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người; cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; khủng bố; sản xuất, mua bán, chiếm đoạt trái phép chất ma túy; tội phạm về tham nhũng; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
3. Khi quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người bị kết án, Tòa án ấn định thời gian thử thách bằng thời gian hình phạt tù còn lại và buộc người đó phải chấp hành các nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập;
b) Chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại (nếu có) và các quyết định khác của bản án;
c) Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu;
d) Định kỳ 03 tháng phải nộp bản tự nhận xét về việc chấp hành pháp luật của mình cho người được giao giám sát, giáo dục;
đ) Không được tự ý đi khỏi nơi cư trú nếu chưa được phép của người trực tiếp theo dõi, giám sát.
4. Tòa án giao người được tha tù trước thời hạn có điều kiện cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Ủy ban nhân dân cấp xã phân công người trực tiếp theo dõi, giám sát người đó.
5. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện cố ý vi phạm nghĩa vụ từ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt hành chính từ 02 lần trở lên về vi phạm trật tự xã hội trong thời gian thử thách thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù nêu trên đối với người đó và buộc họ phải chấp hành toàn bộ phần hình phạt tù còn lại đã được miễn.
Nếu người đó phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp với phần hình phạt tù chưa chấp hành của bản án trước theo quy định tại Điều 56 Bộ luật này.
Điều 65. Giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt (sửa đổi)
Người bị kết án có lý do đáng được khoan hồng thêm như đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và đã chấp hành được một phần trách nhiệm dân sự, thì Toà án có thể xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với thời gian và mức quy định tại Điều 63 của Bộ luật này.
Điều 66. Án treo (sửa đổi)
1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và một số nghĩa vụ phải thực hiện trong thời gian thử thách quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Trong thời gian thử thách, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
3. Tòa án quyết định buộc người được hưởng án treo phải thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ sau đây:
a) Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu;
b) Định kỳ 03 tháng phải nộp bản tự nhận xét về việc chấp hành pháp luật của mình với người được giao giám sát, giáo dục;
c) Không tự ý đi khỏi nơi cư trú khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.
4. Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định các hình phạt này.
5. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát và giáo dục, Toà án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
6. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo vi phạm từ 02 lần trở lên các nghĩa vụ theo quyết định của Tòa án thì Tòa án quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo; trường hợp phạm tội mới thì Toà án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.
Điều 67. Hoãn chấp hành hình phạt tù (sửa đổi)
1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:
a) Bị bệnh nặng được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;
b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;
c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;
d) Bị kết án về tội ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.
2. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại phạm tội mới, thì Toà án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.
Điều 68. Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (sửa đổi)
1. Người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật này, thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
2. Thời gian tạm đình chỉ không được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù.
Chương X
XÓA ÁN TÍCH
Điều 69. Xoá án tích (sửa đổi)
1. Người bị kết án được xoá án tích theo quy định tại các điều từ Điều 70 đến Điều 73 của Bộ luật này.
Người được xoá án tích coi như chưa bị kết án.
2. Người bị kết án về một tội do lỗi vô ý và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.
Điều 70. Đương nhiên được xoá án tích (sửa đổi)
1. Đương nhiên được xoá án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.
2. Người bị kết án đương nhiên được xoá án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không bị kết án về tội phạm mới bằng bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b, c, d khoản này thì thời hạn đương nhiên được xoá án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị kết án đương nhiên được xoá án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không bị kết án về tội phạm mới bằng bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật trong thời hạn quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều này.
4. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án.
Một tháng trước khi hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, nếu người bị kết án chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung, quyết định khác của bản án thì Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phải thông báo bằng văn bản cho người bị kết án biết về việc họ phải chấp hành các nghĩa vụ nói trên để được xoá án tích.
Trường hợp xác định được người bị kết án đã có đủ điều kiện đương nhiên được xoá án tích theo quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều này thì Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phải cập nhật thông tin này vào Lý lịch tư pháp của người bị kết án theo quy định của Luật lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp có ghi “không có án tích” cho người đó khi được yêu cầu.
Điều 71. Xoá án tích theo quyết định của Toà án (sửa đổi)
1. Xoá án tích theo quyết định của Toà án được áp dụng đối với người bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.
Toà án quyết định việc xoá án tích đối với những người đã bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã được thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.
2. Người bị kết án được Tòa án quyết định xoá án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không bị kết án về tội phạm mới bằng bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật trong thời hạn sau đây:
a) 03 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
b) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
c) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b, c khoản này thì thời hạn được xoá án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị kết án được Tòa án quyết định xoá án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không bị kết án về tội phạm mới bằng bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật trong thời hạn quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này.
4. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu phải chờ 01 năm sau mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi thì phải sau 02 năm mới được xin xóa án tích.
Điều 72. Xoá án tích trong trường hợp đặc biệt (giữ nguyên)
Trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú đề nghị, thì có thể được Toà án xoá án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định.
Điều 73. Cách tính thời hạn để xoá án tích (sửa đổi)
1. Thời hạn để xoá án tích quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Bộ luật này căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên.
2. Nếu chưa được xoá án tích mà người bị kết án phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xoá án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành.
3. Người bị kết án trong trường hợp phạm nhiều tội mà có tội thuộc trường hợp đương nhiên được xoá án tích, có tội thuộc trường hợp xoá án tích theo quyết định của Toà án thì thời hạn để xoá án tích đối với người đó được tính theo tội có thời hạn để tính xoá án tích dài nhất và do Toà án quyết định.
4. Người được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cũng được coi như đã chấp hành xong hình phạt.
Chương XI
NHỮNG QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN PHẠM TỘI (mới)
Điều 74. Áp dụng quy định của Bộ luật hình sự đối với pháp nhân phạm tội (mới)
Pháp nhân phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Phần chung Bộ luật không trái với những quy định của Chương này.
Điều 75. Nguyên tắc xử lý đối pháp nhân phạm tội (mới)
1. Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân;
b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân;
c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân.
2. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.
3. Việc xác định khung hình phạt đối với pháp nhân căn cứ theo khung hình phạt áp dụng đối với cá nhân.
Điều 76. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân (mới)
Pháp nhân chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây:
a) Điều 149 (tội mua bán người); Điều 150 (tội mua bán trẻ em);
b) Điều 190 (tội buôn lậu); Điều 191 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 193 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm); Điều 196 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 197 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 204 (tội trốn thuế); Điều 207 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ); Điều 213 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 214 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 215 (tội thao túng giá thị trường chứng khoán); Điều 220 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 221 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 223 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 224 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp);
c) Điều 231 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 232 (tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại); Điều 236 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 239 (tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản); Điều 240 (tội huỷ hoại rừng); Điều 241 (tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ);
d) Điều 307 (tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người); Điều 313 (tội tài trợ khủng bố); Điều 328 (tội sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn); Điều 336 (tội rửa tiền);
đ Điều 367 (tội nhận hối lộ); Điều 377 (tội đưa hối lộ);
e) Điều 393 (tội không chấp hành án).
Điều 77. Phạt tiền (mới)
1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với pháp nhân phạm các tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc các tội phạm theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.
2. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với pháp nhân phạm bất kỳ tội nào thuộc các tội phạm theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.
3. Mức phạt tiền được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm, đồng thời, có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 10.000.000 đồng.
Điều 78. Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn (mới)
1. Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn được áp dụng đối với pháp nhân phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực hoạt động được ghi trong giấy phép và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế.
2. Đình chỉ hoạt động có thời hạn được áp dụng đối với pháp nhân phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ con người, môi trường hoặc trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế.
3. Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, thời hạn đình chỉ hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 79. Tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (mới)
Tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn chỉ được áp dụng đối với pháp nhân phạm tội trong trường hợp sau đây:
1. Pháp nhân phạm tội gây hậu quả hoặc đe dọa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng của nhiều người, đến môi trường và trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra không có khả năng khắc phục trên thực tế;
2. Pháp nhân sử dụng giấy phép hoặc đăng ký kinh doanh làm vỏ bọc để thực hiện một trong các tội phạm quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.
Điều 80. Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (mới)
1. Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội.
2. Tòa án quyết định lĩnh vực cụ thể bị cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động.
3.Thời hạn cấm là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, hình phạt tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là phạt tiền.
Điều 81. Cấm huy động vốn (mới)
1. Cấm huy động vốn được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội.
2. Các hình thức cấm huy động vốn bao gồm:
a) Cấm vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư;
b) Cấm phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu;
c) Cấm huy động vốn khách hàng;
d) Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước;
đ) Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản.
2. Tòa án quyết định áp dụng một hoặc một số hình thức cấm huy động vốn quy định tại khoản 2 Điều này.
3. Thời hạn cấm huy động vốn là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, hình phạt tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là phạt tiền.
Điều 82. Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân phạm tội (mới)
Tòa án có thể quyết định áp dụng các biện tư pháp sau đây đối với pháp nhân phạm tội:
1. Các biện pháp tư pháp quy định tại các Điều 47, 48 của Bộ luật này;
2. Khôi phục lại tình trạng ban đầu;
3. Thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra hoặc để phòng ngừa tội phạm.
Điều 83. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (mới)
Khi xét xử cùng một lần pháp nhân phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định sau:
1. Đối với hình phạt chính:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
b) Hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với từng lĩnh vực cụ thể thì không tổng hợp;
c) Hình phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác.
2. Đối với hình phạt bổ sung:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền được cộng lại thành hình phạt chung;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì pháp nhân bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.
Điều 84. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án (mới)
1. Trường hợp pháp nhân đang chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này.
Thời hạn đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
2. Khi xét xử một pháp nhân đang phải chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này.
3. Trong trường hợp một pháp nhân phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 85. Giảm mức hình phạt đã tuyên (mới)
Pháp nhân phạm tội bị kết án phạt tiền hoặc tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, nếu đã chấp hành được một phần hình phạt tiền hoặc đã chấp hành được một thời hạn nhất định đối với hình phạt tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn và đã tích cực khắc phục hậu quả hoặc bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra thì có thể được Tòa án xem xét giảm mức hình phạt đã tuyên.
Điều 86. Miễn hình phạt (mới)
Pháp nhân phạm tội có thể được miễn hình phạt khi có đủ các điều kiện sau:
1. Có nhiều tình tiết giảm nhẹ;
2. Đã khắc phục toàn bộ hậu quả hoặc đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Điều 87. Xóa án tích (mới)
Pháp nhân bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 01 năm kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân không bị kết án về tội phạm mới bằng bản án của Toà án có hiệu lực pháp luật.
Chương XII
NHỮNG QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI
NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI
Mục A
QUY ĐỊNH CHUNG VỀ XỬ LÝ HÌNH SỰ ĐỐI VỚI
NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI (mới)
Điều 88. Áp dụng Bộ luật hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội (sửa đổi)
Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Phần chung Bộ luật này.
Điều 89. Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội (sửa đổi)
1. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
2. Phương án 1:
Người chưa thành niên phạm tội được áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự theo quy định tại Mục B Chương này nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, có thái độ hối cải, thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ khác:
a) Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng do vô ý;
b) Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý, trừ các trường hợp quy định tại các điều Điều 123 (tội giết người); Điều 133 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 140 (tội hiếp dâm); Điều 141 (tội hiếp dâm trẻ em); Điều 150 (tội mua bán trẻ em); Điều167 (tội cướp tài sản); Điều 170 (tội cướp giật tài sản); Điều 249 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 253 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này.
c) Người chưa thành niên là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án.
Phương án 2:
Người chưa thành niên phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và giao cho gia đình, cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục:
a) Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng do vô ý;
b) Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, trừ các trường hợp quy định tại các điều Điều 123 (tội giết người); Điều 133 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 140 (tội hiếp dâm), Điều 141 (tội hiếp dâm trẻ em); Điều 150 (tội mua bán trẻ em); Điều167 (tội cướp tài sản); Điều 170 (tội cướp giật tài sản); Điều 249 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 253 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này.
c) Người chưa thành niên là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án.
3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
4. Khi xét xử, Toà án chỉ áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội nếu xét thấy việc áp dụng một trong các biện pháp tư pháp quy định tại mục C Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.
5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.
6. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
Khi xử phạt tù có thời hạn, Toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.
7. Án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
Phương án 1: Mục B
CÁC BIỆN PHÁP THAY THẾ XỬ LÝ HÌNH SỰ (mới)
(theo Phương án 1 của khoản 2 Điều 89)
Điều 90. Áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự (mới)
1. Các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội bao gồm:
a) Khiển trách;
b) Hoà giải tại cộng đồng;
c) Giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức.
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự nếu người chưa thành niên phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự.
3. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự buộc người chưa thành niên phải chấp hành các nghĩa vụ theo quy định tại các Điều 91, 92 và 93 của Bộ luật này.
Trường hợp người chưa thành niên được áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự cố tình không thực hiện các nghĩa vụ thì cơ quan đã áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự ra quyết định huỷ bỏ việc áp dụng biện pháp này và thủ tục tố tụng hình sự đối với người đó được tiến hành theo quy định chung.
Điều 91. Khiển trách (mới)
1. Khiển trách được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong những trường hợp sau đây nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội và hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ:
a) Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng;
b) Người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
2. Khi có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 89 và thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khiển trách.
Việc khiển trách đối với người chưa thành niên phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên.
3. Người bị khiển trách phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc;
b) Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;
c) Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề, các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương; tham gia lao động với hình thức phù hợp;
d) Trường hợp người chưa thành niên nghiện rượu, nghiện ma tuý thì phải cai nghiện.
4. Tuỳ từng trường hợp cụ thể cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ quy định tại các điểm b, c và d khoản 3 Điều này từ 03 tháng đến 01 năm.
Điều 92. Hoà giải tại cộng đồng (mới)
1. Hoà giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong những trường hợp sau đây:
a) Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng do vô ý xâm hại sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác;
b) Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 89 của Bộ luật này.
2. Khi có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 89 và thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp hoà giải tại cộng đồng và giao cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức việc hòa giải.
Trường hợp không hòa giải thành thì cơ quan đã áp dụng biện pháp hoà giải tại cộng đồng ra quyết định huỷ bỏ việc áp dụng biện pháp này và thủ tục tố tụng hình sự đối với người đó được tiến hành theo quy định chung.
3. Người được áp dụng biện pháp hoà giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại;
b) Các nghĩa vụ khác theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 91 của Bộ luật này.
Điều 93. Giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức (mới)
1. Giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong những trường hợp sau đây khi được gia đình, cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục:
a) Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng do vô ý;
b) Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 89 của Bộ luật này.
2. Khi có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 89 và thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức.
3. Thời hạn giám sát, giáo dục từ 06 tháng đến 02 năm, kể từ ngày ra quyết định áp dụng biện pháp này.
4. Người bị giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, cơ quan, tổ chức;
b) Không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép;
c) Các nghĩa vụ khác theo quy định tại khoản 3 Điều 91 của Bộ luật này.
Phương án 2: theo Phương án 2 của khoản 2 Điều 89.
Điều 90. Giám sát, giáo dục tại gia đình; giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức (mới)
1. Khi có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 89 của Bộ luật này, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án quyết định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và giao người chưa thành niên phạm tội cho gia đình, cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục.
2. Thời hạn giám sát, giáo dục từ 06 tháng đến 02 năm, kể từ ngày ra quyết định.
3. Người được giao cho gia đình, cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, cơ quan, tổ chức;
b) Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc;
c) Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;
d) Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề, các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương; tham gia lao động với hình thức phù hợp;
đ) Trường hợp người chưa thành niên nghiện rượu, nghiện ma tuý thì phải cai nghiện.
Mục C
CÁC BIỆN PHÁP TƯ PHÁP (mới)
Điều 94. Các biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội (sửa đổi)
Đối với người chưa thành niên phạm tội, Toà án ưu tiên quyết định áp dụng một trong các biện pháp tư pháp có tính giáo dục, phòng ngừa sau đây, trừ trường hợp việc áp dụng các hình phạt khác có lợi hơn cho họ:
1. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
2. Giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Điều 95. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sửa đổi)
1. Toà án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 01 năm đến 02 năm đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng.
2. Người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ về học tập, lao động, tuân theo pháp luật dưới sự quản lý, giáo dục của chính quyền xã, phường, thị trấn và tổ chức xã hội được Toà án giao trách nhiệm.
Điều 96. Giáo dục tại trường giáo dưỡng (sửa đổi)
1. Toà án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 01 năm đến 02 năm đối với người chưa thành niên phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ.
2. Người được giáo dục tại trường giáo dưỡng phải chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ về học tập, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.
Điều 97. Chấm dứt trước thời hạn việc chấp hành biện pháp tư pháp (sửa đổi)
Nếu người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc tại trường giáo dưỡng đã chấp hành một phần hai thời hạn do Toà án quyết định, có nhiều tiến bộ và được tổ chức, cơ quan, nhà trường được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục đề nghị thì Toà án quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc thời hạn ở trường giáo dưỡng.
Mục D
HÌNH PHẠT (mới)
Điều 98. Các hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội (giữ nguyên)
Người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm:
1. Cảnh cáo;
2. Phạt tiền;
3. Cải tạo không giam giữ;
4. Tù có thời hạn.
Điều 99. Phạt tiền (sửa đổi)
Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người chưa thành niên phạm tội, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng.
Mức phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội không quá 1/2 mức tiền phạt mà điều luật quy định.
