Tọa đàm trực tuyến “Vai trò Doanh nhân trẻ Việt Nam trong phát triển kinh tế và hội nhập”
Ngày 8/9, tại Hà Nội, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Vai trò Doanh nhân trẻ Việt Nam trong phát triển kinh tế và hội nhập” nhằm ghi nhận vai trò của doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu trong phát triển kinh tế và hội nhập.
Hình ảnh tại buổi toạ đàm (Ảnh: L.Vân) |
Tại buổi toạ đàm, nhiều vấn đề liên quan đến doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và phát triển được các doanh nhân phân tích và nêu ý kiến một cách thẳng thắn. Xung quanh vấn đề Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVV), các ý kiến đều cho rằng, doanh nghiệp muốn nhà nước quan tâm thì phải đúng đối tượng và tiếp cận chính sách một cách nhanh chóng, tránh một chính sách hỗ trợ chỉ là trên lý thuyết, không áp dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó, nhà nước cần phải có những chính sách thật thiết thực với cuộc sống. Quá trình tiếp xúc những chính sách này rất khó khăn nên cần có định hướng sớm và kịp thời, đó là cái mà doanh nhân mong muốn.
Ngoài ra, cũng có ý kiến phân tích cho rằng môi trường kinh doanh Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các chính sách nhiều khi còn hạn chế từ khâu ra Luật tới việc ban hành các Thông tư để thực hiện. Đối với các DNNVV cần có môi trường kinh doanh ổn định, thống nhất chuẩn từ trên xuống dưới để doanh nghiệp thực hiện. Khi có Luật Hỗ trợ DNNVV, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là khi soạn thảo rồi phải có sự công bố minh bạch công khai, có hệ thống và thông báo rộng rãi tới tất cả các doanh nghiệp.
Việt Nam đang đứng trước các cánh cửa hội nhập như: FTA, TPP… Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp. Về vấn đề này, ông Chu Đức Lượng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ nêu ý kiến cho rằng: Một số chính sách của chúng ta đi ngược với WTO. Tất cả các chính sách đều phải đi trước khi chúng ta tham gia hội nhập. Khi chúng ta gia nhập ASEAN thì đó cũng là thách thức của mỗi doanh nghiệp khi tham gia hội nhập. Chúng ta nên sửa những cái chính thức, tránh sửa chữa đi theo kiểu vòng vèo. Điều đó sẽ làm mất uy tín của chúng ta nói chung và uy tín của doanh nghiệp nói riêng. Để có một doanh nghiệp phát triển bền vững, chúng ta có 3 trụ cột chính: Sản phẩm cốt lõi của doanh nghiệp; Tiềm lực con người và tài chính; Mặt bằng đất đai.
Ông Đàm Quang Thắng – Tổng Giám đốc Agricare Việt Nam cũng chung quan điểm và nhấn mạnh: Doanh nghiệp có tới hàng nghìn lý do đang được tập hợp lại kiến nghị. Thực tế, việc gia nhập TPP thiệt thòi nhất vẫn là lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng chúng ta không thể không gia nhập, các doanh nghiệp Việt phải hội nhập quốc tế, thị trường Việt phải đưa thương hiệu Việt vươn ra thế giới. Bản thân ông Đàm Quang Thắng khẳng định lúc nào cũng ủng hộ việc tham gia các hiệp định thương mại. Khi gia nhập TPP doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi phần quản lý nhà nước. Do đó, doanh nghiệp cần một lộ trình từ cơ quan nhà nước để chuẩn bị…
Về vấn đề này ông Bùi Văn Quân – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ: Doanh nhân Việt Nam thể hiện điều này qua các vấn đề chính như tạo công ăn việc làm cho lao động, hàng năm doanh nhân trẻ nộp thuế hàng trăm tỷ, đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho các chương trình như xây nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào bão lũ…Tình hình xã hội hiện tại sẽ là điều kiện tốt để doanh nhân nói chung và doanh nhân trẻ nói riêng có cơ hội đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Đặc biệt, ý kiến các doanh nghiệp đều khẳng định, đã là doanh nghiệp khi sản xuất thành công thì doanh nghiệp đó đã có trách nhiệm với xã hội. Chúng ta đang kêu gọi những doanh nghiệp thành công có sự hỗ trợ cho những vùng sâu, vùng xa. Khi doanh nghiệp hoạt động tốt thì nộp thuế, bảo hiểm xã hội cho công nhân cũng là trách nhiệm đối với xã hội. Việc doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật đã là đóng góp tự nguyện xã hội rất lớn, bởi thực hiện đúng luật sẽ đảm bảo an toàn cho bản thân doanh nghiệp, các cán bộ công nhân viên và gia đình của chính họ.
Điểm nổi bật tại buổi toạ đàm là các doanh nghiệp đều bày tỏ đặt niềm tin vào kinh doanh trong tương lai. Niềm tin đó được thể hiện nhất là khi vai trò của các hiệp hội, hội chuyên ngành đang ngày càng có tiếng nói rất lớn với chính sách của Chính phủ. Các ý kiến đều cho rằng, chúng ta đang có những cơ chế hỗ trợ nhất định để phát triển thị trường, đồng thời cũng có những trường đào tạo về khởi nghiệp, các kỹ năng kinh doanh. Với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực nói chung nếu như có sự ổn định về chính sách thì tin tưởng rằng các doanh nghiệp ngành nông nghiệp và các ngành nói chung sẽ phát triển.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()