Tọa đàm về Việt Nam với Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương
Ngày 8/1, tại Hà Nội, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Việt Nam với Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương: Cơ hội và thách thức".
Toàn cảnh buổi tọa đàm (Ảnh: KL) |
Tham dự Tọa đàm có bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cùng đông đảo các chuyên gia kinh tế và đại diện các ban, ngành hữu quan.
Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương có tên tiếng Anh là “Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement”, viết tắt là TTP. Việt Nam cùng với 11 quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện đang trong giai đoạn nước rút đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đây là một Hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được coi như một hiệp định thương mại tự do thế hệ thứ 2 với mục tiêu thiết lập một mặt bằng tự do chung cho các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Phạm vi điều chỉnh của TPP rất rộng, một thỏa thuận toàn diện bao quát tất cả các khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do bao gồm trao đổi hàng hoá, các quy định về xuất xứ, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền về vấn đề môi trường, lao động, chống tham nhũng…
Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trao đổi về mặt tổng thể, cho rằng việc Việt Nam tham gia TTP phù hợp với chiến lược nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là chủ động tích cực hội nhập quốc tế.
Các chuyên gia cho rằng đây cũng là cơ hội cho Việt Nam và phù hợp với mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế. Theo đó, mục tiêu chính của TPP là giảm thuế và những rào cản hàng hoá cho dịch vụ. Khi các dòng thuế giảm xuống, Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu quần áo, giày dép và nhiều mặt hàng khác vốn là thế mạnh vào các thị trường lớn, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ mà không phải cạnh tranh với sản phẩm của một số nước khác…
Các đại biểu cũng tập trung phân tích đánh giá tác động của TPP, về những thách thức trong một số ngành hàng trong nước… từ đó có những bước chuẩn bị, xây dựng chương trình hành động, phù hợp với chương trình tái cấu trúc nền kinh tế nhằm tối đa hóa những mặt tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()