Điều 100. Cải tạo không giam giữ (sửa đổi)
1. Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này.
2. Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội, thì không khấu trừ thu nhập của người đó.
Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội không quá 1/2 thời hạn mà điều luật quy định.
Điều 101. Tù có thời hạn (sửa đổi)
Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định như sau:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định.
Mục Đ
QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT, TỔNG HỢP HÌNH PHẠT,
MIỄN GIẢM HÌNH PHẠT, XÓA ÁN TÍCH (mới)
Điều 102. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt (mới)
1. Toà án quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên trong trường hợp chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 57 của Bộ luật này.
2. Mức hình phạt cao nhất đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chuẩn bị phạm tội không quá 1/2 mức hình phạt được quy định trong khung hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội trong điều luật được áp dụng.
3. Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt không quá 1/3 mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 99, 100 và 101 của Bộ luật này.
Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không quá 1/2 mức phạt tù có thời hạn quy định tại Điều 99, 100 và 101 của Bộ luật này.
Điều 103. Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (sửa đổi)
1. Khi xét xử cùng một lần người chưa thành niên phạm nhiều tội thì Toà án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt chung theo quy định tại Điều 54 của Bộ luật này.
Nếu hình phạt chung là cải tạo không giam giữ thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 03 năm. Nếu hình phạt chung là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không được vượt quá 18 năm đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội và 12 năm đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội.
2. Đối với người chưa thành niên phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 16 tuổi, có tội được thực hiện sau 16 tuổi, thì việc tổng hợp hình phạt áp dụng như sau:
a) Nếu mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện trước khi người đó đủ 16 tuổi nặng hơn hoặc bằng mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện sau 16 tuổi thì hình phạt chung không vượt quá mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Nếu mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện sau khi người đó đủ 16 tuổi nặng hơn mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện trước 16 tuổi thì hình phạt chung không vượt quá mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Đối với người phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 18 tuổi, thì việc tổng hợp hình phạt áp dụng như sau:
a) Nếu mức hình phạt Toà án tuyên đối với tội được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi nặng hơn hoặc bằng mức hình phạt áp dụng đối với tội được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Nếu mức hình phạt Toà án tuyên đối với tội được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi nặng hơn mức phạt áp dụng đối với tội thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi thì hình phạt chung áp dụng như đối với người đã thành niên phạm tội.
Điều 104. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án (mới)
Việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án này, được thực hiện theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Bộ luật này.
Hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 103 của Bộ luật này.
Điều 105. Giảm mức hình phạt đã tuyên (sửa đổi)
1. Người chưa thành niên bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu có tiến bộ và đã chấp hành được 1/4 thời hạn, thì được Toà án xét giảm; riêng đối với hình phạt tù, mỗi lần có thể giảm đến 04 năm nhưng phải bảo đảm đã chấp hành ít nhất là 2/5 mức hình phạt đã tuyên.
2. Người chưa thành niên bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì được xét giảm ngay và có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
3. Người chưa thành niên bị phạt tiền nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát, Toà án có thể quyết định giảm hoặc miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại.
Điều 106. Tha tù trước hạn có điều kiện (mới)
1. Người chưa thành niên đang chấp hành án phạt tù được tha tù trước hạn theo quy định tại Điều 64 của Bộ luật này khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Phạm tội lần đầu;
b) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt;
c) Đã chấp hành được một phần ba thời hạn phạt tù;
d) Có nơi cư trú rõ ràng.
2. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, Toà án ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm đối với người chưa thành niên được miễn chấp hành phần hình phạt tù còn lại có điều kiện.
Điều 107. Xoá án tích (sửa đổi)
1. Người chưa thành niên bị kết án về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng do cố ý, người chưa thành niên phạm tội bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục C của Chương này thì không bị coi là có án tích.
2. Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý được đương nhiên xoá án tích nếu trong thời hạn 03 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không phạm tội mới theo bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
PHẦN THỨ HAI. CÁC TỘI PHẠM
Chương XIII
CÁC TỘI XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA
Điều 108. Tội phản bội Tổ quốc (sửa đổi)
1. Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người đã câu kết với người ngoài nhằm gây nguy hại cho Nhà nước Việt Nam nhưng không tiếp tục thực hiện hành vi và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.
4. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (sửa đổi)
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm;
4. Người đã tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.
Điều 110. Tội gián điệp (sửa đổi)
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;
c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.
Điều 111. Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (sửa đổi)
Người nào xâm nhập lãnh thổ, có hành động làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân;
2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 112. Tội bạo loạn (sửa đổi)
Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chống chính quyền nhân dân thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (sửa đổi)
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà thực hiện một trong những hành vi sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố, cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, chế tạo, cung cấp vũ khí, huấn luyện phần tử khủng bố;
b) Xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức, hoặc người khác.
2. Phạm tội trong trường hợp xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp đe doạ xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
4. Khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này.
5. Người chuẩn bị phạm tội theo khoản 2 Điều này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Trường hợp chuẩn bị phạm tội theo khoản 1 Điều này thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Điều 114. Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi)
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, văn hoá, xã hội, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 115. Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội (sửa đổi)
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 20 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Điều 116. Tội phá hoại chính sách đoàn kết (sửa đổi)
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm:
a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội;
b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;
c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội;
d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi)
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu có nội dung phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu gây hoang mang trong nhân dân.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 118. Tội phá rối an ninh (sửa đổi)
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 109 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 119. Tội chống phá trại giam (sửa đổi)
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá trại giam, tổ chức vượt trại giam, đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải hoặc trốn trại giam, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 120. Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (sửa đổi)
1. Người nào tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Điều 121. Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (sửa đổi)
1. Người nào trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Điều 122. Hình phạt bổ sung (sửa đổi)
Người phạm tội quy định tại Chương này còn có thể bị tước một số quyền công dân từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Chương XIV
CÁC TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG,
SỨC KHỎE, NHÂN PHẨM, DANH DỰ CỦA CON NGƯỜI
Điều 123. Tội giết người (sửa đổi)
1. Người nào cố ý tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
b) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
c) Giết người thuê hoặc thuê giết người;
d) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
đ) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
e) Có tính chất côn đồ;
g) Vì động cơ đê hèn.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột, người nuôi dưỡng mình;
b) Có tổ chức
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết trẻ em;
đ) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
e) Giết từ 02 người trở lên;
g) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
h) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
i) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
k) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 124. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ (sửa đổi)
Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ dẫn đến hậu quả đứa trẻ đó chết thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Điều 125. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (sửa đổi)
1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 05 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (sửa đổi)
1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Giết từ 02 người trở lên trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Điều 127. Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (sửa đổi)
1. Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội làm chết từ 02 người trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 128. Tội vô ý làm chết người (sửa đổi)
1. Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết từ 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (sửa đổi)
1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm.
2. Phạm tội làm chết từ 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 130. Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tự tước đoạt tính mạng của họ;
b) Tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác tự tước đoạt tính mạng của họ.
2. Phạm tội làm 02 người trở lên tự sát thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Điều 131. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (sửa đổi)
1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
3. Phạm tội dẫn đến hậu quả từ 02 người trở lên chết thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 132. Tội đe dọa giết người (sửa đổi)
1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đối với từ 02 người trở lên;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
d) Đối với trẻ em;
đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.
Điều 133. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (sửa đổi)
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;
b) Dùng a-xít sunfuric hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác;
c) Gây cố tật cho nạn nhân;
d) Phạm tội từ 02 lần trở lên đối với cùng một người;
đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;
e) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột, người nuôi dưỡng mình;
h) Có tổ chức;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;
l) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe thuê hoặc thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe;
m) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
n) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm m khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết từ 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho từ 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể mỗi người từ 61% trở lên;
c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
d) Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác.
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (sửa đổi)
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 06 tháng đến 03 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác.
Điều 135. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (sửa đổi)
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
2. Phạm tội đối với từ 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 136. Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong khi thi hành công vụ (sửa đổi)
1. Người nào trong khi thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội đối với từ 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 137. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (sửa đổi)
1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 138. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (sửa đổi)
1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên, do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 139. Tội hành hạ người khác (sửa đổi)
1. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 187 Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ mà biết là đang có thai hoặc người tàn tật;
b) Đối với từ 02 người trở lên;
c) Dẫn đến hậu quả làm người đó tự sát.
3. Phạm tội làm 02 người trở lên tự sát thì bị phạt tù 05 năm đến 10 năm.
Điều 140. Tội hiếp dâm (sửa đổi)
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của người khác hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác mà không được sự đồng ý của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
đ) Đối với từ 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Phạm tội hiếp dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 141. Tội hiếp dâm trẻ em (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi mà không được sự đồng ý của họ;
b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với trẻ em dưới 13 tuổi.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Có tổ chức;
b) Nhiều người hiếp một người;
c) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
d) Đối với từ 02 người trở lên;
đ) Phạm tội đối với trẻ em dưới 06 tuổi;
e) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
g) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
h) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 142. Tội cưỡng dâm (sửa đổi)
1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình, người vợ hoặc người chồng hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Cưỡng dâm từ 02 lần trở lên;
c) Cưỡng dâm từ 02 người trở lên;
d) Có tính chất loạn luân;
đ) Làm nạn nhân có thai;
e) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Cưỡng dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 143. Tội cưỡng dâm trẻ em (sửa đổi)
1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 02 người trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
đ) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
e) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 144. Tội giao cấu với trẻ em (sửa đổi)
1. Người nào đã thành niên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 141 và Điều 143 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
b) Đối với từ 02 người trở lên;
c) Có tính chất loạn luân;
d) Làm nạn nhân có thai;
đ) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
e) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 145. Tội dâm ô đối với trẻ em (sửa đổi)
1. Người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với từ 02 trẻ em trở lên;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 146. Tội khiêu dâm trẻ em (mới)
1. Người nào đã thành niên mà sử dụng trẻ em tham gia hoặc thực hiện các hành vi khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 02 trẻ em trở lên;
d) Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 147. Tội lây truyền HIV cho người khác (sửa đổi)
1. Người nào biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Đối với từ 02 người trở lên;
b) Đối với người chưa thành niên;
c) Đối với thầy thuốc hoặc nhân viên y tế trực tiếp chữa bệnh cho mình;
d) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Điều 148. Tội cố ý truyền HIV cho người khác (sửa đổi)
1. Người nào cố ý truyền HIV cho người khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 147 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Đối với người chưa thành niên;
b) Đối với từ 02 người trở lên;
c) Lợi dụng nghề nghiệp;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 149. Tội mua bán người (sửa đổi)
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tìm kiếm, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây hậu quả nghiêm trọng;
c) Đưa nạn nhân ra nước ngoài;
d) Đối với từ 02 người trở lên;
đ) Phạm tội từ 02 lần trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1 điều này thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 01 năm;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều này thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 điều này hoặc thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
d) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doạnh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 150. Tội mua bán trẻ em (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Chuyển giao trẻ em hoặc tiếp nhận trẻ em để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác nếu không thuộc trường hợp cho, nhận con nuôi vì lý do nhân đạo và không vì vụ lợi;
b) Chuyển giao trẻ em hoặc tiếp nhận trẻ em để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp trẻ em để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Đối với từ 02 trẻ em trở lên;
c) Đối với trẻ em mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Đưa nạn nhân ra nước ngoài;
đ) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1 điều này thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 12.000.000.000 đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 01 năm;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều này thì bị phạt tiền từ 12.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 điều này hoặc thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
d) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doạnh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 151. Tội đánh tráo trẻ em (sửa đổi)
1. Người nào tráo đổi trẻ em này với trẻ em khác thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với trẻ em mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Đối với từ 02 trẻ em trở lên;
đ) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
c) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 152. Tội chiếm đoạt trẻ em (sửa đổi)
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, bắt trộm, lừa đảo, lợi dụng tình trạng khó khăn, sự lệ thuộc của cha mẹ hoặc của người nuôi dưỡng trẻ em nhằm chiếm giữ đứa trẻ hoặc giao cho người khác chiếm giữ đứa trẻ đó thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với trẻ em mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Đối với từ 02 trẻ em trở lên;
đ) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
c) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 153. Tội mua bán, chiếm đoạt mô, tạng, các bộ phận cơ thể người (mới)
1. Người nào mua bán hoặc chiếm đoạt mô, tạng, bộ phận cơ thể người khác thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Vì mục đích thương mại;
b) Có tổ chức;
c) Đối với từ 02 người trở lên;
d) Đối với trẻ em;
đ) Phạm tội từ 02 lần trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;
c) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 154. Tội làm nhục người khác (sửa đổi)
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
b) Đối với từ 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng internet để phạm tội;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 155. Tội vu khống (sửa đổi)
1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với từ 02 người trở lên;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người đang thi hành công vụ;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng internet để phạm tội;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng;
h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Chương XV
CÁC TỘI XÂM PHẠM QUYỀN TỰ DO CỦA CON NGƯỜI,
QUYỀN TỰ DO, DÂN CHỦ CỦA CÔNG DÂN
Điều 156. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (sửa đổi)
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 390 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 03 năm đến 05 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người thi hành công vụ;
d) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người chưa thành niên, phụ nữ có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng;
g) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân;
h) Gây thiệt hại về vật chất cho cơ quan, tổ chức, cá nhân từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật tự sát hoặc do bị giam giữ lâu mà mắc bệnh nặng hoặc chết trong khi bị giam giữ;
b) Người bị giam, giữ lâu ngày là lao động duy nhất, làm cho gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn, quẫn bách;
c) Làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc gây thiệt hại về vật chất cho cơ quan, tổ chức, cá nhân từ 100.000.000 đồng trở lên;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 157. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Không có thẩm quyền mà ra lệnh, quyết định khám xét chỗ ở của người khác;
b) Có thẩm quyền nhưng ra lệnh, quyết định khám xét chỗ ở của người khác không có căn cứ theo quy định của pháp luật;
c) Thực hiện khám xét chỗ ở của người khác mà không có lệnh, quyết định theo quy định hoặc tuy có lệnh nhưng chưa có hiệu lực thi hành hoặc khám xét không đúng trình tự, thủ tục;
d) Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;
đ) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang sống hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của mình hoặc hành vi trái pháp luật khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 05 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản của người khác từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
đ) Gia đình người bị xâm phạm lâm vào tình trạng không có nơi sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm người bị đuổi ra khỏi chỗ ở uất ức mà tự sát hoặc lâm bệnh nặng;
b) Gây thiệt hại về tài sản của người khác từ 100.000.000 đồng trở lên;
c) Gây mất trật tự, an toàn xã hội;
d) Ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 158. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm:
a) Chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông đoạt bằng bất kỳ hình thức nào, thủ đoạn nào;
b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư, điện báo, telex, fax, video hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông của người khác;
c) Nghe trộm, ghi âm trộm các cuộc đàm thoại mà không được sự đồng ý của người khác;
d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm trái phép;
đ) Các hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản cho người khác từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
đ) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm nạn nhân tự sát hoặc mắc bệnh nặng vì thông tin bị chiếm đoạt, bị tiết lộ;
b) Gây thiệt hại về tài sản cho người khác từ 100.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan, tổ chức hoặc danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 159. Tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử, quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử, quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Đưa thông tin sai lệch làm cho người khác không thực hiện hoặc thực hiện việc bầu cử, ứng cử, biểu quyết trái với mong muốn của mình;
b) Cản trở người khác thực hiện quyền bầu cử, ứng cử, quyền biểu quyết hoặc lợi dụng tình trạng hạn chế về thể chất của người khác để ghi phiếu bầu, thực hiện việc biểu quyết không đúng ý chí của họ;
c) Dùng tiền, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất mua chuộc, lôi kéo người khác để họ không thực hiện hoặc thực hiện việc bầu cử, ứng cử, biểu quyết trái với mong muốn của họ;
d) Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực để buộc người khác không thực hiện hoặc phải thực hiện việc bầu cử, ứng cử, biểu quyết trái với mong muốn của họ;
đ) Mở hoặc đóng hòm phiếu trước hoặc sau giờ quy định, không niêm yết hòm phiếu;
e) Cố ý bỏ lọt danh sách cử tri; không thông báo thời gian, địa điểm bầu cử, trưng cầu ý dân để người khác không thực hiện bầu cử, ứng cử, biểu quyết.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 04 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây bất bình trong nhân dân;
d) Dẫn đến khiếu kiện đông người;
đ) Phải tổ chức bầu cử, trưng cầu ý dân lại;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 160. Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân (sửa đổi)
1. Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, việc trưng cầu ý dân mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm:
a) Làm giả hoặc sửa chữa nội dung các giấy tờ có liên quan đến kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân; sửa chữa biên bản kiểm phiếu, trưng cầu dân ý; lập biên bản kiểm phiếu, biên bản trưng cầu ý dân sai;
b) Rút phiếu bầu, tăng phiếu bầu; xoá tên, thêm tên trong các phiếu bầu, làm giả phiếu bầu để đánh tráo phiếu thật;làm sai lệch nội dung trưng cầu ý dân;
c) Quay vòng phiếu bầu, đánh tráo hòm phiếu, báo cáo sai kết quả kiểm phiếu, kết quả trưng cầu dân ý;
d) Các thủ đoạn khác làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 04 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây bất bình trong nhân dân;
c) Dẫn đến khiếu kiện đông người;
đ) Phải tổ chức bầu cử, trưng cầu ý dân lại.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 161. Tội buộc người lao động, công chức, viên chức thôi việc trái pháp luật (sửa đổi)
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây làm cho kinh tế gia đình của người bị thôi việc lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công, khiếu kiện kéo dài gây mất trật tự trị an, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;
b) Huỷ bỏ hợp đồng lao động trái pháp luật đối với người lao động;
c) Cưỡng ép, đe doạ buộc người lao động, công chức, viên chức phải thôi việc.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Đối với phụ nữ;
c) Làm người bị buộc thôi việc tự sát;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 162. Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Đe doạ dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần hoặc dùng thủ đoạn khác nhằm ngăn cản người khác tổ chức hoặc tham gia hội, họp hợp pháp theo quy định của pháp luật;
b) Tuyên truyền, lôi kéo, ép buộc hoặc thủ đoạn khác nhằm ép buộc người khác phải tham gia hội, họp trái với mong muốn của ho.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
d) Đối với 02 người trở lên;
đ) Dẫn đến biểu tình tự phát hoặc khiếu kiện kéo dài;
e) Gây mất trật tự, an toàn xã hội;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 163. Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Đe doạ dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần hoặc dùng thủ đoạn khác nhằm ngăn cản người khác tham gia tổ chức tôn giáo, hoạt động tín ngưỡng hợp pháp của người khác;
b) Tuyên truyền, lôi kéo, ép buộc hoặc thủ đoạn khác nhằm ép buộc người khác phải tham gia tổ chức tôn giáo, hoạt động tín ngưỡng trái với mong muốn của họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Đối với 02 người trở lên;
đ) Dẫn đến biểu tình tự phát hoặc khiếu kiện kéo dài;
e) Gây mất trật tự, an toàn xã hội;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 164. Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới (sửa đổi)
1. Người nào dùng vũ lực hoặc có hành vi nghiêm trọng khác cản trở phụ nữ, người đã chuyển đổi giới tính hoặc người không xác định được giới tính tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 165. Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo (sửa đổi)
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo;
b) Có trách nhiệm mà cố ý không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
a) Có tổ chức
b) Trả thù người khiếu nại, tố cáo;
c) Gây dư luận xấu trong nhân dân;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Gây mất trật tự, an toàn xã hội;
b) Dẫn đến khiếu kiện đông người, khiếu kiện kéo dài;
c) Làm nạn nhân tự sát;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 166. Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (mới)
1. Người nào cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình và các quyền tự do, dân chủ khác của công dân nếu không thuộc trường hợp quy định tại các các Điều 156, 157, 158, 159, 162, 163, 164 và 165 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm.
