Thứ 7, 19/04/2025 11:52 [(GMT +7)]
Toàn tỉnh nỗ lực thực hiện các chương trình giảm nghèo
Thứ 4, 14/12/2011 | 08:48:00 [(GMT +7)] A A
Khắc phục những bất cập đó, bước vào năm 2012, Lạng Sơn xác định sẽ phát huy mọi nguồn lực, tiếp tục tạo sự chuyển biến nhanh và mạnh mẽ về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phù hợp với tiến trình hội nhập và phát triển, đảm bảo cải thiện, ổn định và nâng cao đời sống của bộ phận người nghèo, vùng nghèo một cách bền vững.
LSO-Trong những năm qua, công tác giảm nghèo đã được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân của tỉnh Lạng Sơn tập trung chỉ đạo và nỗ lực thực hiện, bước đầu cho những kết quả rất đáng khích lệ.
![]() |
Nông dân xã Văn An (Văn Quan) chế biến sản phẩm từ hoa hồi – cây trồng được xem là thế mạnh trong xóa đói giảm nghèo của địa phương |
Trong năm 2011, từ tỉnh đến huyện đã kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo, công tác chỉ đạo điều hành đã bám sát vào các nội dung cơ bản của Nghị quyết 80/2011/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo từ năm 2011 đến năm 2020. Cùng với đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo giai đoạn 2011-2015; các văn bản chỉ đạo lồng ghép các chương trình dự án với chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, các huyện, thành phố của tỉnh đều ban hành Nghị quyết chuyên đề của cấp ủy về chỉ đạo công tác giảm nghèo giai đoạn 2011-2015. Nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là người nghèo nắm được chủ trương, chính sách giảm nghèo của Chính phủ, Lạng Sơn đã đẩy mạnh thực hiện công tác truyền thông giảm nghèo. Năm 2011, Sở LĐTB&XH đã biên soạn và cấp 50 ngàn tờ rơi tuyên truyền cấp phát tới thôn, bản. Hiện nay, Sở LĐTB&XH đang phối hợp với các đơn vị truyền thông xây dựng 226 tấm pa nô tuyên truyền giảm nghèo để treo tại trung tâm xã.
Thực hiện các chính sách giảm nghèo, năm 2011, Lạng Sơn đã nỗ lực đẩy mạnh các chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo lồng ghép với dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956. Tuy nhiên, do thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ ngày 24/2/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội do đó nguồn kinh phí cấp cho công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ít, không đáp ứng được nhu cầu dạy nghề.
Ông Lê Quang Hồng, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH cho biết: Tính đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 81 lớp dạy nghề cho 2.572 lao động nông thôn với kinh phí là 4 tỷ đồng, đạt 57% so với kế hoạch năm 2011, trong đó có khoảng 20% số lao động được đào tạo thuộc hộ nghèo. Các ngành đào tạo chủ yếu tập trung vào một số nghề như sửa chữa cơ khí nông nghiệp, chăn nuôi thú y, trồng trọt, sửa chữa xe máy, trồng nấm…, thời gian đào tạo từ 1 đến 3 tháng. Theo đánh giá, việc dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động nghèo đã góp phần cho người lao động có kiến thức có thể tham gia thị trường lao động, thông qua các lớp đào tạo có tới 60% người lao động đã tìm được việc làm và tự tạo việc làm, góp phần tăng nhu nhập và giảm nghèo bền vững.
Cùng với dạy nghề, năm 2011, tỉnh Lạng Sơn được phân bổ 500 triệu đồng cho dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Sở LĐTB&XH là chủ đầu tư đang triển khai mô hình điểm tại 2 xã Quan Bản (Lộc Bình) và Bắc Thủy (Chi Lăng). Hiện nay, 2 mô hình đã xong khâu lập kế hoạch và tiến tới triển khai thực hiện. Anh Nông Minh Cường, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Lộc Bình cho biết: Tại xã Quan Bản, dự án hướng dẫn 45 hộ nghèo và cận nghèo của một số thôn trong xã thực hiện mô hình trồng chuối xuất khẩu. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng vùng sản xuất chuối tập trung đạt năng suất cao, tạo nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng tốt, có giá trị và hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện của địa phương, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Thông qua đó xây dựng cơ sở cho các hộ nông dân nghèo học tập và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm thu được năng suất cao hơn so với các cây trồng khác. Hình thành và nhân rộng mô hình sản xuất mới, giúp các hộ nghèo xóa nghèo nhanh, ổn định và dần dần tiến tới làm giầu trên điều kiện đất đai, lao động hiện có.
Thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi, tính đến hết tháng 9/2011, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo là trên 618 tỷ đồng, dư nợ học sinh sinh viên là trên 167,8 tỷ đồng. Với chính sách này đã từng bước giải quyết những khó khăn cho các gia đình có con em đang theo học tại các trường chuyên nghiệp, góp phần tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.
Ngoài ra, nguồn vốn này còn hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện về vốn để sản xuất vươn lên thoát nghèo. Đối với chính sách hỗ trợ nhà ở, theo số liệu thống kê, từ năm 2009 đến nay toàn tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 5.621 hộ, đạt 93% kế hoạch, trong đó có 3.255 hộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đạt 54,16% kế hoạch. Thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục, năm 2011 có 301 sinh viên được hưởng trợ cấp; 21.666 học sinh thôn, xã 135, học sinh diện chính sách được cấp vở viết; cấp 17.118 bộ sách giáo khoa và 403.622 quyển vở viết trị giá 2.675 triệu đồng.
Cùng với các chính sách trên, thực hiện Quyết định số 268 ngày 23/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, toàn tỉnh Lạng Sơn có 51.129 hộ được hỗ trợ với mức 30 ngàn đồng/tháng, kinh phí hỗ trợ 10 tháng, từ tháng 3/2011 đến hết tháng 12/2011. Đối với chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo, năm 2011, tỉnh đã mua và cấp 453.279 thẻ BHYT, trong đó người nghèo theo chuẩn là 191.975 người; hỗ trợ BHYT thuộc hộ cận nghèo cho 68 người… Với tất cả những nỗ lực trên đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 28,34% năm 2010 xuống còn 24,82% năm 2011.
![]() |
Đào tạo nghề kỹ thuật sữa chữa xe máy cho lao động nông thôn huyện Lộc Bình |
Tuy nhiên trong công tác giảm nghèo của tỉnh hiện nay vẫn còn một số bất cập, trong đó rõ nét nhất là nguồn lực đầu tư cho chương trình giảm nghèo còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều dự án, chương trình trong năm 2011 không có kinh phí thực hiện như trợ giúp pháp lý, khuyến nông – khuyến lâm, phát triển ngành nghề. Hiện nay, hạ tầng cơ sở nông thôn còn thiếu tính bền vững, đặc biệt là giao thông, nước sạch và thủy lợi. Trong nhân dân, thậm chí trong cán bộ cơ sở vẫn còn một số bộ phận có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và cấp trên…
Khắc phục những bất cập đó, bước vào năm 2012, Lạng Sơn xác định sẽ phát huy mọi nguồn lực, tiếp tục tạo sự chuyển biến nhanh và mạnh mẽ về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phù hợp với tiến trình hội nhập và phát triển, đảm bảo cải thiện, ổn định và nâng cao đời sống của bộ phận người nghèo, vùng nghèo một cách bền vững.
Thanh Huyền

Poll
Ý kiến ()