Chương XVI
CÁC TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU
Điều 167. Tội cướp tài sản (sửa đổi)
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Chiếm đoạt cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá;
h) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Chiếm đoạt cổ vật có giá trị đặc biệt hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá đặc biệt;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm, tù chung thân:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
c) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên;
d) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 168. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (sửa đổi)
1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
b) Đối với trẻ em;
c) Đối với người thân thích;
d) Đối với từ 02 người trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Chiếm đoạt cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá;
h) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
đ) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Chiếm đoạt cổ vật có giá trị đặc biệt hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá đặc biệt;
g) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 169. Tội cưỡng đoạt tài sản (sửa đổi)
1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Chiếm đoạt cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt cổ vật có giá trị đặc biệt hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá đặc biệt;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 170. Tội cướp giật tài sản (sửa đổi)
1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
h) Chiếm đoạt cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá;
i) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Chiếm đoạt cổ vật có giá trị đặc biệt hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá đặc biệt;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 171. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (sửa đổi)
1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá trị tài sản đã chiếm đoạt, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá;
c) Hành hung để tẩu thoát;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d hoặc đ khoản này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt cổ vật có giá trị đặc biệt hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá đặc biệt;
c) Chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d hoặc đ khoản 2 Điều này;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d hoặc đ khoản 2 Điều này;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 172. Tội trộm cắp tài sản (sửa đổi)
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính về hành vi này chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Tài sản bị trộm cắp là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ hoặc có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
e) Hành hung để tẩu thoát;
g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
h) Chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tai điểm a, b, c, d, đ hoặc e khoản này;
i) Chiếm đoạt cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá;
k) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt cổ vật có giá trị đặc biệt hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá đặc biệt;
c) Chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d, đ hoặc e khoản 2 Điều này;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tai điểm a, b, c, d, đ hoặc e khoản 2 Điều này;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 173. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (sửa đổi)
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Chiếm đoạt cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá;
h) Chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tai điểm a, b, c, d, đ, e khoản này;
i) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt cổ vật có giá trị đặc biệt hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá đặc biệt;
c) Chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e khoản 2 Điều này;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e khoản 2 Điều này;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 174. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (sửa đổi)
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 nămhoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng, đến thời hạn phải trả lại tài sản nhưng cố tình không trả lại tài sản mặc dù có khả năng trả lại tài sản đó;
c) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 05 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
đ) Tái phạm nguy hiểm;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Chiếm đoạt cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá;
h) Chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tai điểm a, b, c, d, đ khoản này;
i) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt cổ vật có giá trị đặc biệt hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá đặc biệt;
c) Chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tai điểm a, b, c, d, đ khoản 2 Điều này;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tai điểm a, b, c, d, đ khoản 2 Điều này;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.
Điều 175. Tội chiếm giữ trái phép tài sản (sửa đổi)
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 01 lần đến 03 lần giá trị tài sản chiếm giữ, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 05 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 176. Tội sử dụng trái phép tài sản (sửa đổi)
1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền bằng giá trị tài sản đã sử dụng trái phép, cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá trị tài sản đã sử dụng trái phép, cải tạo không giam giữ đến 05 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu qủa đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 177. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (sửa đổi)
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá trị tài sản bị hư hỏng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 03 lần đến 05 lần giá trị tài sản bị làm hư hỏng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng chất nổ, chất cháy, hóa chất hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Để che giấu tội phạm khác;
đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Tái phạm nguy hiểm;
h) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
i) Gây thiệt hại cho tài sản là cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá;
k) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tai điểm a, b, c, d, đ khoản này;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại cho tài sản là cổ vật có giá trị đặc biệt hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá đặc biệt;
c) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d, đ, g khoản 2 Điều này;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tai điểm a, b, c, d, đ khoản 2 Điều này;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 178. Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (sửa đổi)
1. Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần giá trị tài sản bị mất mát, hư hỏng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá trị tài sản, phạt cải tạo không giam giữ đến 05 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý tài sản từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 179. Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (sửa đổi)
1. Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của người khác có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 05 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Chương XVII
CÁC TỘI XÂM PHẠM CHẾ ĐỘ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
Điều 180. Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ (sửa đổi)
Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Điều 181. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (sửa đổi )
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
c) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 182. Tội tổ chức tảo hôn (sửa đổi)
Người nào tổ chức việc kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Điều 183. Tội đăng ký kết hôn trái pháp luật (sửa đổi)
1. Người nào có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc đăng ký kết hôn biết rõ người yêu cầu đăng ký kết hôn không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hoặc việc kết hôn là giả mạo mà vẫn thực hiện đăng ký kết hôn, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 184. Tội đăng ký con nuôi, nhận cha, mẹ, con trái pháp luật (mới)
Người nào có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc đăng ký nuôi con nuôi, nhận cha, mẹ, con biết rõ người yêu cầu đăng ký nuôi con nuôi, nhận cha, mẹ, con không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, không nhằm mục đích nuôi con nuôi hoặc việc nhận nuôi con nuôi, nhận cha, mẹ, con là giả mạo mà vẫn thực hiện đăng ký thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 185. Tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật (mới)
1. Người nào có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc đăng ký hộ tịch biết rõ là người xin đăng ký không đủ điều kiện mà vẫn đăng ký cho người đó, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 186. Tội loạn luân (sửa đổi)
1. Người nào giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
Điều 187. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (sửa đổi)
1. Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho nạn nhân bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất danh dự, đau khổ tinh thần;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân;
c) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đối với người từ 70 tuổi trở lên, trẻ em, phụ nữ có thai;
b) Đối với 02 người trở lên.
Điều 188. Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (sửa đổi)
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật, đã bị Tòa án ra quyết định buộc phải thực hiện nghĩa vụ đó mà không thực hiện thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Điều 189. Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (mới)
1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
b) Gây hậu quả nghiêm trọng;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Chương XVIII
CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ
Mục A
CÁC TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC SẢN XUẤT,
KINH DOANH, THƯƠNG MẠI
Điều 190. Tội buôn lậu (sửa đổi)
1. Người nào buôn bán trái phép qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 252, 256, 261, 311, 321 và 323 của Bộ luật này;
b) Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá;
c) Hàng cấm có số lượng lớn nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 252, 256, 261, 311, 321 và 323 của Bộ luật này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Vật phạm pháp có giá trị từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Hàng cấm có số lượng rất lớn;
e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác;
h) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
i) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
k) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
l) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Hàng cấm có số lượng đặc biệt lớn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Vật phạm pháp có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
6. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 900.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 900.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 4.500.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 50.000.000.000 đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 191. Tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới (sửa đổi)
1. Người nào vận chuyển trái phép qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 251, 255, 260, 311, 321 và 323 của Bộ luật này;
b) Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá, đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm;
c) Hàng cấm có số lượng lớn nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 251, 255, 260, 311, 321 và 323 của Bộ luật này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Vật phạm pháp có giá trị từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Hàng cấm có số lượng rất lớn;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc hàng cấm có số lượng đặc biệt lớn, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (sửa đổi)
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng hoá mà Nhà nước cấm đầu tư kinh doanh có số lượng lớn hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 252, 256, 261, 311, 321 và 323 của Bộ luật này thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc thu lợi bất chính từ 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 12.000.000.000 đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 193. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (sửa đổi)
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng hoá mà Nhà nước cấm đầu tư kinh doanh có số lượng lớn hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 251, 255, 260, 311, 321 và 323 của Bộ luật này thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc thu lợi bất chính từ 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (sửa đổi)
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá thành sản xuất hàng giả, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc giá trị của hàng giả tương đương với hàng thật trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả có giá thành sản xuất từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 03 lần đến 05 lần giá thành sản xuất hàng giả hoặc giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Hàng giả có giá thành sản xuất từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng;
đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá thành sản xuất hàng giả hoặc giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Tái phạm nguy hiểm;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Hàng giả có giá thành sản xuất từ 100.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
g) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên;
h) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền 02 lần đến 03 lần giá thành sản xuất hàng giả, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc giá trị của hàng giả tương đương với hàng thật trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 03 lần đến 05 lần giá thành sản xuất hàng giả, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc giá trị của hàng giả tương đương với hàng thật trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá thành sản xuất hàng giả, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc giá trị của hàng giả tương đương với hàng thật trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm (sửa đổi)
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
6. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 04 lần giá thành sản xuất hàng giả, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc giá trị của hàng giả tương đương với hàng thật trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 04 lần đến 06 lần giá thành sản xuất hàng giả, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc giá trị của hàng giả tương đương với hàng thật trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 06 lần đến 08 lần giá thành sản xuất hàng giả, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc giá trị của hàng giả tương đương với hàng thật trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này thì bị phạt tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doạnh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 196. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (sửa đổi)
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người chỉ huy, cầm đầu, chủ mưu, tái phạm nguy hiểm phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này thì bị phạt tù chung thân hoặc tử hình.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
7. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 03 lần đến 05 lần giá thành sản xuất hàng giả, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc giá trị của hàng giả tương đương với hàng thật trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá thành sản xuất hàng giả, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc giá trị của hàng giả tương đương với hàng thật trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 07 lần đến 09 lần giá thành sản xuất hàng giả, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc giá trị của hàng giả tương đương với hàng thật trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này thì bị phạt tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 197. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi (sửa đổi)
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 05 lần giá thành sản xuất hàng giả, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc giá trị của hàng giả tương đương với hàng thật trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả có giá thành sản xuất từ 5.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
b) Hàng giả có giá thành sản xuất từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
c) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 50.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng;
d) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Hàng giả có giá thành sản xuất từ 100.000.000 đồng trở lên;
d) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 150.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
e) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên;
g) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 03 lần đến 05 lần giá thành sản xuất hàng giả, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc giá trị của hàng giả tương đương với hàng thật trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá thành sản xuất hàng giả, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc giá trị của hàng giả tương đương với hàng thật trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 07 lần đến 09 lần giá thành sản xuất hàng giả, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc giá trị của hàng giả tương đương với hàng thật trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 198. Tội đầu cơ (sửa đổi)
1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa có số lượng lớn;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
b) Hàng đầu cơ có số lượng rất lớn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Hàng đầu cơ có số lượng đặc biệt lớn;
d) Thu lợi bất chính từ 1.000.000.000 đồng trở lên;
đ) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 199.Tội quảng cáo gian dối (sửa đổi)
1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hoá, dịch vụ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 200. Tội lừa dối khách hàng (sửa đổi)
1. Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hóa, tài sản hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 201. Tội vi phạm quy định về sử dụng điện (mới)
1. Người nào vi phạm quy định về sử dụng điện thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Tự ý lắp đặt, đóng, cắt, sửa chữa, thay thế các thiết bị điện và công trình điện của bên bán điện gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm;
b) Gây hư hại, tự ý di chuyển, làm sai lệch hệ thống đo đếm điện, thiết bị điện và công trình điện của bên bán điện gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm;
c) Sử dụng điện trái phép dưới mọi hình thức với số lượng dưới 50.000 kWh và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;
d) Tự ý bán điện cho tổ chức, cá nhân sử dụng điện khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt từ từ 02 năm đến 05 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Sử dụng điện trái phép với số lượng từ 50.000 kWh đến dưới 150.000 kWh;
d) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt từ từ 05 năm đến 10 năm:
a) Sử dụng điện trái phép với số lượng từ 150.000 kWh trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 202. Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện (sửa đổi)
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Cho phép xây nhà, công trình hoặc tự ý xây nhà, công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình điện;
b) Gây nổ, gây cháy, đốt rừng làm nương rẫy, làm đổ cây ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình điện;
c) Đào hố, đóng cọc, xây nhà lên hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm;
d) Thả neo tàu, thuyền trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm đặt ở lòng sông, lòng biển đã có thông báo hoặc biển báo.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 203. Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện (sửa đổi)
1. Người nào có trách nhiệm mà thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Cắt điện không có căn cứ hoặc không thông báo theo quy định;
b) Từ chối cung cấp điện không có căn cứ;
c) Trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Mục B
CÁC TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC THUẾ, TÀI CHÍNH,
NGÂN HÀNG, CHỨNG KHOÁN, BẢO HIỂM
Điều 204. Tội trốn thuế (sửa đổi)
1. Người nào trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đồng thời thực hiện một trong các hành vi sau mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm độc lập, thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 05 lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm:
a) Đưa hối lộ;
b) Chống người thi hành công vụ;
c) Gây thương tích cho người thi hành công vụ;
d) Hủy hoại tài sản của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế và cơ quan nhà nước khác có trách nhiệm trong việc thực hiện quản lý thuế.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 05 lần số tiền trốn thuế, phạt cải tạo không giam giữ đến 05 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Trốn thuế với số tiền từ 300.000.000 đồng đến dưới 600.000.000 đồng;
b) Tái phạm về tội này;
c) Trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đồng thời thực hiện thêm một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm độc lập.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 05 lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Trốn thuế với số tiền từ 600.000.000 đồng trở lên;
b) Trốn thuế với số tiền từ 300.000.000 đồng đến dưới 600.000.000 đồng nhưng đồng thời thực hiện thêm một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm độc lập.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 01 lần đến 03 lần số tiền trốn thuế.
5. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền gấp từ 02 lần đến 05 lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân tại khoản tương ứng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
d) Pháp nhân còn có thể bị cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 205. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (sửa đổi)
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất do Bộ luật dân sự quy định từ 05 lần trở lên, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 05 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 05 lần số tiền thu lợi bất chính, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 206. Tội làm, buôn bán tem giả, vé giả (sửa đổi)
1. Người nào làm, buôn bán các loại tem giả, vé giả với số lượng lớn thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 207. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ (sửa đổi)
1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên;
e) Gây thiệt hại cho người khác hoặc cho ngân sách nhà nước có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền gấp từ 02 lần đến 05 lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
d) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 208. Tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ (sửa đổi)
1. Người nào có trách nhiệm bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ mà vi phạm quy định của Nhà nước về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước gây thiệt hại cho người khác hoặc cho ngân sách nhà nước có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại cho người khác hoặc cho ngân sách nhà nước có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 209. Tội lập quỹ trái phép (sửa đổi)
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập quỹ trái phép có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng và đã sử dụng quỹ đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá trị quỹ trái phép đó hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 03 lần đến 05 lần giá trị quỹ trái phép đó hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Dùng thủ đoạn xảo quyệt để trốn tránh việc kiểm soát;
b) Để thực hiện tội phạm khác;
c) Quỹ trái phép có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Quỹ trái phép có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
4. Phạm tội trong trường hợp quỹ trái phép có giá trị từ một 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Điều 210. Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sửa đổi)
1. Người nào trong hoạt động ngân hàng mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 07 năm:
a) Cấp tín dụng cho những trường hợp không được cấp tín dụng trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;
b) Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng không được cấp phép tín dụng theo quy định;
c) Cấp tín dụng vượt quá giới hạn quy định;
d) Vi phạm quy định về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần;
đ) Giả mạo chứng từ thanh toán; phá hủy hoặc làm thay đổi trái phép chứng từ thanh toán; mở hoặc sử dụng phương tiện thanh toán không đúng quy định pháp luật;
e) Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động ngân hàng.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 211. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, công trái giả (sửa đổi)
1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, công trái giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân.
4. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 212. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, công cụ chuyển nhượng giả, các giấy tờ có giá giả khác (sửa đổi)
1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, công cụ chuyển nhượng giả, các giấy tờ có giá giả khác, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 213. Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (sửa đổi)
1. Người nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán gây thiệt hại về vật chất cho nhà đầu tư với số tiền từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên;
c) Gây thiệt hại về vật chất cho nhà đầu từ với số tiền từ 3.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền gấp từ 02 lần đến 05 lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
d) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 214. Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (sửa đổi)
1. Người nào biết được thông tin liên quan đến công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố mà nếu được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng đó mà sử dụng thông tin này để mua bán chứng khoán hoặc tiết lộ, cung cấp thông tin này hoặc tư vấn cho người khác mua bán chứng khoán trên cơ sở thông tin đó thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Gây thiệt hại về vật chất cho nhà đầu tư với số tiền từ 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền gấp từ 02 lần đến 05 lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
d) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 215. Tội thao túng giá thị trường chứng khoán (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi thao túng giá thị trường chứng khoán sau đây thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại vật chất cho nhà đầu tư với số tiền từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo;
b) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán;
c) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
d) Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;
đ) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;
e) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên;
c) Gây thiệt hại vật chất cho nhà đầu từ với số tiền từ 3.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền gấp từ 02 lần đến 05 lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
d) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 216. Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (mới)
1. Người nào làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại vật chất cho nhà đầu tư với số tiền từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Có tổ chức;
c) Gây thiệt hại vật chất cho nhà đầu tư với số tiền từ 3.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 217. Tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm (mới)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng thì bị phạt tiền gấp từ 02 lần đến 03 lần số tiền đã chiếm đoạt hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Làm sai lệch thông tin khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
b) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác;
c) Lập hồ sơ giả, hiện trường giả hoặc thay đổi tình tiết về tổn thất, sự kiện bảo hiểm;
d) Khai tăng hoặc khai khống mức độ tổn thất, sự kiện bảo hiểm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 03 đến 05 lần số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
d) Trục lợi số tiền bảo hiểm có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Trục lợi số tiền bảo hiểm có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên;
b) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu thuộc các trường hợp sau đây:
a) Phạm tội lần đầu và tự thú;
b) Trước khi xét xử đã nộp toàn bộ số tiền bảo hiểm đã chiếm đoạt;
c) Tích cực khắc phục một phần hoặc toàn bộ thiệt hại xảy ra.
Điều 218. Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (mới)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần số tiền chiếm đoạt hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối tổ chức bảo hiểm xã hội;
b) Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội để mình hoặc người khác được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 03 lần đến 05 lần số tiền chiếm đoạt hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Giá trị chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 100.000.000 đồng trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 219. Tội gian lận bảo hiểm y tế (mới)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 05 lần số tiền đã chiếm đoạt hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Lập hồ sơ bệnh án hoặc kê tăng số lượng, thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng;
b) Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa hoặc thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 03 lần đến 07 lần số tiền đã chiếm đoạt hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Giá trị chế độ bảo hiểm y tế hưởng lợi từ 100.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 220. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (mới)
1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà không đóng hoặc không đóng đầy đủ số người hoặc số tiền phải đóng theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì bị phạt tiền từ 02 đến 03 lần số tiền trốn đóng bảo hiểm hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm từ với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 20 người đến dưới 50 người lao động.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 03 lần đến 05 lần số tiền trốn đóng bảo hiểm hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Trốn đóng bảo hiểm với số tiền từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
d) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người.
3. Phạm tội trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 05 đến 07 lần số tiền trốn đóng bảo hiểm hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm với số tiền từ 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 200 người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Người phạm tội lần đầu, đã nộp toàn bộ số tiền trốn đóng bảo hiểm và khắc phục toàn bộ thiệt hại xảy ra trước khi xét xử thì được miễn trách nhiệm hình sự.
Trường hợp người phạm tội đã nộp toàn bộ số tiền trốn đóng bảo hiểm và đã khắc phục một phần thiệt hại xảy ra trước khi xét xử thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
6. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền gấp từ 02 lần đến 03 lần mức phạt áp dụng đối với cá nhân phạm tội;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền gấp từ 03 đến 05 lần mức phạt áp dụng đối với cá nhân phạm tội;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền gấp từ 05 đến 10 lần mức phạt áp dụng đối với cá nhân phạm tội;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Mục C
CÁC TỘI PHẠM KHÁC XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ
Điều 221. Tội vi phạm quy định về cạnh tranh (mới)
1. Người nào vi phạm các quy định về cạnh tranh, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10% đến 30% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi phạm tội của từng người là các bên của thỏa thuận hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Cạnh tranh không lành mạnh;
b) Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp;
c) Thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, nguồn cung dịch vụ;
d) Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua bán hàng hóa, dịch vụ;
đ) Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư;
e) Thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng;
g) Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;
h) Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận;
i) Thông đồng để một hoặc các bên của thỏa thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 30% đến 50% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi phạm tội của mỗi bên là các bên của thỏa thuận hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 30% đến 50% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi phạm tội của từng pháp nhân là các bên của thỏa thuận;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 50% đến 80% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi phạm tội của từng pháp nhân là các bên của thỏa thuận;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
d) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 222. Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (mới)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, gây thiệt hại về vật chất cho người khác với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm:
a) Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá;
b) Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản;
c) Thông đồng, dìm giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây thiệt hại về vật chất cho người khác với số tiền từ 200.000.000 đồng trở lên;
d) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 223. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (sửa đổi)
1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 02 năm:
a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 05 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền gấp từ 02 lần đến 05 lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
d) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 224. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (sửa đổi)
1. Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 05 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền gấp từ 02 lần đến 05 lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
d) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 225. Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác khoáng sản (sửa đổi)
1. Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác khoáng sản trong đất liền, hải đảo, nội thuỷ, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 10 năm:
a) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên;
b) Có tổ chức;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
Điều 226. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai (sửa đổi)
1. Người nào lấn chiếm đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất, sử dụng đất trái với các quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng đất đai gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Điều 227. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai (sửa đổi)
1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đất trồng lúa có diện tích từ 05 đến dưới 07 hec ta; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 15 hec ta đến dưới 20 hec ta; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 07 hec ta đến dưới 10 hec ta;
b) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp;
b) Gây hậu quả nghiêm trọng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đất trồng lúa có diện tích từ 07 hec ta đến dưới 10 hec ta; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 20 hec ta đến dưới 30 hec ta; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10 hec ta đến dưới 15 hec ta;
c) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Đất trồng lúa có diện tích từ 10 hec ta trở lên; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 30 hec ta trở lên; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 15 hec ta trở lên;
b) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 3.000.000.000 đồng trở lên đối với đất nông nghiệp hoặc 10.000.000.000 đồng trở lên đối với đất phi nông nghiệp;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 228. Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng (sửa đổi)
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 190, 191 và 240 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Khai thác trái phép tại rừng sản xuất với số lượng từ 20m3 đến 30m3 gỗ không nguy cấp, quý, hiếm; từ 12,5m3 đến 20m3 gỗ nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA hoặc từ 2m3 đến 3m3 gỗ nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA;
b) Khai thác trái phép tại rừng phòng hộ với số lượng từ 15m3 đến 25m3 gỗ không nguy cấp, quý, hiếm; từ 10m3 đến 15m3 gỗ nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA hoặc từ 1,5m3 đến 3m3 gỗ nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA;
c) Khai thác trái phép tại rừng đặc dụng với số lượng từ 12m3 đến 20m3 gỗ không nguy cấp, quý, hiếm; từ 5m3 đến 10m3 gỗ nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA hoặc từ 1m3 đến 2m3 gỗ nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA;
d) Khai thác trái phép thực vật rừng có giá trị từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
đ) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái phép từ 20m3 đến 30m3 gỗ không nguy cấp, quý, hiến; từ 10m3 đến 20m3 gỗ nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA hoặc từ 1,5m3 đến 3m3 gỗ nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA;
e) Hành vi khác vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng gây hậu quả nghiêm trọng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
a) Khai thác trái phép tại rừng sản xuất với số lượng từ 30m3 gỗ không nguy cấp, quý, hiếm trở lên; từ 20m3 gỗ nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA trở lên; từ 3m3 gỗ nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA trở lên;
b) Khai thác trái phép tại rừng phòng hộ với số lượng từ 25m3 gỗ không nguy cấp, quý, hiếm trở lên; từ 15m3 gỗ nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA trở lên hoặc từ 3m3 gỗ nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA trở lên;
c) Khai thác trái phép tại rừng đặc dụng với số lượng từ 20m3 gỗ không nguy cấp, quý, hiếm trở lên; từ 10m3 gỗ nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA trở lên hoặc từ 2m3 gỗ nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA trở lên;
d) Khai thác trái phép thực vật rừng có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái phép từ 30m3 gỗ không nguy cấp, quý, hiếm trở lên; từ 20m3 gỗ nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA trở lên hoặc từ 3m3 gỗ nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA trở lên;
e) Hành vi khác vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 229. Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng (sửa đổi)
1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Giao rừng, đất trồng rừng, thu hồi rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 20.000 m2 đến dưới 25.000 m2 đối với rừng sản xuất; từ 15.000m2 đến dưới 20.000m2 đối với rừng phòng hộ hoặc từ 10.000m2 đến dưới 15.000m2 đối với rừng đặc dụng;
b) Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 10.000m2 đến dưới 12.500m2 đối với rừng sản xuất; từ 7.500m2 đến dưới 10.000m2 đối với rừng phòng hộ hoặc từ 5.000m2 đến dưới 7.500m2 đối với rừng đặc dụng;
c) Cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 228 Bộ luật này;
d) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Giao rừng, đất trồng rừng, thu hồi rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 25.000 m2 đến dưới 40.000 m2 đối với rừng sản xuất; từ 20.000m2 đến dưới 30.000m2 đối với rừng phòng hộ hoặc từ 15.000m2 đến dưới 25.000m2 đối với rừng đặc dụng;
d) Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 12.500m2 đến dưới 17.000 m2; đối với rừng sản xuất; từ 10.000m2 đến 15.000m2 đối với rừng phòng hộ hoặc từ 7.500m2 đến 12.000m2 đối với rừng đặc dụng;
đ) Cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 228 Bộ luật này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Giao rừng, đất trồng rừng, thu hồi rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 40.000 m2 trở lên đối với rừng sản xuất; từ 30.000m2 trở lên đối với rừng phòng hộ hoặc từ 25.000m2 trở lên đối với rừng đặc dụng;
b) Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 17.000 m2 trở lên đối với rừng sản xuất; từ 15.000m2 trở lên đối với rừng phòng hộ hoặc từ 12.000m2 trở lên đối với rừng đặc dụng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 230. Tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ (sửa đổi)
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái những quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 01 lần đến 05 lần giá trị tiền, hàng cứu trợ hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 07 lần giá trị tiền, hàng cứu trợ hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Chương XIX
CÁC TỘI PHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG
Điều 231. Tội gây ô nhiễm môi trường (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải có độ pH từ 0 đến dưới 02 hoặc từ 12,85 đến 14 trong trường hợp lượng nước thải từ 12.000m3/ngày đến dưới 20.000m3/ngày; xả nước thải có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép từ 02 lần đến 03 lần;
b) Thải khí, bụi có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 03 lần trở lên trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 120.000m3/giờ đến dưới 200.000 m3/giờ; thải khí bụi chứa chất phóng xạ gây ô nhiễm môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép từ 02 lần đến 03 lần;
c) Chuyển giao, mua, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn thông thường từ 120m3 (hoặc tấn) đến dưới 200m3 (hoặc tấn); chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 lần đến 03 lần;
d) Phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia từ 02 đến 03 lần.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải có độ pH từ 0 đến dưới 02 hoặc từ 12,85 đến 14 trong trường hợp lượng nước thải từ 20.000m3/ngày đến dưới 30.000m3/ngày; xả nước thải có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép từ trên 03 lần đến 05 lần;
c) Thải khí, bụi có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 03 lần trở lên trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 200.000m3/giờ đến 300.000m3/giờ; thải khí, bụi chứa chất phóng xạ gây ô nhiễm môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép từ trên 03 lần đến 05 lần;
d) Chuyển giao, mua, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn thông hường từ 200m3 (hoặc tấn) đến 500m3 (hoặc tấn); chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ trên 03 lần đến 05 lần;
đ) Phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia từ trên 03 lần đến 05 lần;
e) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải có độ pH từ 0 đến dưới 02 hoặc từ 12,85 đến 14 trong trường hợp lượng nước thải từ 30.000m3/ngày trở lên; xả nước thải có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép từ trên 05 lần trở lên;
b) Thải khí, bụi có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 03 lần trở lên trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 300.000m3/giờ trở lên; thải khí, bụi chứa chất phóng xạ gây ô nhiễm môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép từ trên 05 lần trở lên;
c) Chuyển giao, mua, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn thông thường từ 500m3 (hoặc tấn) trở lên; chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ trên 05 lần trở lên;
d) Phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia từ trên 05 lần trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
4. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đến 5.000.0000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 232. Tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 231 của Bộ luật này thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Chôn, lấp, đổ thải từ 5.500 kilôgam đến dưới 7.000 kilôgam chất thải nguy hại có chứa thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 22.000 kilôgam đến 25.000 kilôgam đối với chất thải nguy hại có chứa thành phần nguy hại khác;
b) Chôn, lấp, đổ thải với khối lượng dưới mức quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoăc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Chôn, lấp, đổ thải từ 7.000 kilôgam đến 10.000 kilôgam chất thải nguy hại có chứa thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 25.000 kilôgam đến 35.000 kilôgam đối với chất thải nguy hại có chứa thành phần nguy hại khác;
b) Có tổ chức;
c) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chôn, lấp, đổ thải từ 10.000 kilôgam trở lên chất thải nguy hại có chứa thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 35.000 kilôgam trở lên đối với chất thải nguy hại có chứa thành phần nguy hại khác;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đến 7.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 233. Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (sửa đổi)
1. Người nào vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường hoặc vi phạm quy định về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 234. Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình thủy lợi, hồ chứa, liên hồ chứa, đê điều và công trình phòng, chống thiên tai (mới)
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm:
a) Xây nhà, công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, hồ chứa nước, đê điều, phòng, chống thiên tai;
b) Khoan thăm dò, khảo sát, khai thác đất, đá, cát sỏi, khoáng sản, nước dưới đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, hồ chứa nước, đê điều, phòng, chống thiên tai;
c) Sử dụng chất nổ trái phép, gây nổ gây cháy làm nguy hại đến công trình thủy lợi, hồ chứa nước, đê điều, phòng, chống thiên tai;
d) Vận hành trái quy chuẩn kỹ thuật đối với công trình phân lũ, làm chậm lũ, cống qua đê, công trình tràn sự cố, trạm bơm, hồ chứa nước.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 02 năm đến 05 năm.
Điều 235. Tội vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông, các công trình về tài nguyên nước (mới)
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Khai thác cát, sỏi ở sông, suối trong vùng cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi gây sạt lở nghiêm trọng bờ, bãi sông;
b) Phá hoại các công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
2. Phạm tội một trong các tội nêu tại khoản 1 Điều này mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 236. Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (sửa đổi)
1. Người nào đưa vào lãnh thổ Việt Nam chất thải nguy hại hoặc chất thải khác với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Chất thải nguy hại có số lượng lớn; chất thải khác có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chất thải nguy hại có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc tạm đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 01 năm;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm
Điều 237. Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 238. Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật (sửa đổi)
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đưa vào, mang ra hoặc cho phép đưa vào, mang ra khỏi khu vực hạn chế lưu thông động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật thuộc đối tượng kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 239. Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (sửa đổi)
1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng chất độc, chất nổ, các hoá chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ khác có tính hủy diệt để khai thác thuỷ sản hoặc làm huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản;
b) Khai thác thuỷ sản tại khu vực bị cấm, trong mùa sinh sản của một số loài hoặc vào thời gian khác mà pháp luật cấm;
c) Khai thác các loài thuỷ sản quý hiếm bị cấm theo quy định của pháp luật;
d) Phá hoại nơi cư ngụ của các loài thuỷ sản quý hiếm được bảo vệ theo quy định của pháp luật;
đ) Vi phạm các quy định khác về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền gấp từ 01 đến 03 lần mức tiền phạt áp dụng đối với cá nhân;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền gấp từ 03 đến 05 lần mức tiền phạt áp dụng đối với cá nhân hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
c) Phạm tội thuôc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
d) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 240. Tội huỷ hoại rừng (sửa đổi)
1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc kiểu trạng thái rừng có diện tích từ 35.000m2 đến dưới 50.000m2;
b) Rừng sản xuất có diện tích từ 5000 m2 đến dưới 10.000 m2;
c) Rừng phòng hộ có diện tích từ 4.000m2 đến dưới 7.000m2;
d) Rừng đặc dụng có diện tích từ 1200m2 đến dưới 3.000m2;
đ) Diện tích các loại rừng dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
e) Gây thiệt hại về lâm sản có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; từ trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích đốt rừng, phá rừng hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc kiểu trạng thái rừng có diện tích từ 50.000m2 đến dưới 100.000m2;
d) Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 m2 đến dưới 50.000 m2;
đ) Rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000m2 đến dưới 10.000m2;
e) Rừng đặc dụng có diện tích từ 3.000m2 đến dưới 5.000m2;
g) Phạm tội đối với các loài thực vật rừng thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA, IIA.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc kiểu trạng thái rừng có diện tích từ 100.000m2 trở lên;
b) Rừng sản xuất có diện tích từ 50.000 m2 trở lên;
c) Rừng phòng hộ có diện tích từ 10.000m2 trở lên;
d) Rừng đặc dụng có diện tích từ 5.000m2 trở lên;
đ) Gây thiệt hại về giá trị thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị chặt phá từ 60.000.000 đồng trở lên đối với nhóm IA hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên đối với nhóm IIA.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ gấp 2 đến 3 lần mức tiền phạt áp dụng đối với các cá nhân;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ gấp 3 đến 5 lần mức tiền phạt áp dụng đối với các cá nhân;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ gấp 5 đến 10 lần mức tiền phạt áp dụng đối với các cá nhân hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 241. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (sửa đổi)
1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;
đ) Buôn bán, vận chuyển qua biên giới;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng;
g) Hàng phạm pháp có số lượng lớn hoặc thu lợi bất chính lớn.
3. Phạm tội buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoặc bộ phận cơ thể của động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 242. Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (sửa đổi)
1. Người nào vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng đối với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Sử dụng công cụ, phương tiện, biện pháp bị cấm;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đối với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 243. Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại đã biết hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp tang vật vi phạm trị giá từ 250.000.000 đồng trở lên hoặc trong trường hợp tang vật vi phạm trị giá dưới 250.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại đã biết hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trái phép gây hậu quả nghiêm trọng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Chương XX
CÁC TỘI PHẠM VỀ MA TÚY
Điều 244. Tội trồng trái phép cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (sửa đổi)
1. Người nào gieo trồng, chăm bón, thu hoạch cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy với số lượng từ 500 đến dưới 3.000 cây, đã được giáo dục từ 02 lần trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn tái phạm thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Trồng trái phép với số lượng từ 3.000 cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
4. Người nào trồng trái phép cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn hình phạt.
Điều 245. Tội tàng trữ trái phép cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy (mới)
Phương án 1:
1. Người nào cất giữ, cất giấu trái phép cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy ở bất cứ nơi nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn tái phạm;
b) Tàng trữ trái phép từ 500 cây đến dưới 3.000 cây giống.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Tàng trữ trái phép trên 3.000 cây giống trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Phương án 2: Không bổ sung tội danh này.
Điều 246. Tội vận chuyển trái phép cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy (mới)
Phương án 1:
1. Người nào chuyển dịch trái phép cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn tái phạm;
b) Vận chuyển từ 500 cây đến dưới 3.000 cây giống.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ trên 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội;
d) Vận chuyển qua biên giới;
đ) Vận chuyển từ 3.000 cây trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Phương án 2: Không bổ sung tội danh này.
Điều 247. Tội mua bán trái phép cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy (mới)
Phương án 1:
1. Người nào bán trái phép cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy cho người khác không phụ thuộc vào nguồn gốc cây giống do đâu mà có; mua hoặc xin cây giống nhằm bán trái phép cho người khác; dùng cây giống nhằm trao đổi thanh toán trái phép; dùng tài sản không phải là tiền đem trao đổi, thanh toán lấy cây giống nhằm bán lại trái phép cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 06 tháng tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn tái phạm;
b) Mua bán từ 500 cây đến dưới 3.000 cây giống.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Mua bán từ 3.000 cây giống trở lên;
d) Mua bán qua biên giới;
đ) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Phương án 2: Không bổ sung tội danh này.
Điều 248. Tội chiếm đoạt cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy (mới)
Phương án 1:
1. Người nào trộm cắp, lừa đảo, tham ô, lạm dụng tín nhiệm, cưỡng đoạt, công nhiên chiếm đoạt cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây giống các cây khác có chứa chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn tái phạm;
b) Chiếm đoạt từ 500 cây đến 3.000 cây giống.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Chiếm đoạt 3.000 cây giống trở lên;
d) Cướp hoặc cướp giật từ 500 cây giống trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Phương án 2: Không bổ sung tội danh này.
Điều 249. Tội sản xuất trái phép chất ma túy (sửa đổi)
1. Người nào sản xuất trái phép chất ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1,5 kilôgam;
e) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 15 gam;
g) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 60 gam;
h) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 300 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca có khối lượng từ 1,5 kilôgam đến dưới 4,5 kilôgam;
c) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 15 gam đến dưới 45 gam;
d) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có khối lượng từ 60 gam đến dưới 180 gam;
đ) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng có thể tích từ 300 mililít đến dưới 900 mililít.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 4,5 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 45 gam trở lên;
c) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có khối lượng từ 180 gam trở lên;
d) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng có thể tích từ 900 mililít trở lên.
5. Người chủ mưu, cần đầu, chỉ huy đường dây sản xuất trái phép chất ma túy với số lượng chất ma túy quy định tại khoản 4 Điều này thì bị phạt tử hình.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.0000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 250. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (sửa đổi)
1. Người nào cất giữ trái phép chất ma túy mà không thuộc trường hợp đồng phạm với người phạm tội sản xuất hay mua bán trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn tái phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện có trọng lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1,5 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 5 gam đến dưới 15 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
k) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 60 gam;
l) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 300 mililít;
m) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 1,5 kilôgam đến dưới 4,5 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 15 gam đến dưới 45 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 30 kilôgam đến dưới 90 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện có khối lượng từ 30 kilôgam đến dưới 90 kilôgam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 60 gam đến dưới 180 gam;
e) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 300 mililít đến dưới 900 mililít.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 4,5 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 4,5 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 900 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện có khối lượng từ 900 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có khối lượng từ 180 gam trở lên;
g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng có thể tích từ 900 mililít trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấn hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 251. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (sửa đổi)
1. Người nào chuyển dịch trái phép chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào mà không thuộc trường hợp đồng phạm với người phạm tội sản xuất hay mua bán trái phép chất ma túy, thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn tái phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng dưới 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít.
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội;
e) Vận chuyển qua biên giới;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1,5 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 15 gam;
i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
l) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 60 gam;
m) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 300 mililít;
n) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca có khối lượng từ 1,5 kilôgam đến dưới 4,5 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 15 gam đến dưới 45 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 30 kilôgam đến dưới 90 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện có khối lượng từ 30 kilôgam đến dưới 90 kilôgam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 60 gam đến dưới 180 gam;
e) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 300 mililít đến dưới 900 mililít.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 4,5 kilôgam đến dưới 135 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 45 gam đến dưới 135 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 90 kilôgam đến dưới 270 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện có khối lượng từ 90 kilôgam đến dưới 270 kilôgam;
đ) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có khối lượng từ 180 gam đến dưới 540 gam;
e) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng có thể tích từ 900 mililít đến dưới 2,7 lít.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 135 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 135gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 270 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 270 kilôgam trở lên;
đ) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có khối lượng từ 540 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng có thể tích từ 03 lít trở lên.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấn hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 252. Tội mua bán trái phép chất ma túy (sửa đổi)
1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy cho người khác không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có; dùng chất ma túy nhằm trao đổi, thanh toán trái phép; dùng tài sản không phải là tiền đem trao đổi, thanh toán lấy chất ma túy nhằm bán lại trái phép cho người khác, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Mua bán với từ 02 người trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho trẻ em;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1,5 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 15 gam;
i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
l) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 60 gam;
m) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 300 mililít;
n) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca có khối lượng từ 1,5 kilôgam đến dưới 4,5 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 15 gam đến dưới 45 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 30 kilôgam đến dưới 90 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện có khối lượng từ 30 kilôgam đến dưới 90 kilôgam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 60 gam đến dưới 180 gam;
e) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 300 mililít đến dưới 900 mililít.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 4,5 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 45 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 90 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện có khối lượng từ 90 kilôgam trở lên;
đ) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có khối lượng từ 180 gam trở lên;
e) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng có thể tích từ 900 mililít trở lên.
5. Người chỉ huy, cầm đầu, chủ mưu đường dây mua bán trái phép chất ma túy thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này thì bị phạt tử hình.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 253. Tội chiếm đoạt chất ma túy (sửa đổi)
1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất cứ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn tái phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng dưới 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít.
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1,5 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 10 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
k) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 60 gam;
l) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 300 mililít;
m) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca có khối lượng từ 1,5 kilôgam đến dưới 4,5 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 15 gam đến dưới 45 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 30 kilôgam đến dưới 90 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện có khối lượng từ 30 kilôgam đến dưới 90 kilôgam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 60 gam đến dưới 180 gam;
e) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 300 mililít đến dưới 900 mililít.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 4,5 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 45 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 90 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện có khối lượng từ 90 kilôgam trở lên;
đ) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có khối lượng từ 180 gam trở lên;
e) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng có thể tích từ 900 mililít trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 254. Tội tàng trữ tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (sửa đổi)
1. Người nào cất giữ, cất giấu trái phép tiền chất ở bất cứ nơi nào dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà tái phạm;
b) Tiền chất có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam đối với thể rắn, từ 75 mililít đến dưới 200 mililít đối với thể lỏng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 600 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng từ 200 mililít đến dưới 600 mililít;
g) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng từ 600 gam đến dưới 1,8 kilôgam đối với thể rắn, từ 600 mililít đến dưới 1,8 lít đối với thể lỏng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng từ 1,8 kilôgam trở lên đối với thể rắn, từ 1,8 lít trở lên đối với thể lỏng, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 255. Tội vận chuyển tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (sửa đổi)
1. Người nào chuyển dịch trái phép tiền chất từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào để dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà tái phạm;
b) Tiền chất có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam đối với thể rắn, từ 75 mililít đến dưới 200 mililít đối với thể lỏng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 600 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng từ 200 mililít đến dưới 600 mililít;
g) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng từ 600 gam đến dưới 1,8 kilôgam đối với thể rắn, từ 600 mililít đến dưới 1,8 lít đối với thể lỏng, thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng từ 1,8 kilôgam trở lên đối với thể rắn, từ 1,8 lít trở lên đối với thể lỏng, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 256. Tội mua bán tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (sửa đổi)
1. Người nào bán tiền chất cho người khác để người đó sản xuất trái phép chất ma túy; mua hoặc xin tiền chất nhằm bán cho người khác để người đó sản xuất trái phép chất ma túy; dùng tiền chất để trao đổi, thanh toán trái phép cho người khác để người đó sản xuất trái phép chất ma túy; dùng tài sản (không phải là tiền) đem trao đổi, thanh toán lấy tiền chất nhằm bán lại cho người khác để người đó sản xuất trái phép chất ma túy, thuộc 01 trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà tái phạm;
b) Tiền chất có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam đối với thể rắn, từ 75 mililít đến dưới 200 gam mililít đối với thể lỏng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 600 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng từ 200 mililít đến dưới 600 mililít;
g) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng từ 600 gam đến dưới 1,8 kilôgam đối với thể rắn, từ 600 mililít đến dưới 1,8 lít đối với thể lỏng, thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng từ 1,8 kilôgam trở lên đối với thể rắn, từ 1,8 lít trở lên đối với thể lỏng, thì bị phạt tù từ15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 257. Tội chiếm đoạt tiền chất sử dụng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (sửa đổi)
1. Người nào trộm cắp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, cưỡng đoạt, cướp, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt tiền chất của người khác để dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà tái phạm;
b) Tiền chất có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam đối với thể rắn, từ 75 mililít đến dưới 200 mililít đối với thể lỏng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 600 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng từ 200 mililít đến dưới 600 mililít;
g) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội ;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng từ 600 gam đến dưới 1,8 kilôgam đối với thể rắn, từ 600 mililít đến dưới 1,8 lít đối với thể lỏng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng từ 1,8 kilôgam trở lên đối với thể rắn, từ 1,8 lít trở lên đối với thể lỏng, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 258. Tội sản xuất phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (sửa đổi)
1. Người nào sản xuất phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn tái phạm;
b) Có số lượng từ 06 đến 18 dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sản xuất với số lượng từ 19 dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại trở lên;
e) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01năm đến 05 năm.
Điều 259. Tội tàng trữ phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (sửa đổi)
1. Người nào có hành vi cất giữ phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn tái phạm;
b) Có số lượng từ 06 đến 18 dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ trên 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ hai lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tàng trữ với số lượng từ 19 dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại trở lên;
e) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 260. Tội vận chuyển phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (sửa đổi)
1. Người nào dịch chuyển từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ phương thức nào phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn tái phạm;
b) Có số lượng từ 06 đến 18 dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Vận chuyển với số lượng từ 19 dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại trở lên;
e) Vận chuyển qua biên giới;
g) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 261. Tội mua bán phương tiện, công cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy cho người khác không phụ thuộc vào nguồn gốc phương tiện, dụng cụ do đâu mà có để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy với số lượng từ 06 đến 18 dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại;
b) Mua hoặc xin phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy với số lượng từ 06 đến 18 dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại;
c) Dùng các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy để trao đổi, thanh toán trái phép với người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy với số lượng từ 06 đến 18 dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại;
d) Dùng tài sản (không phải là tiền) đem trao đổi, thanh toán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy với số lượng từ 06 đến 18 dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại;
đ) Tàng trữ phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy với số lượng từ 06 đến 18 dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại;
e) Vận chuyển phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy với số lượng từ 06 đến 18 dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại;
g) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e khoản này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn tái phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ trên 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Mua bán với số lượng từ 19 dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại trở lên;
e) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội;
g) Mua bán qua biên giới;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 262. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (sửa đổi)
1. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Đối với người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên;
d) Đối với phụ nữ mà biết là đang có thai;
đ) Đối với người đang cai nghiện;
e) Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
g) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khoẻ cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;
d) Đối với trẻ em dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây tổn hại cho sức khoẻ cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên;
b) Gây chết từ 02 người trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 263. Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý (sửa đổi)
1. Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Đối với trẻ em;
d) Đối với 02 người trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 264. Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy (sửa đổi)
1. Người nào dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Vì động cơ đê hèn, trả thù hoặc vì các động cơ tư lợi khác;
d) Đối với người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên;
đ) Đối với phụ nữ mà biết là đang có thai;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Đối với người đang cai nghiện;
h) Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;
b) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;
c) Đối với trẻ em dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội trong trường hợp gây chết từ hai người trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 265. Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (sửa đổi)
1. Người nào rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm khêu gợi sự ham muốn của người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Vì động cơ đê hèn, trả thù hoặc vì các động cơ tư lợi khác;
d) Đối với người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên;
đ) Đối với phụ nữ mà biết là đang có thai;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Đối với người đang cai nghiện;
h) Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;
b) Gây bệnh nguy hiểm cho từ 02 người trở lên;
c) Đối với trẻ em dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội trong trường hợp gây chết từ 02 người trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 266. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác (sửa đổi)
1. Người nào có trách nhiệm trong việc xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán, vận chuyển, bảo quản, phân phối, cấp phát, sử dụng tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc các chất ma tuý khác mà vi phạm quy định về quản lý, sử dụng các chất đó, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Chương XXI
CÁC TỘI XÂM PHẠM AN TOÀN CÔNG CỘNG,
TRẬT TỰ CÔNG CỘNG
Mục A
CÁC TỘI XÂM PHẠM AN TOÀN GIAO THÔNG
Điều 267. Một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt (mới)
1. Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 các điều 268, 269, 270, 271, 272, 273, 276, 277, 278, 279, 280, 281, 282, 283, 284, 285, 287, 290; khoản 2 các điều 274, 275, 288, 289, 291, 293 của Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm chết 01 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản với giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;
e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ bảy mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.
2. Gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 các điều 268, 269, 270, 271, 272, 273, 276, 277, 278, 279, 280, 281, 282, 283, 284, 285, 287, 290, 292; khoản 3 các điều 274, 275, 288, 289, 293 của Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm chết 02 người;
b) Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này là từ trên 100% đến 200%;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của một hoặc hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều này;
e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng.
3. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 271; khoản 3 các điều 268, 269, 270, 272, 273, 276, 277, 278, 279, 280, 281, 282, 283, 284, 285, 287, 290, 291, 292, 293; khoản 4 các điều 274, 275, 288, 289 của Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm chết từ ba người trở lên;
b) Làm chết hai người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này;
c) Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều này;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tổng tỷ lệ thương tật của những người này trên 200%;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của ba hoặc bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;
g) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.
Điều 268. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (sửa đổi)
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết từ 02 người trở lên hoặc gây tổn hại rất nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác;
e) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội làm chết từ 03 người trở lên hoặc gây tổn hại rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 269. Tội cản trở giao thông đường bộ (sửa đổi)
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây cản trở giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm:
a) Đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép các công trình giao thông đường bộ;
b) Đặt, để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, đổ chất gây trơn hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ;
c) Tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc các thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác;
d) Mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách;
đ) Lấn chiếm, chiếm dụng, sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy;
e) Lấn chiếm hoặc sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ;
g) Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tại các đèo, dốc và đoạn đường nguy hiểm;
b) Làm chết từ 02 người trở lên hoặc gây tổn hại rất nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội làm chết từ 03 người trở lên, gây tổn hại đặc biệt nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 01 năm.
Điều 270. Tội rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường bộ (mới)
1. Người nào cố ý đặt, rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường bộ thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
b) Trên các tuyến đường cao tốc;
c) Trên các đoạn đường đèo, dốc hoặc các đoạn đường nguy hiểm khác;
d) Làm chết người hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác.
3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
a) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
b) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 271. Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông (sửa đổi)
1. Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông gây thiệt hại cho tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 272. Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sửa đổi)
1. Người có thẩm quyền mà biết rõ người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà vẫn điều động người đó điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
a) Người không có giấy phép hoặc bằng lái xe;
b) Người không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện;
c) Người đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy, rượu, bia hoặc các chất khác.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 273. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sửa đổi)
1. Người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho những người sau đây điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 02 năm:
a) Người không có giấy phép hoặc bằng lái xe;
b) Người không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện;
c) Người do tình trạng sức khỏe không thể tự chủ điều khiển được tốc độ;
d) Người đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy, rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Điều 274. Tội tổ chức đua xe trái phép (sửa đổi)
1. Người nào tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Tổ chức đua xe trái phép cho từ 10 xe tham gia trở lên hoặc cùng một lúc tổ chức 2 cuộc đua xe trở lên;
b) Tổ chức cá cược;
c) Tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;
d) Tổ chức đua xe nơi tập trung đông dân cư;
đ) Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;
e) Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác;
g) Tái phạm về tội này hoặc tội đua xe trái phép.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Gây hậu quả rất nghiêm trọng;
b) Tái phạm nguy hiểm.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 275. Tội đua xe trái phép (sửa đổi)
1. Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 11% đến dưới 31%;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 11%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 21% đến dưới 41%;
c) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;
d) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác;
b) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
c) Tham gia cá cược;
d) Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;
đ) Đua xe nơi tập trung đông dân cư;
e) Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;
g) Tái phạm về tội này hoặc tội tổ chức đua xe trái phép.
3. Phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 276. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt (sửa đổi)
1. Người nào chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường sắt gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn tương ứng với nhiệm vụ được giao;
b) Trong tình trạng sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy hoặc người có thẩm quyền điều khiển, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông đường sắt;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 277. Tội cản trở giao thông đường sắt (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây cản trở giao thông đường sắt gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đặt chướng ngại vật trên đường sắt;
b) Làm xê dịch ray, tà vẹt;
c) Tự ý khoan, đào, xẻ trái phép nền đường sắt, mở đường ngang, xây cống hoặc các công trình khác trái phép qua đường sắt;
d) Làm hỏng, thay đổi, chuyển dịch, che khuất tín hiệu, biển hiệu, mốc hiệu của công trình giao thông đường sắt;
đ) Để súc vật đi qua đường sắt không theo đúng quy định hoặc để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển;
e) Đưa trái phép phương tiện tự tạo, phương tiện không được phép chạy trên đường sắt hoặc phá hoại phương tiện giao thông vận tải đường sắt;
g) Lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường sắt.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Điều 278. Tội đưa vào sử dụng các phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn (sửa đổi)
1. Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường sắt mà cho phép đưa vào sử dụng các phương tiện, thiết bị không có giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm hoặc có nhưng biết là các phương tiện, thiết bị đó không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 05 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 279. Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường sắt (sửa đổi)
1. Người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái hoặc người không đủ sức khỏe; người đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy, rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 05 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 280. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường sắt (sửa đổi)
1. Người nào giao cho những người sau đây điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 05 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Người không có giấy phép hoặc bằng lái xe;
b) Người không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện;
c) Người đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy, rượu, bia hoặc các chất khác.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 281. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ (sửa đổi)
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thuỷ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 05 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép, giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định;
b) Trong tình trạng dùng rượu, bia quá nồng độ quy định hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy hoặc người có thẩm quyền điều khiển, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 06tháng đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 282. Tội cản trở giao thông đường thuỷ (sửa đổi)
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây cản trở giao thông đường thuỷ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 05 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Khoan, đào trái phép làm hư hại kết cấu của các công trình giao thông đường thuỷ;
b) Tạo ra chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường thuỷ mà không đặt và duy trì báo hiệu;
c) Di chuyển làm giảm hiệu lực, tác dụng của báo hiệu;
d) Tháo dỡ báo hiệu hoặc phá hoại công trình giao thông đường thuỷ;
đ) Lấn chiếm luồng hoặc hành lang bảo vệ luồng giao thông đường thuỷ;
e) Hành vi khác cản trở giao thông đường thủy.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Điều 283. Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thuỷ không bảo đảm an toàn (sửa đổi)
1. Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường thuỷ mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thuỷ rõ ràng không bảo đảm an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 05 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 284. Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thuỷ (sửa đổi)
1. Người nào điều động người không có giấy phép, giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật giao thông đường thuỷ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 05 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 285. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thuỷ (sửa đổi)
1. Người nào giao cho người không có giấy phép giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 286. Tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường không (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 05 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Chỉ huy, điều khiển tàu bay mà vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường không;
b) Kiểm soát không lưu mà vi phạm các quy định bảo đảm an toàn bay;
c) Chỉ huy, điều khiển các phương tiện phục vụ cho hoạt động giao thông hàng không mà vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông hàng không;
d) Các hành vi khác.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
Điều 287. Tội cản trở giao thông đường không (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây cản trở giao thông đường không gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 05 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đặt các chướng ngại vật cản trở giao thông đường không;
b) Di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất, hoặc phá huỷ các biển hiệu, tín hiệu an toàn giao thông đường không;
c) Sử dụng sai hoặc làm nhiễu các tần số thông tin liên lạc;
d) Cố ý cung cấp thông tin sai đến mức gây uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay hoặc trên mặt đất; an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người tại cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng;
đ) Làm hư hỏng trang thiết bị của sân bay hoặc trang thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho an toàn bay;
e) Hành vi khác cản trở giao thông đường không.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Là người có trách nhiệm trực tiếp bảo đảm an toàn giao thông đường không hoặc trực tiếp quản lý các thiết bị an toàn giao thông đường không;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01năm đến 05 năm.
Điều 288. Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường không không bảo đảm an toàn (sửa đổi)
1. Người nào có trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của các phương tiện giao thông đường không mà cho đưa vào sử dụng các phương tiện rõ ràng không bảo đảm an toàn kỹ thuật, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 289. Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường không (sửa đổi)
1. Người nào điều động hoặc giao cho người không có bằng lái hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường không, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 290. Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông (sửa đổi)
1. Người nào có trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường không mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông không bảo đảm trạng thái an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông;
b) Không khắc phục kịp thời đối với các công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông;
c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông, đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa;
d) Không thường xuyên kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn đường đèo dốc nguy hiểm, đoạn đường có đá lở, đất sụt, nước ngập hoặc trên các đoạn đường có nguy cơ không bảo đảm an toàn giao thông;
đ) Không có biện pháp xử lý kịp thời và biện pháp ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện hoặc được tin báo công trình giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của mình bị hư hỏng;
e) Không đặt hoặc đặt không đủ các tín hiệu phòng vệ theo quy định thi công, sửa chữa công trình giao thông; không thu dọn, thanh thải các biển phòng vệ, rào chắn, phương tiện, các vật liệu khi thi công xong;
g) Các vi phạm khác về duy tu, bảo dưỡng, quản lý công trình giao thông.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 291. Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ (sửa đổi)
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn nhằm chiếm đoạt tàu bay hoặc tàu thuỷ, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tổ chức;
b) Sử dụng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến dưới 31%;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 11%, nhưng tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của tất cả những người này từ 21% đến dưới 41%;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người khác trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của tất cả những người này từ 41% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại điểm a, b khoản 3 Điều này và còn gây thiệt hại về tài sản của người khác với giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản của người khác có giá trị từ 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 292. Tội điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi)
1. Người nào điều khiển tàu bay vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 và Điều 111 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Điều 293. Tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi)
1. Người nào điều khiển tàu thuỷ hay phương tiện hàng hải khác vào hoặc ra khỏi Việt Nam hoặc đi qua lãnh hải Việt Nam mà vi phạm các quy định sau đây về hàng hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 và Điều 111 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Chạy quá tốc độ cho phép trong vùng nư¬ớc cảng biển, chạy không đúng vùng được phép hoạt động theo quy định;
b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các thủ tục vào cảng, rời cảng, chế độ hoa tiêu, thủ tục neo, đậu, cập cầu, cập mạn, trật tự – vệ sinh, an toàn cháy nổ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do phương tiện hàng hải gây ra;
c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về đi, tránh nhau, vượt nhau, nhường đường trong hoạt động giao thông hàng hải;
d) Phương tiện giao thông hàng hải không có hoặc không bảo đảm về còi, chuông, kẻng theo âm lượng quy định; không bảo đảm về đèn hành trình, đèn hiệu theo tiêu chuẩn quy định; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng về phát tín hiệu về âm hiệu, tín hiệu ánh sáng.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Mục B
TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN,
VIỄN THÔNG, MẠNG INTERNET
Điều 294. Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm dùng để tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (mới)
1. Người nào sản xuất, mua bán, trao đổi, cho tặng công cụ, thiết bị, phần mềm có tính năng tấn công mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử mà biết sử dụng để tấn công trái phép vào mạng máy tính, viễn thông hoặc phương tiện điện tử thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 295. Tội phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (sửa đổi)
1. Người nào cố ý phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ an ninh, quốc phòng;
b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
c) Gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 296. Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 295 và Điều 298 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Tự ý xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu điện tử;
b) Ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử;
c) Hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ an ninh, quốc phòng;
b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
c) Gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 297. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc xâm phạm trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 117 và Điều 338 của Bộ luật này;
b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 100.000.000. đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;
c) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên;
đ) Làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 298. Tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (sửa đổi)
1. Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của thiết bị số; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Thu lợi bất chính có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ an ninh, quốc phòng;
b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
c) Thu lợi bất chính có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 299. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (sửa đổi)
1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, huy động vốn dưới hình thức kinh doanh đa cấp, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
b) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, Internet để chiếm đoạt tài sản;
c) Sử dụng phương thức nhắn tin, gửi thư điện tử, quảng cáo bán hàng và các hành vi tương tự để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 300. Tội truy cập trái phép tài khoản ngân hàng của tổ chức, cá nhân chiếm đoạn tài sản (mới)
1. Người nào truy cập trái phép tài khoản ngân hàng của tổ chức, cá nhân chiếm đoạt tiền có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên ;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Chiếm đoạt tiền có giá trị từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
3. Chiếm đoạt tiền có giá trị từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
4. Chiếm đoạt tiền có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 301. Tội cố ý xâm phạm, tấn công vào trạm trung chuyển Internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia (mới)
1. Người nào cố ý xâm phạm, tấn công vào trạm trung chuyển Internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền, hệ thống máy chủ tên miền quốc gia gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
c) Tái phạm nguy hiểm.
Điều 302. Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (mới)
1. Người nào sử dụng tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh vào mục đích khác gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
c) Tái phạm nguy hiểm.
Điều 303. Tội cố ý gây nhiễu có hại (mới)
1. Người nào cố ý gây nhiễu có hại, cản trở hoạt động hợp pháp của hệ thống thông tin vô tuyến điện gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
c) Tái phạm nguy hiểm.
Điều 304. Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa thông tin về tài khoản ngân hàng (mới)
1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 5 tài khoản đến dưới 50 tài khoản;
b) Phạm tội có tổ chức;
c) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
d) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 100 tài khoản;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Tái phạm nguy hiểm.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa số lượng thông tin của tài khoản ngân hàng của người khác từ 100 tài khoản trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 305. Tội sản xuất mua bán, tàng trữ, lưu hành thẻ ngân hàng giả để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (mới)
1. Người nào sản xuất, mua bán, tàng trữ, lưu hành thẻ ngân hàng giả để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức với số tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên ;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
đ) Sử dụng thẻ ngân hàng giả thực hiện việc chiếm đoạt tiền của cá nhân, tổ chức với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Sản xuất mua bán, tàng trữ, lưu hành thẻ ngân hàng giả từ 10 thẻ đến 30 thẻ;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Sử dụng thẻ ngân hàng giả thực hiện việc chiếm đoạt tiền của cá nhân, tổ chức với số tiền từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Sản xuất mua bán, tàng trữ, lưu hành thẻ ngân hàng giả từ 30 thẻ đến 100 thẻ.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Sử dụng thẻ ngân hàng giả để chiếm đoạt tiền của cá nhân, tổ chức với số tiền từ 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Sản xuất mua bán, tàng trữ, lưu hành thẻ ngân hàng giả từ 100 thẻ trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 306. Tội thiết lập, quản trị, điều hành website để kinh doanh trái phép tiền điện tử, dịch vụ, hàng hóa trên mạng máy tính (mới)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Thiết lập, điều hành, quản trị website để kinh doanh trái phép tiền điện tử hoặc các hàng hóa, dịch vụ;
b) Thiết lập, quản trị, điều hành các trang mạng cá nhân và cho người khác kinh doanh tiền điện tử, kinh doanh trái phép hàng hóa, dịch vụ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên ;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Mục C
CÁC TỘI PHẠM KHÁC XÂM PHẠM AN TOÀN CÔNG CỘNG
Điều 307. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người (sửa đổi)
1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 05 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
6. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 3.000.00.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doạnh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 308. Tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em (sửa đổi)
1. Người nào sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
b) Đối với từ 02 trẻ em trở lên;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 309. Tội cưỡng bức lao động (mới)
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác ép buộc người khác phải làm việc thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với từ 02 người trở lên;
c) Đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già yếu, ốm đau, người khuyết tật nặng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 310. Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (sửa đổi)
1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 290 của Bộ luật này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Là người có chức vụ, quyền hạn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 08 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 311. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (sửa đổi)
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 312. Tội khủng bố (sửa đổi)
1. Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
4. Người chuẩn bị phạm tội quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Trường hợp chuẩn bị phạm tội quy định tại khoản 1 Điều này thì bị phạt tù từ 05 đến 10 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 313. Tội tài trợ khủng bố (sửa đổi)
1. Người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
2. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
4. Pháp nhân phạm tội này thì bị tước giấy phép kinh doanh vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Điều 314. Tội bắt cóc con tin (mới)
1. Người nào bắt giữ, giam người làm con tin và đe dọa giết, làm bị thương hoặc tiếp tục giam người đó nhằm cưỡng ép một quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân phải làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với phụ nữ mà biết là đang có thai, người chưa thành niên, người già từ 70 tuổi trở lên;
d) Phạm tội đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với từ 02 người trở lên;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Người chuẩn bị phạm tội theo khoản 3 Điều này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 315. Tội cướp biển (mới)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Tấn công tàu, phương tiện bay đang ở biển cả hoặc ở nơi không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào;
b) Tấn công hoặc bắt giữ người trên tàu, phương tiện bay quy định tại điểm a khoản này;
c) Cướp phá tài sản trên tàu, phương tiện bay quy định tại điểm a khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
4. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 316. Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (sửa đổi)
1. Người nào phá huỷ công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin – liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thuỷ lợi hoặc công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, văn hoá và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 317. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (sửa đổi)
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 318. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự (sửa đổi)
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 319. Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi)
1. Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 320. Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng (sửa đổi)
1. Người nào được giao vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà thiếu trách nhiệm để người khác sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 05 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 321. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân (sửa đổi)
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 322. Tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân (sửa đổi)
1. Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 323. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc (sửa đổi)
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất cháy, chất độc có trọng lượng từ 05 kilôgam đến 50 kilôgam thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn từ trên 50 kilôgam đến 100 kilôgam;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn từ trên 100 kilôgam đến 1000 kilôgam;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn từ trên 1000 kilôgam;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 324. Tội vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc (sửa đổi)
1. Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển hoặc mua bán chất cháy, chất độc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
Điều 325. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (sửa đổi)
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 326. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (sửa đổi)
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 266 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 327. Tội phá thai trái phép (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác gây thiệt hại cho sức khoẻ của người đó mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
a) Phá thai đối với nhiều người;
b) Phá thai cho người chưa thành niên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên.
3. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 328. Tội sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn (sửa đổi)
1. Người nào sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc một trong các hành vi sau đây gây ngộ độc hoặc gây ảnh hưởng cho sức khỏe người khác hoặc đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ một 01 đến 03 năm:
a) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm;
b) Sử dụng chất cấm, hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm;
c) Sử dụng các loại chất cấm, thuốc thú y, chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồn thủy sản không đúng quy trình.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Gây ngộ độc hoặc gây ảnh hưởng cho sức khỏe từ 10 người đến 50 người;
b) Làm chết người;
c) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
d) Phạm tội có tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
a) Làm chết từ 02 người đến 05 người;
b) Gây ngộ độc hoặc gây ảnh hưởng cho sức khỏe từ 50 người đến dưới 100 người.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết từ 05 người trở lên;
b) Gây ngộ độc trên 100 người.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
6. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000. đồng đến 5.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doạnh,cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc bị cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Mục D
CÁC TỘI PHẠM KHÁC XÂM PHẠM TRẬT TỰ CÔNG CỘNG
Điều 329. Tội gây rối trật tự công cộng (sửa đổi)
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
Điều 330. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (sửa đổi)
1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Điều 331. Tội hành nghề mê tín, dị đoan (sửa đổi)
1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Điều 332. Tội đánh bạc (sửa đổi)
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 333 và Điều 334 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị số để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 333. Tội tổ chức đánh bạc (sửa đổi)
1. Người nào rủ rê, lôi kéo, chuẩn bị các công cụ, phương tiện hoặc có các hành vi tổ chức đánh bạc khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và các Điều 332, 334 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tổ chức đánh bạc trong cùng một lúc cho từ 10 người đánh bạc trở lên hoặc cho từ hai chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
b) Tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; phân công người canh gác, người phục vụ, sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
c) Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 334. Tội gá bạc (sửa đổi)
1. Người nào sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho người khác đánh bạc thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và các Điều 332, 333 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Cho từ 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc hoặc cho từ 02 chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
b) Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 335. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có (sửa đổi)
1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản có giá trị từ 5.000.000 đến dưới 50.000.000 đồng biết là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 15.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 15.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp có giá từ 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.
Điều 336. Tội rửa tiền (sửa đổi)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tiền, tài sản phạm tội có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
h) Gây hậu quả nghiêm trọng;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tiền, tài sản phạm tội có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt tiền đến 03 lần số tiền hoặc giá trị tài sản phạm tội, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
6. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền gấp từ 01 đến 03 lần số tiền phạm pháp;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền gấp từ 03 đến 05 lần số tiền phạm pháp;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại 3 Điều này thì bị phạt tiền gấp từ 05 đến 10 lần số tiền phạm pháp hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Điều 337. Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp (sửa đổi)
1. Người nào đã thành niên mà thực hiện một trong các hành vi sau đây đối với người chưa thành niên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi giục người chưa đủ 18 tuổi hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật;
b) Chứa chấp hoặc có những hành vi khác dụ dỗ người chưa đủ 18 tuổi hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật;
c) Đe doạ, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có những hành vi khác ép buộc người chưa đủ 18 tuổi hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp, lôi kéo nhiều người;
c) Đối với trẻ em dưới 13 tuổi;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này, thì còn có thể bị phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 338. Tội truyền bá văn hóa phẩm có nội dung khiêu dâm, đồi trụy (sửa đổi)
1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung, khiêu dâm, đồi truỵ, cũng như có hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi truỵ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
b) Phổ biến cho từ 02 người trở lên;
c) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;
c) Đối với người chưa thành niên;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị số để phạm tội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Điều 339. Tội chứa mại dâm (sửa đổi)
1. Người nào có hành vi cho người khác thuê hoặc mượn địa điểm, phương tiện thuộc quyền quản lý của mình mà biết là để thực hiện việc mua dâm, bán dâm hoặc chứa chấp, che giấu người để thực hiện hoạt động mua dâm, bán dâm thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Cưỡng bức mại dâm;
c) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
d) Đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm:
a) Đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 340. Tội môi giới mại dâm (sửa đổi)
1. Người nào có hành vi làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt hoặc cung cấp thông tin để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;
b) Có tổ chức;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm;
e) Đối với từ 02 người trở lên;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 341. Tội mua dâm người chưa thành niên (sửa đổi)
1. Người nào đã thành niên mua dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 08 năm:
a) Mua dâm từ 02 lần trở lên;
b) Mua dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Phạm tội nhiều lần đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên.
4. Người phạm tội còn bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Chương XXII
CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ
QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH
Điều 342. Tội chống người thi hành công vụ (sửa đổi )
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
Điều 343. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân (sửa đổi)
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Điều 344. Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)
1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của mình;
b) Phạm tội trong thời chiến;
c) Lôi kéo người khác phạm tội.
Điều 345. Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ (sửa đổi)
1. Người nào là quân nhân dự bị mà không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ trong trường hợp có lệnh tổng động viên, lệnh động viên cục bộ, có chiến tranh hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của mình;
b) Lôi kéo người khác phạm tội.
Điều 346. Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội trong thời chiến thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 347. Tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)
1. Người nào cố ý cản trở việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc trong thời chiến, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Điều 348. Tội cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước (sửa đổi)
1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 349. Tội chiếm đoạt, tiêu hủy bí mật nhà nước (sửa đổi)
1. Người nào cố ý chiếm đoạt hoặc tiêu hủy bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 350. Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước, tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước (sửa đổi)
1. Người nào vô ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật, tuyệt mật;
b) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 351. Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác (sửa đổi)
Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Điều 352. Tội sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức (sửa đổi)
1. Người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 2 lần trở lên;
c) Để thực hiện tội phạm khác;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 353. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (sửa đổi)
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 354. Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xã hội (sửa đổi)
1. Người nào chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xã hội không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 355. Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở (sửa đổi)
1. Người nào chiếm dụng nhà ở do Nhà nước quản lý, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 356. Tội xây dựng, sửa chữa công trình xây dựng trái phép (sửa đổi)
1. Người nào xây dựng, sửa chữa công trình xây dựng mà không có giấy phép hoặc không đúng với giấy phép, gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 357. Tội xây dựng trên đất cấm xây dựng (sửa đổi)
1. Người nào xây dựng công trình xây dựng trên đất cấm xây dựng, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 358. Tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản (sửa đổi)
1. Người nào vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo nhưng vẫn xuất bản xuất bản phẩm trên 03 lần mà chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc vượt quá mức xử phạt hành chính;
b) In trên 2.000 bản đối với từng xuất bản phẩm mà không có xác nhận đăng ký xuất bản, không có quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; không có bản thảo đã được ký duyệt theo quy định của pháp luật;
c) Không nộp xuất bản phẩm lưu chiểu nhưng vẫn phát hành xuất bản phẩm trên 03 lần mà chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc phát hành xuất bản phẩm có nội dung bị cấm theo quy định của Luật Xuất bản;
d) Phát hành trên 2.000 bản xuất bản phẩm mà không có quyết định phát hành theo quy định;
đ) Xuất bản, in hoặc phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép với số lượng trên 500 bản đối với từng xuất bản phẩm;
e) Đăng tải trên phương tiện điện tử xuất bản phẩm có nội dung bị cấm theo quy định của pháp luật hoặc không có xác nhận đăng ký xuất bản, không có quyết định xuất bản, không có bản thảo đã được ký duyệt mà xuất bản xuất bản phẩm đó;
g) Thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh đã có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản để xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm dẫn đến nội dung vi phạm điều cấm của Luật Xuất bản gây hậu quả nghiêm trọng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b, c, d, đ hoặc e khoản 1 Điều này gây hậu quả nghiêm trọng;
c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm g khoản 1 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng;
d) Không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo mà vẫn xuất bản xuất bản phẩm có nội dung bị cấm theo quy định của Luật Xuất bản.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 359. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng (sửa đổi)
1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Điều 360. Tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới (sửa đổi)
1. Người nào vi phạm quy định về cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Tái phạm hoặc phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm cư trú từ một 01 năm đến 05 năm.
Điều 361. Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép (sửa đổi)
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
1. Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép;
2. Tổ chức, cưỡng ép, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.
Điều 362. Tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (sửa đổi)
1. Người nào tổ chức người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
b) Phạm tội đối với từ 02 người trở lên;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 363. Tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (sửa đổi)
1. Người nào cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
b) Cưỡng ép từ 02 người đến 09 người trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Đã cưỡng ép từ 10 người trở lên trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 364. Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy (sửa đổi)
Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Chương XXIII
CÁC TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ
Điều 365. Khái niệm tội phạm về chức vụ (sửa đổi)
1. Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức.
Tội phạm chức vụ bao gồm các tội phạm tham nhũng và các tội phạm về chức vụ khác quy định tại Chương này.
2. Các tội phạm tham nhũng là những hành vi phạm tội do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện nhiệm vụ vì mục đích vụ lợi.
3. Người có chức vụ quy định tại khoản 2 Điều này là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ.
4. Các tội phạm về chức vụ thuộc khu vực ngoài Nhà nước tại Chương này bao gồm các tội: tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ.
Mục A
CÁC TỘI PHẠM THAM NHŨNG
Điều 366. Tội tham ô tài sản (sửa đổi)
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 367. Tội nhận hối lộ (sửa đổi)
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
d) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
đ) Sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng;
g) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 50.000.000.000 đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 368. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (sửa đổi)
1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 369. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (sửa đổi)
1. Người nào vì vụ lợi mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 370. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (sửa đổi)
1. Người nào vì vụ lợi mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 371. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (sửa đổi)
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 đến 06 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 01 lần đến 05 lần số tiền hoặc giá trị tài sản đã trục lợi.
Điều 372. Tội giả mạo trong công tác (sửa đổi)
1. Người nào vì vụ lợi mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
b) Làm, cấp giấy tờ giả;
c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;
c) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Mục B
CÁC TỘI PHẠM KHÁC VỀ CHỨC VỤ
Điều 373. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (sửa đổi)
1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 178, 320 và 389 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 374. Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác (sửa đổi)
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 110, 348 và Điều 349 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 375. Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (sửa đổi)
1. Người nào vô ý làm lộ bí mật công tác hoặc làm mất tài liệu bí mật công tác gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 350 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 376. Tội đào nhiệm (sửa đổi)
1. Người nào là cán bộ, công chức mà cố ý từ bỏ nhiệm vụ công tác gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Lôi kéo người khác đào nhiệm;
b) Phạm tội trong hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc trong những trường hợp khó khăn đặc biệt khác của xã hội;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 377. Tội đưa hối lộ (sửa đổi)
1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn bất kỳ lợi ích nào sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.
a) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 01 lần đến 05 lần giá trị của hối lộ.
6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.
7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
8. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1 điều này thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doạnh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 378. Tội môi giới hối lộ (sửa đổi)
1. Người nào môi giới hối lộ mà của hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vất chất có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Biết của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 01 lần đến 05 lần giá trị của hối lộ.
6. Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Điều 379. Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi (sửa đổi)
1. Người nào trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
b) Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 01 lần đến 05 lần số tiền hoặc giá trị tài sản đã trục lợi.
Chương XXIV
CÁC TỘI XÂM PHẠM HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP
Điều 380. Khái niệm tội xâm phạm hoạt động tư pháp (sửa đổi)
Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm hoạt động tố tụng và thi hành án.
Điều 381. Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội (sửa đổi)
1. Người nào có thẩm quyền mà truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là không có tội, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Đối với người chưa thành niên, phụ nữ có thai, người già yếu;
d) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
a) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
b) Làm nạn nhân tự sát;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 382. Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội (sửa đổi)
1. Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội rất nghiêm trọng;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự bỏ trốn và thực hiện hành vi cản trở điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng;
đ) Người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trả thù người bị hại, nhân chứng;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng;
b) Người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự tiếp tục phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 383. Tội ra bản án trái pháp luật (sửa đổi)
1. Thẩm phán, Hội thẩm nào ra bản án mà mình biết rõ là trái pháp luật thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
b) Đối với người chưa thành niên, phụ nữ có thai, người già yếu;
c) Kết án oan người vô tội về tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng;
d) Gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Kết án oan người vô tội về tội đặc biệt nghiêm trọng;
b) Gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân từ 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm
Điều 384. Tội ra quyết định trái pháp luật (sửa đổi)
1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác cố ý ra quyết định mà biết rõ quyết định đó là trái thẩm quyền hoặc trái bản chất pháp lý của vụ việc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 381, 382, 383, 390, 391 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Đối với người chưa thành niên, phụ nữ có thai, người già yếu;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng về tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm nạn nhân tự sát;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 385. Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật (sửa đổi)
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng và thi hành án làm trái pháp luật thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn nguy hiểm, xảo quyệt khác;
b) Phạm tội dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
b) Phạm tội dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 386. Tội dùng nhục hình (sửa đổi)
1. Người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp xử lý vi phạm hành chính tước tự do mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
b) Phạm tội đối với 02 người trở lên;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Phạm tội đối với phụ nữ mà biết là đang có thai, người chưa thành niên, người già yếu, người khuyết tật nặng;
đ) Gây thiệt hại về sức khoẻ cho người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 60%;
e) Làm sai lệch kết quả khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Gây thiệt hại về sức khoẻ cho người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây cố tật nặng cho nạn nhân;
b) Làm nạn nhân tự sát;
c) Gây hậu quả rất nghiệm trọng khác.
4. Phạm tội làm nạn nhân chết hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Trường hợp chuẩn bị phạm tội dùng nhục hình thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
6. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 387. Tội bức cung (sửa đổi)
1. Người nào trong hoạt động tố tụng mà sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị thẩm vấn phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
b) Phạm tội đối với 02 người trở lên;
c) Phạm tội đối với người chưa thành niên, phụ nữ mà biết là đang thai, người già yếu, người khuyết tật nặng;
d) Dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị thẩm vấn;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Làm sai lệch kết quả khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm nạn nhân tự sát;
b) Phạm tội dẫn đến việc kết án oan sai người vô tội về một tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm nạn nhân chết;
b) Phạm tội dẫn đến việc kết án oan sai một người về một tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 388. Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc (sửa đổi)
1. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án, những người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, huỷ, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án, hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Làm sai lệch nhiều hồ sơ vụ án, vụ việc;
c) Làm sai lệch kết quả khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, dẫn đến việc giải quyết vụ việc bị sai lệch, bị trì hoãn hoặc bị đình chỉ;
d) Phạm tội dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm sai lệch từ 04 hồ sơ vụ án, vụ việc trở lên;
b) Phạm tội dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Làm nạn nhân tự sát;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 389. Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn (sửa đổi)
1. Người nào được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù mà thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định về quản lý, canh gác, dẫn giải để người đó trốn gây hậu quả nghiêm trọng sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm trì hoãn việc giải quyết vụ án;
b) Tiêu tốn thời gian và nguồn lực cho việc truy bắt lại người bỏ trốn;
c) Người tố giác, người làm chứng bị người bỏ trốn trả thù;
d) Người bỏ trốn tiếp tục phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 02 năm đến 07 năm:
a) Làm vụ án bị đình chỉ;
b) Người bỏ trốn tiếp tục phạm tội rất nghiêm trọng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Người bỏ trốn tiếp tục phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 390. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật (sửa đổi)
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Không ra quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của pháp luật;
b) Quyết định bắt, giữ, giam người không có căn cứ theo quy định của pháp luật;
c) Không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của pháp luật;
d) Thực hiện việc bắt, giữ, giam người không có lệnh theo quy định hoặc tuy có lệnh nhưng chưa có hiệu lực thi hành.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
b) Làm người bị giam, giữ trái pháp luật tổn hại về sức khoẻ từ 31% đến 60%;
c) Làm người bị giam, giữ hoặc gia đình họ kiệt quệ về kinh tế;
d) Đối với người chưa thành niên, người già yếu, người khuyết tật nặng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm người bị giam, giữ trái pháp luật tổn hại về sức khoẻ từ 61% trở lên hoặc chết;
b) Làm nạn nhân tự sát;
c) Làm gia đình nạn nhân tan nát, ly tán;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 391. Tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù (sửa đổi)
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tha trái pháp luật người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù về tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
b) Người được tha trái pháp luật bỏ trốn hoặc có hành vi cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử vụ việc hoặc tiếp tục phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng;
c) Người được tha trái phép trả thù người tố giác tội phạm, nhân chứng;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Người được tha trái pháp luật tiếp tục phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 392. Tội không thi hành án (sửa đổi)
1. Người nào có thẩm quyền vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân mà cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc không thi hành quyết định thi hành bản án, quyết định của Toà án gây ra một trong các hậu quả nghiêm trọng sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Người bị kết án bỏ trốn;
b) Người bị kết án tẩu tán tài sản thi hành án gây thiệt hại về tài sản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
c) Gây tranh chấp, xung đột giữa các bên liên quan;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
b) Người bị kết án tiếp tục phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng;
c) Người bị kết án tẩu tán tài sản thi hành án gây thiệt hại cho cho nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
d) Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Người bị kết án tiếp tục phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
b) Người bị kết án tẩu tán tài sản thi hành án gây thiệt hại cho nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân từ 500.000.000 đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 393. Tội không chấp hành án (sửa đổi)
1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Chống lại Chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;
b) Sử dụng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm.
3. Người phạm tội cò có thể bị phạt tiền là hình phạt bổ sung từ 05 triệu đến 50 triệu đồng.
4. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
d) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 394. Tội cản trở việc thi hành án (sửa đổi)
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án gây ra hậu quả nghiêm trọng sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Người phải chấp hành án bỏ trốn hoặc tẩu tán tài sản làm việc thi hành án không thể thực hiện được;
b) Gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Người phải chấp hành án phạm tội mới;
c) Gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân từ 200.000.000 đồng trở lên;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 395. Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật (sửa đổi)
1. Người giám định, người phiên dịch, người làm chứng nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Làm sai lệch kết quả khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, dẫn đến việc giải quyết vụ việc bị sai lệch, bị trì hoãn hoặc bị đình chỉ;
c) Phạm tội dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Phạm tội dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 396. Tội từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu (sửa đổi)
1. Người nào từ chối, trốn trách việc kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 397. Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu (sửa đổi)
1. Người nào mua chuộc hoặc cưỡng ép người làm chứng, người bị hại, đương sự trong các vụ án hình sự, hành chính, dân sự, kinh tế, lao động khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc không khai báo, không cung cấp tài liệu; mua chuộc hoặc cưỡng ép người giám định kết luận gian dối, người phiên dịch dịch xuyên tạc, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục nhân phẩm hoặc dùng các thủ đoạn nguy hiểm khác;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Điều 398. Tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản (sửa đổi)
1. Người nào được giao giữ tài sản bị kê biên, bị niêm phong hoặc vật chứng bị niêm phong mà có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phá huỷ niêm phong;
b) Tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc huỷ hoại tài sản bị kê biên.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Gây khó khăn, trở ngại cho việc giải quyết vụ việc, thi hành án bản án, quyết định của Toà án;
b) Gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức cá nhân từ 100.000.000 đồng trở lên;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 399. Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử (sửa đổi)
1. Người bị bắt, đang bị tạm giữ, tạm giam, dẫn giải, xét xử hoặc chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a ) Có tổ chức;
b) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải.
Điều 400. Tội đánh tháo người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, người đang bị dẫn giải, xét xử, chấp hành hình phạt tù (sửa đổi)
1. Người nào đánh tháo người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, người đang bị dẫn giải, xét xử hoặc chấp hành hình phạt tù, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 119 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải;
d) Đánh tháo người bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc người bị kết án tử hình;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 401. Tội vi phạm quy định về giam giữ (mới)
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây cố ý vi phạm quy định của pháp luật về giam giữ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật từ 2 lần trở lên hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm:
a) Nổi loạn, gây rối, chống phá cơ sở giam giữ;
b) Hủy hoại, cưỡng đoạt tài sản của cơ sở giam giữ, người khác;
c) Cấu kết, móc nối để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
d) Vận chuyển, chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán máy móc, thiết bị thông tin liên lạc, vũ khí, chất độc, chất nổ, chất dễ cháy, chất phóng xạ, hóa chất, chất ma túy trong các cơ sở giam giữ;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ quyền hạn;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; hành động hung hãn;
d) Móc nối với các đối tượng bên ngoài đe dọa người khác;
đ) Gây hậu rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm cư trú từ 1 năm đến 3 năm, cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 402. Tội che giấu tội phạm (sửa đổi)
1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Các điều từ Điều 108 đến Điều 121 về các tội chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Điều 123 (tội giết người); Điều 140, các khoản 2, 3 và 4 (tội hiếp dâm); Điều 141 (tội hiếp dâm trẻ em); Điều 143 (tội cưỡng dâm trẻ em); Điều 145, các khoản 2 và 3 (tội dâm ô đối với trẻ em); Điều 149, các khoản 2 và 3 (tội mua bán người);
c) Điều 150 (tội mua bán trẻ em); Điều 151 (tội đánh tráo trẻ em); Điều 152 (tội chiếm đoạt trẻ em); Điều 153 (tội mua bán, chiếm đoạt mô, tạng, các bộ phận cơ thể người)
d) Điều 167 (tội cướp tài sản); Điều 168 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản); Điều 172, các khoản 2, 3 và 4 (tội trộm cắp tài sản); Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản); Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 (tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản); Điều 177, các khoản 2, 3 và 4 (tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);
đ) Điều 190, các khoản 3 và 4 (tội buôn lậu); Điều 191, khoản 3 (tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới); Điều 192, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 193, các khoản 2 và 3 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 194, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm); Điều 196 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 197, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 198, các khoản 2 và 3 (tội đầu cơ); Điều 209, các khoản 3 và 4 (tội lập quỹ trái phép); Điều 210, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh của ngân hàng nước ngoài); Điều 211 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, công trái giả); Điều 212 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, công cụ chuyển nhượng giả, các giấy tờ có giá giả khác); Điều 240, các khoản 2 và 3 (tội huỷ hoại rừng);
e) Điều 249 (tội sản xuất trái phép chất ma tuý); Điều 250 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 253 (tội chiếm đoạt chất ma tuý); Điều 254 (tội tàng trữ tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý); Điều 255 (tội vận chuyển tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 256 (tội mua bán tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 257 (tội chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 258, khoản 2 (tội sản xuất phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý); Điều 259, khoản 2 (tội tàng trữ phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 260, khoản 2 (tội vận chuyển phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 261, khoản 2 (tội mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 262 (tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý); Điều 263 (tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý); Điều 264 (tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý); Điều 265 (tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 266, các khoản 2, 3 và 4 (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc các chất ma tuý khác);
g) Điều 274, các khoản 2, 3 và 4 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 291 (tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ); Điều 311 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 312 (tội khủng bố); Điều 314 (tội bắt cóc con tin); Điều 315 (tội cướp biển); Điều 316 (tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 317, các khoản 2, 3 và 4 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ); Điều 321, các khoản 2, 3 và 4 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân); Điều 323, các khoản 2, 3 và 4 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc);
h) Điều 341, các khoản 2 và 3 (tội mua dâm người chưa thành niên);
i) Điều 366, các khoản 2, 3 và 4 (tội tham ô tài sản); Điều 367, các khoản 2, 3 và 4 (tội nhận hối lộ); Điều 368, các khoản 2, 3 và 4 (tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản); Điều 369, các khoản 2 và 3 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ); Điều 370, các khoản 2 và 3 (tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ); Điều 371, các khoản 2, 3 và 4 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi); Điều 372, các khoản 2, 3 và 4 (tội giả mạo trong công tác); Điều 377, các khoản 2, 3 và 4 (tội đưa hối lộ); Điều 378, các khoản 2, 3 và 4 (tội làm môi giới hối lộ);
k) Điều 399 khoản 2 (tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử);
l) Các điều từ Điều 436 đến Điều 440 về các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
2. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Điều 403. Tội không tố giác tội phạm (sửa đổi)
1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 402 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
Điều 404. Tội không tôn trọng toà án (mới)
1. Người nào thoá mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm thành viên Hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng khác hoặc có hành vi đập phá tài sản tại phòng xét xử thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Gây náo loạt phiên toà;
b) Phải dừng phiên toà xét xử;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
Chương XXV
CÁC TỘI XÂM PHẠM HOẠT ĐỘNG QUÂN SỰ
Điều 405. Khái niệm tội xâm phạm hoạt động quân sự (sửa đổi)
Các tội xâm phạm hoạt động quân sự là những hành vi xâm phạm chế độ hoạt động quân sự do những người sau đây thực hiện:
a) Quân nhân tại ngũ, công nhân viên quốc phòng;
b) Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu;
c) Dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu;
d) Công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng dài hạn vào phục vụ trong quân đội.
Điều 406. Tội ra mệnh lệnh trái pháp luật (mới)
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn ra mệnh lệnh trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc trong trường hợp đặc biệt khác thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Điều 407. Tội chống mệnh lệnh (sửa đổi)
1. Người nào từ chối chấp hành hoặc cố ý không thực hiện mệnh lệnh của người có thẩm quyền, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Lôi kéo người khác phạm tội;
c) Dùng vũ lực;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Trong trường hợp đặc biệt khác;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Điều 408. Tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh (sửa đổi)
1. Người nào chấp hành mệnh lệnh của người có thẩm quyền một cách lơ là, chậm trễ, tuỳ tiện gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Trong trường hợp đặc biệt khác;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 409. Tội thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ công tác quân sự gây hậu quả nghiêm trọng (mới)
1. Người nào được giao chỉ huy thực hiện nhiệm vụ công tác quân sự hoặc quản lý tài sản của Quân đội mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định của Nhà nước, Quân đội về chỉ huy, điều hành nhiệm vụ công tác quân sự hoặc quản lý tài sản gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Là sĩ quan hoặc chỉ huy;
b) Trong chiến đấu;
c) Trong khu vực có chiến sự;
d) Trong trường hợp đặc biệt khác;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 410. Tội cản trở đồng đội thực hiện nhiệm vụ (sửa đổi)
1. Người nào cản trở đồng đội thực hiện nhiệm vụ gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Lôi kéo người khác phạm tội;
c) Dùng vũ lực;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 411. Tội làm nhục đồng đội (sửa đổi)
1. Người nào trong quan hệ công tác mà xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự đồng đội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sỹ quan;
b) Đối với chỉ huy hoặc cấp trên;
c) Vì lý do công vụ của nạn nhân;
d) Trong khu vực có chiến sự;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 412. Tội hành hung đồng đội (sửa đổi)
1. Người nào trong quan hệ công tác mà cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của đồng đội mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
a) Là chỉ huy hoặc sỹ quan;
b) Đối với chỉ huy hoặc cấp trên;
c) Vì lý do công vụ của nạn nhân;
d) Trong khu vực có chiến sự;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 413. Tội đầu hàng địch (sửa đổi)
1. Người nào đầu hàng địch thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Giao nộp cho địch vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự, tài liệu quan trọng hoặc khai báo bí mật công tác quân sự;
c) Lôi kéo người khác phạm tội;
d) Trong chiến đấu;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
a) Giao nộp cho địch tài liệu bí mật nhà nước hoặc khai báo bí mật nhà nước;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 414. Tội khai báo hoặc tự nguyện làm việc cho địch khi bị bắt làm tù binh (sửa đổi)
1. Người nào khi bị địch bắt làm tù binh mà khai báo bí mật quân sự hoặc tự nguyện làm việc cho địch, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Đối xử tàn ác với tù binh khác;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Điều 415. Tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu (sửa đổi)
1. Người nào tự ý rời bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Bỏ vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu bí mật công tác quân sự;
c) Lôi kéo người khác phạm tội;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Điều 416. Tội vắng mặt trái phép (mới)
1. Người nào không được phép mà rời khỏi đơn vị hoặc không đến đơn vị đúng thời hạn, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sỹ quan;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Lôi kéo người khác phạm tội;
d) Trong trường hợp đặc biệt khác;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 417. Tội đào ngũ (sửa đổi)
1. Người nào rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Lôi kéo người khác phạm tội;
c) Mang theo, vứt bỏ vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu bí mật quân sự;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Trong trường hợp đặc biệt khác;
d) Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 418. Tội trốn tránh nhiệm vụ (sửa đổi)
1. Người nào tự gây thương tích, gây tổn hại cho sức khoẻ của mình hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác để trốn tránh nhiệm vụ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Lôi kéo người khác phạm tội;
c) Trong thời chiến;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 419. Tội cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự (sửa đổi)
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự, nếu không thuộc trường hợp quy định ở Điều 111, Điều 349 và Điều 350 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
a) Là chỉ huy hoặc sỹ quan;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Trong chiến đấu;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 420. Tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác quân sự (sửa đổi)
1. Người nào chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác quân sự, nếu không thuộc trường hợp quy định ở Điều 111, Điều 349 và Điều 350 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
a) Là chỉ huy hoặc sỹ quan;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Trong chiến đấu;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 421. Tội vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự (sửa đổi)
1. Người nào vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 350 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 422. Tội làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự (sửa đổi)
1. Người nào làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 350 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 423. Tội báo cáo sai (sửa đổi)
1. Người nào cố ý báo cáo sai trong hoạt động quân sự gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 424. Tội vi phạm quy định về trực ban, trực chiến, trực chỉ huy (sửa đổi)
1. Người nào không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ trực ban, trực chiến, trực chỉ huy gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 425. Tội vi phạm quy định về bảo vệ (sửa đổi)
1. Người nào không chấp hành nghiêm chỉnh quy định về tuần tra, canh gác, áp tải, hộ tống gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Lôi kéo người khác phạm tội;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 426. Tội vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn trong chiến đấu hoặc trong huấn luyện (sửa đổi)
1. Người nào không chấp hành nghiêm chỉnh những quy định bảo đảm an toàn trong chiến đấu hoặc trong huấn luyện gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Điều 427. Tội vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự (sửa đổi)
1. Người nào vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 428. Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự (sửa đổi)
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 và Điều 316 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Lôi kéo người khác phạm tội;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Điều 429. Tội làm mất hoặc vô ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (sửa đổi)
1. Người nào được giao quản lý, được trang bị vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà làm mất hoặc vô ý làm hư hỏng gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Điều 430. Tội quấy nhiễu nhân dân (sửa đổi)
1. Người nào có hành vi quấy nhiễu nhân dân đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Lôi kéo người khác phạm tội;
c) Phạm tội trong khu vực có chiến sự hoặc trong khu vực đã có lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 431. Tội lạm dụng nhu cầu quân sự trong khi thực hiện nhiệm vụ (sửa đổi)
1. Người nào trong khi thực hiện nhiệm vụ mà vượt quá phạm vi cần thiết của nhu cầu quân sự gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước, của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Điều 432. Tội cố ý bỏ thương binh, tử sĩ hoặc không chăm sóc, cứu chữa thương binh (sửa đổi)
1. Người nào có trách nhiệm mà cố ý bỏ thương binh, tử sĩ tại trận địa hoặc không chăm sóc, cứu chữa thương binh gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 433. Tội chiếm đoạt hoặc huỷ hoại di vật của tử sỹ (mới)
1. Người nào chiếm đoạt hoặc huỷ hoại di vật của tử sỹ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Phạm tội gây hậu quả nghiểm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 434. Tội chiếm đoạt hoặc huỷ hoại chiến lợi phẩm (sửa đổi)
1. Người nào trong chiến đấu hoặc khi thu dọn chiến trường mà chiếm đoạt hoặc huỷ hoại chiến lợi phẩm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Chiến lợi phẩm có giá trị lớn hoặc rất lớn;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
a) Chiến lợi phẩm có giá trị đặc biệt lớn;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 435. Tội ngược đãi tù binh, hàng binh (sửa đổi)
Người nào ngược đãi tù binh, hàng binh, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Chương XXVI
CÁC TỘI PHÁ HOẠI HÒA BÌNH,
CHỐNG LOÀI NGƯỜI VÀ TỘI PHẠM CHIẾN TRANH
Điều 436. Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (sửa đổi)
Người nào tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược hoặc chuẩn bị, tiến hành, tham gia chiến tranh xâm lược nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ một nước khác, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Điều 437. Tội chống loài người (sửa đổi)
Người nào trong thời bình hay trong chiến tranh mà có hành vi tiêu diệt hàng loạt dân cư của một khu vực, phá hủy nguồn sống, phá hoại cuộc sống văn hóa, tinh thần của một nước, làm đảo lộn nền tảng của một xã hội nhằm phá hoại xã hội đó, cũng như có những hành vi diệt chủng khác hoặc những hành vi diệt sinh, diệt môi trường tự nhiên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Điều 438. Tội phạm chiến tranh (sửa đổi)
Người nào trong thời kỳ chiến tranh mà ra lệnh hoặc trực tiếp tiến hành việc giết hại dân thường, người bị thương, tù binh, cướp phá tài sản, tàn phá các nơi dân cư, sử dụng các phương tiện hoặc phương pháp chiến tranh bị cấm, cũng như có những hành vi khác vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế hoặc các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Điều 439. Tội tuyển mộ lính đánh thuê (sửa đổi)
Người nào tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê nhằm chống lại một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Điều 440. Tội làm lính đánh thuê (sửa đổi)
Người nào làm lính đánh thuê nhằm chống một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
PHẦN THỨ BA. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 441. Hiệu lực thi hành (mới)
Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày … tháng … năm 2016.
Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 và Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự hết hiệu lực kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực.
Điều 442. Điều khoản chuyển tiếp (mới)
1. Kể từ ngày có hiệu lực thi hành, Bộ luật này được áp dụng như sau:
a) Tất cả các điều khoản của Bộ luật được áp dụng để điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 ngày … tháng … năm …;
b) Các điều luật xoá bỏ một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xoá án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày …. tháng …. năm …. mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xoá án tích;
c) Các điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xoá án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày ……tháng ….. năm ….. mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xoá án tích; trong trường hợp này, vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản pháp luật hình sự trước đây để giải quyết;
d) Đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày… tháng… năm… và đã có bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, thì không được căn cứ vào những quy định của Bộ luật này có nội dung khác so với các điều luật đã được áp dụng khi tuyên án để kháng nghị giám đốc thẩm; trong trường hợp kháng nghị dựa vào căn cứ khác hoặc đã kháng nghị trước ngày… tháng… năm…, thì việc xét xử giám đốc thẩm phải tuân theo quy định tại điểm b và c Mục này.
2. Kể từ ngày Bộ luật này được công bố:
a) Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm những tội mà Bộ luật này đã bỏ hình phạt tử hình, đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên khi xét xử;
b) Hình phạt tử hình đã tuyên đối với những người được nêu tại điểm a Mục này nhưng chưa thi hành, thì không thi hành nữa và được chuyển xuống hình phạt cao nhất mà Bộ luật hình sự này quy định đối với hành vi phạm tội đó; trong trường hợp điều luật mới vẫn giữ hình phạt tử hình, thì đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên khi xét xử, hình phạt tử hình đã được tuyên được chuyển thành tù chung thân;
c) Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự trước đây quy định là tội phạm nhưng Bộ luật này không quy định là tội phạm; nếu vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trong trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trong trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì họ được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
d) Những người đã chấp hành xong hình phạt về một tội mà Bộ luật này không quy định là tội phạm nữa hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại theo điểm c Mục này, thì đương nhiên được xoá án tích.
Điều 443. Nguyên tắc quy định tội phạm và hình phạt trong luật khác (mới)
Khi sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành luật để điều chỉnh lĩnh vực mới, đặc thù mà xét thấy do yêu cầu cấp thiết của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và hội nhập quốc tế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung tội danh cụ thể trong lĩnh vực đó, thì trên cơ sở các quy định tại Phần chung của Bộ luật này, Quốc hội có thể quy định điều khoản sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự ngay trong luật điều chỉnh lĩnh vực mới, đặc thù đó.
Bộ luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa …., kỳ họp thứ…..thông qua ngày …tháng… năm…
Theo Quochoi.vn
Ý kiến ()